Phiên họp thứ 2 sẽ tiếp tục thảo luận, thương lượng về việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động tại doanh nghiệp.
Trao đổi với báo chí trước thềm phiên họp, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết phía đại diện cho người lao động đặt ra mục tiêu thương lượng lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh tăng ở mức từ 7-8% từ ngày 1/7/2022.
Lý giải nguyên nhân đề xuất, ông Ngọ Duy Hiểu cho hay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên 2 năm nay Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng nên các doanh nghiệp tiếp tục duy trì mức lương tối thiểu theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, không điều chỉnh tiền lương cho người lao động. Lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng gần nhất là từ ngày 1/1/2020 với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.
Bên cạnh đó dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến đời sống của người lao động hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, hiện nay giá cả các mặt hàng không ngừng tăng lên, khiến cho đời sống của người lao động càng thêm khó khăn. Trong bối cảnh đó, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu rất cần thiết để người lao động đảm bảo đời sống.
Theo đại diện lãnh đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có nhiều lý do nên tăng lương cho người lao động từ 1/7/2022. Theo Nghị quyết Số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Các doanh nghiệp được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thoả thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.
Cùng với đó căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn phục hồi, phát triển, đặc biệt trong quý I vừa qua nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi rất mạnh mẽ. Trong khi đó NLĐ vẫn đang hết sức khó khăn.
Trước đó, tại phiên họp lần thứ nhất diễn ra chiều 28/3, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đề nghị tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2023 thay vì từ tăng 1/7/2022 như phía đại diện cho người lao động.