Những hành vi vi phạm như: họp chợ, để phương tiện, vật liệu trong hành lang ATGT đường sắt sẽ bị tăng mức xử phạt
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Uông Đình Hùng, Phó trưởng phòng Vận tải - An toàn giao thông Cục Đường sắt VN cho biết, việc sửa đổi, bổ sung lần này nhằm phù hợp với Luật Đường sắt 2017 và các văn bản pháp luật khác liên quan mới ban hành; Đồng thời, việc sửa đổi nhằm điều chỉnh những hành vi phát sinh trong thực tiễn.
“Cơ quan soạn thảo điều chỉnh, bổ sung theo hướng tăng hành vi, tăng mức xử phạt để đảm bảo tính răn đe và thực hiện pháp luật được nghiêm minh hơn”, ông Hùng nói và cho biết thêm, Cục Đường sắt VN đang xin ý kiến góp ý từ các tỉnh, thành, cơ quan, doanh nghiệp liên quan để tiếp thu, chỉnh sửa. Việc tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa được tiến hành chặt chẽ qua nhiều lần, nhiều cấp trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Đối với lần xin ý kiến góp ý lần này, cơ quan soạn thảo đã bổ sung nhiều hành vi cần xử phạt cũng như tăng mức phạt ở các lĩnh vực đào tạo, kinh doanh, an ninh, an toàn giao thông, nhân viên đường sắt vi phạm quy trình, quy phạm, phương tiện giao thông, kết cấu hạ tầng…
Đặc biệt, liên quan đến các hành vi vi phạm an toàn giao thông đường sắt, nhiều hành vi tăng mức xử phạt cao. Ví dụ khoản 2 Điều 46 “Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về quy tắc giao thông tại đường ngang, cầu chung, hầm”, đề xuất phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ vượt rào chắn đường ngang, cầu chung khi chắn đang dịch chuyển; vượt đường ngang, cầu chung khi đèn đỏ đã bật sáng; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của nhân viên gác đường ngang, cầu chung khi đi qua đường ngang, cầu chung. Còn theo quy định Nghị định 46 hiện hành, mức xử phạt chỉ từ 80.000 - 100.000 đồng.
Cùng đó, lần sửa đổi này dự kiến sẽ bổ sung điểm c “Điều khiển xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơmi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; vượt qua đường sắt tại các lối đi tự mở” vào khoản 1 Điều 48, phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với cá nhân thực hiện hành vi này. Theo ông Hùng, việc bổ sung quy định này là cần thiết vì lối đi tự mở qua đường sắt chiếm tỉ lệ 73,2 % tổng số giao cắt đường sắt. Trong khi đó, qua thống kê TNGT đường sắt từ năm 2013 đến 2017 cho thấy, số vụ xảy ra tại lối đi tự mở chiếm đến 42,3%. Còn tỷ lệ này trong năm 2018 là 36,25%. Như vậy, TNGT đường sắt xảy ra tại các lối đi tự mở chiếm tỷ lệ lớn, việc bổ sung quy định xử phạt này sẽ góp phần hạn chế số lượng phương tiện giao thông đường bộ vượt qua đường sắt tại các lối đi tự mở, giảm thiểu TNGT đường sắt.