Điều ấy, mang đến một không khí thật khác, vui và nhộp nhịp hơn mọi ngày. Những khúc ca vang lên, giọng ca vô cùng trong trẻo và ngây thơ của trẻ nhỏ vang vọng trong không trung. Bé Bông ngồi lặng yên dưới gốc cây, giữa bầu không khí sôi động như thế mà bé Bông lại thoáng buồn.
Từ lúc biết mình là đứa trẻ mà năm ấy khi tròn 1 tuổi bị mẹ vứt bỏ ở cổng trại trẻ, nó vẫn luôn tự hỏi, liệu có phải mẹ không yêu nó, với tâm hồn non nớt của một đứa trẻ, nó tự lý giải nó bị bỏ rơi chỉ có thể là do những người sinh ra nó không còn yêu nó. Nghĩ đến đó bé Bông bật khóc.
Mẹ Lan – mẹ trẻ nhất trong 3 mẹ ở đây, đang hướng dẫn các em nhỏ tập văn nghệ, bỗng phát hiện ra bé Bông đang ngồi khóc một mình. Mẹ chạy lại, ôm lấy bé Bông, xoa đầu bé rồi dịu dàng hỏi: “Bông, con sao thế, sao lại ra đây ngồi khóc một mình?”.
Bé Bông lau vội những giọt nước mắt đang lăn dài trên má, giọng ấp úng: “Mẹ ơi, có phải chỉ những đứa trẻ đáng ghét mới bị bỏ rơi không ạ?”. Mẹ Lan sửng sốt: “Có chuyện gì à Bông?”. Bé Bông nức nở: “Mẹ Lan ơi, sao mẹ con đi công tác lâu về thế?”.
Mẹ Lan sửng sốt, câu hỏi như một tia sét chạy ngang qua cảm xúc của mẹ. Mẹ Lan đã gắn bó với trại trẻ này từ khá lâu, vì vậy mẹ không chỉ thương mà còn thấu hiểu cảm xúc của những đứa trẻ ở đây. Bé Bông là một cô bé rất xinh xắn, bé có cặp mắt to tròn vẻ thông minh, lanh lợi và hơn nữa bé rất hiểu chuyện.
Mẹ Lan cũng không biết vì lí do gì mà người mẹ trẻ kia lại bỏ lại đứa con mình rứt ruột đẻ ra và nuôi lớn đến một tuổi. Đa phần những đứa trẻ ở đây đều bị bỏ rơi từ khi còn đỏ hỏn. Bé Bông là một trường hợp khá hy hữu. Vì thế, lúc mới đến đây, bé Bông đã vô cùng nhớ mẹ, bé gào khóc, đòi mẹ.
Và khi đã lớn hơn một chút, thỉnh thoảng bé lại ngây thơ hỏi các mẹ trong làng trẻ: “Tại sao mẹ chưa đến đón con?”. Trước những câu hỏi ngây thơ như thế các mẹ ở làng trẻ chỉ biết kìm nén nước mắt mà động viên: “Mẹ bận đi công tác xa, con cứ ngoan rồi một ngày nào đó mẹ sẽ đón con thôi”.
Mẹ Lan bần thần ôm bé Bông vào lòng, ở cái tuổi xế chiều và cũng đã gần 20 năm gắn bó với trại trẻ này, nhiều khi chính những nét ngây thơ nhất của những đứa trẻ tội nghiệp lại làm mẹ thấy quặn đau trong lòng.
Mẹ hiểu cảm xúc của bé Bông, tình mẫu tử và hơi ấm của người mẹ quan trọng lắm. Mẹ vẫn nhớ hơi ấm khi mẹ ôm những đứa con của mẹ vào lòng, chúng đáng yêu và tội nghiệp, chúng đều bỏ mẹ đi từ khi còn rất nhỏ.
Từ khi những đứa con mà mẹ rứt ruột đẻ ra cứ lần lượt bỏ mẹ mà đi, mẹ đau đớn, buồn khổ và tìm đến trại trẻ này như một nơi tĩnh tâm, làm những điều tốt đẹp mong rằng thần phật xóa tội kiếp trước để những đứa con nơi suối vàng được thanh thản hơn.
Mỗi khi ôm những đứa trẻ vào lòng mẹ cũng mong chúng tìm được hơi ấm từ mẹ, và mẹ cũng ôm chúng như đã từng ôm những đứa con của mình vậy. Chính vì thế mẹ hiểu cảm xúc trong lòng bé Bông.
