Năm nay, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức dâng hương giỗ tổ và Lễ kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ 14 tại thánh đường nghệ thuật - Nhà hát Lớn Hà Nội vào sáng 25/9 tức 11/8 âm lịch. Không thể diễn tả hết niềm hạnh phúc của các thế hệ nghệ sĩ sân khấu khi tề tựu mừng ngày hội của mình.
Với nghệ sĩ chân chính, họ thực sự là những “con tằm” rút ruột nhả kén vàng, dẫu khó khăn đối với “thân tằm” chưa bao giờ vợi bớt. Vì với họ, đấy là sứ mệnh thiêng liêng, cao cả với nghề tổ và cũng là tiếng lòng tri ân với đời, để xứng với yêu thương từ công chúng.
Nhưng, để xứng với yêu thương còn nhiều việc nghệ sĩ cần phải làm, không hẳn về việc rèn luyện chuyên môn mà về sự giữ mình. Vẫn còn đó nghệ sĩ lợi dụng niềm tin của công chúng mà quảng cáo cho nhãn hàng kém chất lượng.
Mới đây, nghệ sĩ Cát Tường lên tiếng xin lỗi vì quảng cáo sai sự thật. Lời xin lỗi của nghệ sĩ có đến 30 năm làm nghề này là muộn màng và vẫn còn những tính toán thiệt hơn cho cá nhân (hết hợp đồng quảng cáo) khiến dư luận chưa hẳn đã đồng tình. Nhưng dù gì vẫn có lời để sửa mình như thế còn hơn nhiều người vẫn lấp liếm, ngó lơ…
Hay những ứng xử xấu xí, lố bịch, trịch thượng với công chúng ở nghệ sĩ trẻ vừa mới sáng mà đã ngỡ là sao, vẫn còn đó. Chẳng thế mà, không phải ngẫu nhiên Hội Sân khấu Hà Nội mở hội thảo về chủ đề này và nhận được sự quan tâm của dư luận.
Đó cũng là nỗi trăn trở của những nghệ sĩ gạo cội, tâm huyết với nghề như NSND Lan Hương (Nhà hát Kịch Việt Nam) bày tỏ trong ngày giỗ tổ rằng: “Vẫn mong muốn tất cả các nghệ sĩ nói chung đề cao đạo đức, đấy là môn học trong khi học nghề diễn xuất, những bài học đầu tiên ấy đều có đầy đủ.
Hy vọng bây giờ nhà trường không bỏ qua vấn đề đó và tất cả nghệ sĩ khi ra trường, đặt chân vào nghề này với tất cả tình yêu, sự đam mê cũng phải biết trân trọng và trau dồi đạo đức nghề nghiệp – điều đó rất quan trọng đối với người làm nghề lâu dài.
Nếu có đạo đức nghề nghiệp sẽ dễ dàng vượt qua được sóng gió và sai lầm. Tất nhiên, trong cuộc sống là con người, không thể tránh khỏi những lúc sai lầm, quan trọng là có nhìn ra lỗi và có sửa sai hay không…”.
Và, NSND Thúy Mùi – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam còn đặc biệt bày tỏ lòng tri ân và biết ơn của người làm nghề sân khấu với công chúng vì “chính khán giả đã đóng góp một phần để bảo tồn, gìn giữ giá trị nghệ thuật tinh hoa của sân khấu dân tộc”.
Bởi vậy, để xứng với yêu thương đó thì nghệ sĩ về giỗ tổ vừa là “uống nước nhớ nguồn” vừa thêm một lần lòng nguyện lòng: “Hạt giống quý tiền nhân để lại, quyết vun giồng cho trái ngọt, hoa thơm/Ánh mắt xanh khoa học rọi vào, phải soi tỏ được chồi tươi, lá úa…”, như lời văn tế tổ được tác giả Kính Dân soạn từ 40 năm trước!