Bổ sung đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh
Bộ Tài chính mới đây đã gửi Chính phủ tờ trình đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.
Theo Bộ Tài chính, Luật Quản lý thuế hiện hành có quy định, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.
Trong đó, “người nộp thuế” bao gồm cả tổ chức và cá nhân. Song, việc tạm hoãn xuất cảnh hiện chỉ áp dụng với cá nhân là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp. Quy định này không phù hợp với thực tiễn.
“Tạm hoãn xuất cảnh cần được thực hiện với cả cá nhân người nộp thuế và các cá nhân khác là đại diện pháp luật của tổ chức nộp thuế”, Bộ Tài chính nêu.
Bộ Tài chính đề xuất bổ sung thêm đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh gồm cá nhân là đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cá nhân là chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Theo Bộ Tài chính, việc bổ sung các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác cưỡng chế nợ thuế, tăng tính linh hoạt trong việc áp dụng đồng thời các biện pháp cưỡng chế phù hợp với thực tế tại cơ quan thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách Nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cả nước hiện có khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có khoảng 3,5 triệu hộ đã được cấp mã số thuế, theo Bộ Tài chính.
Trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thuế đã ban hành hơn 16.900 lượt thông báo tạm hoãn xuất cảnh với tiền nợ thuế 24.100 tỷ đồng. Toàn ngành thu hồi gần 920 tỷ đồng của 1.482 người nợ qua hình thức này. Mức này bằng 30% nợ thu hồi bằng các biện pháp cưỡng chế thuế trong nửa đầu năm (2.700 tỷ đồng).
Ngoài tạm hoãn xuất cảnh, ngành thuế áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế nợ như: Kê biên tài sản, thu qua bên thứ ba với những trường hợp chây ỳ, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn. Cơ quan thuế đưa ra 174.500 quyết định cưỡng chế thuế trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, gần 87% là quyết định cưỡng chế trích tiền, phong tỏa tài khoản, hơn 13% còn lại là thu hồi nợ thuế qua hóa đơn, giấy chứng nhận kinh doanh và kê biên tài sản.
Cụ thể hóa mức tiền chậm nộp thuế
Trên thực tế, chuyện cấm xuất cảnh vì nợ thuế đã được áp dụng từ vài năm nay. Nhưng sự việc được quan tâm nhiều gần đây khi có hàng dài doanh nhân trong danh sách nợ thuế bị bêu tên ở trang thông tin của hải quan địa phương.
Nhiều người cho rằng, quy định này là cần thiết song có phần hơi cứng nhắc. Bởi trong số những người nợ thuế, có nhiều người do kinh tế khó khăn, cũng có người do không biết mình nợ thuế. Mức nợ thuế chỉ vài trăm nghìn đồng cũng bị cấm xuất cảnh là chưa phù hợp.
Đề xuất này được người dân đồng tình bởi doanh nghiệp, hộ kinh doanh có nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước. Tuy nhiên, không ít ý kiến cũng cho rằng, cần cụ thể hóa mức tiền chậm nộp thuế tối thiểu áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh và trách nhiệm thông báo của cơ quan quản lý Nhà nước với số lần thông báo tối đa là bao nhiêu sẽ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Anh Lê Hoàng Phong (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, tạm hoãn hoặc cấm xuất cảnh đều hợp lý. Nhưng để thực hiện quy định này, tránh gây phiền hà cho người dân thì cơ quan quản lý Nhà nước cần có mức tối thiểu.
“Không nên cấm xuất cảnh chỉ vì nợ thuế vài ba chục nghìn đến vài ba triệu đồng và phải có thông báo một thời gian đủ lâu trước khi hoãn/cấm xuất cảnh để người dân, doanh nghiệp thu xếp trả nợ”, anh Phong chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Thu Phương (54 tuổi, ở Hà Trì, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Dù đóng thuế là nghĩa vụ của mỗi người làm kinh doanh nhưng vì quy định này ở thời điểm hiện nay khá bất cập. Chẳng lẽ, nợ vài chục, vài trăm nghìn đồng tiền thuế cũng bị tạm hoãn/cấm xuất cảnh?
Trong khi trước khi tới sân bay, chắc chắn mỗi cá nhân đã thanh toán đầy đủ vé máy bay và nhiều khoản chi phí khác. Do đó, nên cụ thể số tiền và thời gian chậm thực hiện nghĩa vụ thuế. Ngoài ra, nên xem xét bổ sung cơ chế cho người nợ thuế có thể thực hiện nghĩa vụ thuế ngay tại sân bay hoặc bằng các ứng dụng đóng thuế trên điện thoại”.
Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, cơ quan thuế nên đề xuất mức nợ thuế khi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh như một cá nhân nợ thuế trên 100 triệu đồng hay doanh nghiệp nợ hơn 1 tỷ đồng.
Theo ông Bình, doanh nghiệp nào trong diện nợ thuế thì cán bộ thuế luôn quyết liệt nhắc nhở, thông báo, thậm chí có thể áp dụng biện pháp không cho xuất hóa đơn và phong tỏa tài khoản ngân hàng, phạt hành chính với việc chậm nộp thuế…
Trong tháng 6/2024, Bộ Tài chính đã phát đi thông cáo liên quan đến tình trạng nợ thuế hiện nay, số lượng người nộp thuế nợ thuế dưới 1 triệu đồng rất lớn, đa số lại kéo dài.
Với các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế thực hiện rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh trước khi thực hiện gửi thông báo đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và người nộp thuế để người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.
“Để nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh sẽ là một biện pháp cứng rắn cũng như cảnh báo cho người nộp thuế đang nợ thuế để đảm bảo việc hoàn thành nghĩa vụ thuế vào ngân sách Nhà nước”, thông cáo của Bộ Tài chính nêu rõ.
Tạm hoãn xuất cảnh là một trong số biện pháp cưỡng chế nợ được ngành Thuế áp dụng với những trường hợp chây ỳ, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn. Theo Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 126/2020, thủ trưởng các cơ quan thuế, hải quan có quyền ra quyết định hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.