Người mẹ đã sinh ra Bông chắc hẳn có uẩn khúc gì đó mới bỏ rơi Bông như vậy, nhìn khuôn mặt ngây thơ, bụ bẫm của bé Bông lúc bị bỏ rơi, lòng người vô cùng xót thương.
Những ngày sau đó, bé Bông cứ khóc tìm mẹ, các mẹ ở đây chỉ biết kìm nén nước mắt rồi vỗ về “em ngoan, em ngoan, mẹ đi công tác rồi, vài hôm nữa mẹ sẽ về với em thôi”. Hiểu ra một điều gì đó, sau một hồi khóc bé ngủ yên trong vòng tay của mẹ Lan.
Những lúc như thế, mẹ Lan lại ôm bé Bông vào lòng rồi quở trách “cái đứa dễ thương thế này, mà sao cha mẹ lại bỏ chứ, tội nghiệp quá”. Mẹ Lan cũng từng hy vọng, rồi một ngày nào đó người phụ nữ kia sẽ quay lại đón con của mình thôi. Thế nhưng đã nhiều năm trôi qua, bà chưa thấy có người nào đến tìm con cả.
Bé Bông lớn dần lên, bé thông minh và ngoan ngoãn, chỉ có điều bé vẫn luôn hỏi những câu như: “Tại sao con đi học các bạn con đều có cha mẹ, còn chúng con ở đây thì lại không được như thế?”.
Những lúc ấy mẹ chỉ biết xoa đầu bé mà rằng: “Thế không phải là các con ở đây có rất nhiều mẹ, còn các bạn đó thì không à, mỗi người đều có những niềm hạnh phúc riêng con ạ”. Nghe mẹ Lan nói vậy bé cũng vơi đi chút buồn phiền.
***
Mẹ Lan vỗ vỗ vào bờ vai nhỏ bé của Bông, giọng run run: “Nín đi, nín đi con, mẹ bận nên đi công tác hơi lâu, rồi mẹ sẽ về với con thôi”. Thế nhưng bé Bông lại vùi đầu vào lòng mẹ mà khóc nức lên: “Con biết hết rồi, con lớn rồi mẹ đừng giấu con, con là đứa trẻ bị bỏ rơi khi con một tuổi cơ mà”.
“Ai nói với con vậy?” – Mẹ Lan sửng sốt. “Chiều nay đi học về con có rẽ vào quán đầu ngõ, con thấy họ xì xào là: Con bé bị bỏ rơi ngày nào đã lớn thế này rồi” - bé Bông vừa nói, vừa khóc. “Thôi nào, con có các mẹ, các anh chị, bạn bè và các em ở đây còn gì, con có cả một đại gia đình cơ mà, con không bị bỏ rơi, mọi người yêu con” - mẹ Lan cố gắng động viên. Bé Bông vẫn nức nở rồi ngủ thiếp đi trong vòng tay của mẹ Lan.
Những ngày gần Tết Trung thu, có nhiều nhà hảo tâm tìm đến trại trẻ hơn. Họ mong muốn được bù đắp cho những đứa trẻ thiệt thòi. Trong đó có một cặp vợ chồng khoảng 40 tuổi, họ có đến trại trẻ nhiều lần, mỗi lần đến họ đều lặng lẽ phát quà cho bọn trẻ rồi ra về.
Thế nhưng hôm nay người vợ ấy lại vào gặp các mẹ vì có chuyện muốn nói. Người phụ nữ có vẻ ngoài dịu dàng, giọng nói nhỏ nhẹ, đôi mắt buồn rầu kể câu chuyện về cuộc đời mình: “Chúng tôi yêu nhau khi còn là sinh viên đại học, vì hoàn cảnh mà tôi đã nhiều lần phá thai và có lẽ tôi đã phải trả giá, do hậu quả của việc phá thai tôi đã bị vô sinh. Cuộc sống vợ chồng vì thế mà có rất nhiều áp lực, có những lúc chúng tôi bất lực, có ý định ly hôn, nhưng tình nghĩa hơn 20 năm dễ gì nói bỏ nhau là bỏ được. Gần đây, chúng tôi quyết định sẽ xin con nuôi, có một đứa trẻ trong nhà có lẽ không khí sẽ bớt căng thẳng hơn, mong các mẹ trong này giúp đỡ vợ chồng tôi”.
Người phụ nữ ấy có nhã ý, họ sẽ đến đây thường xuyên hơn để làm quen với các bé ở đây và sau đó họ sẽ nhận một bé làm con nuôi.
