Sân khấu Hà Nội tổ chức Lễ Giỗ tổ nghề năm 2023

GD&TĐ - Sáng 21/9, hội viên Hội Sân khấu Hà Nội cùng tề tựu tại ngôi nhà chung 19 Hàng Buồm kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam và dâng hương giỗ tổ.

NSND Mạnh Tưởng (trái) chia sẻ cảm xúc tại lễ giỗ tổ sân khấu do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức.
NSND Mạnh Tưởng (trái) chia sẻ cảm xúc tại lễ giỗ tổ sân khấu do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức.

Năm nay đã ở tuổi ngoài 80, NSND Mạnh Tưởng vẫn phấn khởi cao hứng hát bài chèo cổ “Bà chúa con cua” mừng ngày giỗ tổ, dù rằng ông thành danh ở lĩnh vực cải lương.

“Ngày trước, vào dịp giỗ tổ, tất cả các đoàn chèo, tuồng… phải nghỉ 3 ngày để chăm sóc cho việc này. Đến chính ngày, bà Hoa Tâm, ông Tư Liên, ông Hoàng Lìu… đều phải lên hát. Năm đó, tôi 4 tuổi mà cũng được các cụ “quẳng” ra sân khấu…”, NSND Mạnh Tưởng nhớ lại.

Theo NSND Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, Ngày Sân khấu Việt Nam là cơ hội để những người làm nghề bày tỏ lòng biết ơn tới tiên tổ, đến các bậc tiền nhân, đã vượt qua mọi định kiến của xã hội mà sáng tạo nên những loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo.

Đồng thời cũng là dịp để nhìn lại hoạt động vừa qua, đánh giá những thành tích đã đạt được và các hạn chế yếu kém, để từ đó khắc phục, đoàn kết, phấn đấu, sáng tạo nhiều tác phẩm có nội dung tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao…

Trong 9 tháng đầu năm, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức các hội thảo chuyên môn: “Văn hóa ứng xử của nghệ sĩ với công chúng”, “Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được vận dụng trong tác phẩm sân khấu”, “Sân khấu Thủ đô với tính truyền thống và hiện đại”; đi thực tế sáng tác tại Lào Cai… Nhất là lần đầu tiên hội tổ chức thành công buổi tọa đàm “Giới thiệu các tác phẩm kịch bản sân khấu được hỗ trợ năm 2021”…

“Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức Ngày Sân khấu Việt Nam và giỗ tổ nghề với cả lòng biết ơn cùng tâm nguyện làm tròn trách nhiệm gìn giữ, phát huy di sản sân khấu của cha ông; tri ân khán giả luôn đồng hành cùng nghệ sĩ và sự phát triển của nền sân khấu nước nhà...”, NSND Hoàng Tuấn nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