Nghe xong câu chuyện các mẹ buồn vui lẫn lộn. Buồn vì các mẹ coi các bé ở đây như máu thịt của mình, xa thì vừa thương lại vừa nhớ, nhưng cũng vui vì khi về với gia đình họ các bé sẽ đỡ vất vả hơn, các bé sẽ có một gia đình trọn vẹn hơn. Các mẹ ở đây cũng già cả rồi chẳng thể nào mà có điều kiện chăm lo tốt cho các bé được như gia đình của họ.
Rằm tháng Tám, trăng sáng như gương, ai nấy đều rất hân hoan vì ban sáng trời có mưa thế nhưng buổi chiều trời đã hửng nắng, nền trời lại trong xanh, và kia mặt trăng đã nhô lên hẳn ngọn cây, lơ lửng giữa nền trời sâu hun hút.
Những trò chơi, tiết mục văn nghệ diễn ra náo nhiệt, niềm vui của trẻ nhỏ hiện rõ trên khuôn mặt. Mẹ Lan đang nhìn ngắm bọn trẻ lòng bao suy nghĩ thì người phụ nữ kia vội vã chạy lại: “Trong lúc tôi vui đùa cùng bọn trẻ thì bị rơi mất sợi dây chuyền, giờ các mẹ và các bé ở đây có thể giúp tôi tìm lại được không?”.
Mẹ Lan từ tốn, chúng ta sẽ cùng đi tìm, nhưng hãy để bọn trẻ được chơi thêm 1 lát nữa. Chưa nói dứt lời thì bé Bông bất ngờ chạy đến níu lấy tay mẹ Lan: “Mẹ ơi, lúc nãy con nhặt được cái này, mẹ xem trả cho người mất ạ!”.
Mẹ Lan vui mừng nhưng vẫn lấy hết sức bình tĩnh hỏi: “Cái này rất giá trị, con có biết không?”. Bé Bông nhanh nhảu: “Con biết ạ”. Mẹ Lan bông đùa: “Thế sao con không giấu đi mà lại đem trả lại?”.
Đôi mắt ngây thơ của bé Bông mở to ngây thơ, nhưng giọng bé thì lại rất cương quyết: “Chẳng phải mẹ đã dạy chúng con là nhặt được của rơi phải trả lại người mất cơ mà, và chúng ta hãy sống ngay thẳng thật thà, con muốn là người tốt chứ không muốn là kẻ xấu đâu mẹ ạ!”. Mẹ Lan xúc động: “Đúng rồi, con ngoan lắm, yêu Bông của mẹ”.
Người phụ nữ nhận lại sợi dây chuyền, xúc động nói lời cảm ơn với bé. Bé Bông nhìn người phụ nữ bằng ánh mắt ngây thơ, giọng nhí nhảnh: “Không có gì đâu cô”. Người phụ nữ ôm trầm lấy bé Bông, bé Bông đứng yên lặng trong vòng tay ấm áp ấy.
Buổi tiệc đã tan, mẹ Lan gọi bé Bông lại, bế bé Bông ngồi vào lòng mình rồi ân cần hỏi: “Bông, con có muốn có một gia đình không?”. Bé Bông nhìn mẹ Lan bằng ánh mắt vừa tò mò vừa lo lắng, mẹ Lan nói tiếp: “Có một gia đình nghĩa là ở đó con sẽ có tình thương của cả bố và mẹ”.
Bé Bông lo lắng: “Con muốn, nhưng con cũng muốn được ở bên mẹ và mọi người”. Mẹ Lan xoa đầu Bông giọng đầy trìu mến: “Con ngốc lắm, con vẫn sẽ được thường xuyên về thăm mẹ và mọi người, con về đó có điều kiện tốt hơn, con gắng học thật tốt và con sẽ làm được nhiều việc ý nghĩa hơn”. Bé Bông rúc vào lòng mẹ Lan thút thít khóc.
Cặp vợ chồng cũng đã đứng đó hồi lâu. Cặp mắt họ nhìn Bông đầy xúc động: “Con lại đây với bố mẹ nào!”. Bé Bông lưỡng lự, mẹ Lan động viên bé: “Bông, chào bố mẹ đi con”. Bé Bông ấp úng, bé cũng đang rất hồi hộp: “Bố,... mẹ”. Cặp vợ chồng ôm lấy Bông, họ hôn lên mái tóc tơ mượt mà của bé.
Ngồi bên hai người hãy còn khá xa lạ ấy, nhưng bé Bông lại cảm nhận được hơi ấm, tình thương của một gia đình trọn vẹn. Bé đưa cặp mắt trong veo nhìn mặt trăng tròn vành vạnh, lâu lắm rồi bé mới thấy trăng đẹp như thế, đêm nay trăng thật tròn.
PT, 6/9/2022