Đề xuất phạt tài xế vi phạm nồng độ cồn: Cao, nhưng phải nghiêm!

GD&TĐ - 26 - 30 triệu đồng, tước giấy phép lái xe trong vòng 14 - 16 tháng là mức phạt cao nhất đối với tài xế vi phạm nồng độ cồn (mức 3). 

Ảnh internet
Ảnh internet

Đó là đề xuất mức phạt cao nhất theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt mà Bộ Giao thông - Vận tải đang lấy ý kiến.

Đó là mức phạt cao, bởi theo quy định hiện hành, mức phạt chỉ từ 16 - 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng. Bên cạnh đó, còn nhiều mức phạt khác cũng được sửa đổi theo chiều hướng tăng cao hơn, về tiền nộp phạt hoặc tăng thời gian tước giấy phép lái xe...

Có thể khẳng định rằng, sau nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra gần đây do tài xế điều khiển phương tiện trong tình trạng say rượu, như những con “ma men” cầm vô lăng, việc tăng chế tài một cách đủ sức răn đe, siết chặt kiểm tra tình trạng lái xe sử dụng ma tuý, uống rượu là hết sức cần thiết. Điều đó nhận được sự đồng tình của nhiều người trong xã hội.

Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, việc xử phạt như vậy còn được xem là nhẹ, chưa đủ sức răn đe, nhất là khi nhìn ra thế giới...

Nhưng cũng có không ít sự băn khoăn, lăn tăn, thậm chí không đồng tình. Điều này cũng dễ hiểu, bởi bất kỳ chính sách nào khi dự thảo, ra đời cũng khó đạt được sự đồng thuận tuyệt đối.

Sự băn khoăn tiếp theo là mức phạt cao quá ấy không dễ áp dụng đối với tất cả những người vi phạm, bởi đó là số tiền quá cao, không dễ có được với nhiều người, dẫu cho mức phạt ấy có thể khiến không ai dám uống rượu, bia quá nhiều trước khi lái xe.

Thậm chí, có lo lắng rằng, do mức phạt quá cao, người vi phạm sẽ bỏ luôn phương tiện đã cũ, giá trị thấp hơn cả mức phạt, gây khó khăn cho cơ quan chức năng...

Nhưng điều đáng quan ngại, gây hồ nghi với nhiều người là việc xử phạt cao như vậy sẽ dễ nảy sinh những tiêu cực trong quá trình kiểm tra, xử phạt. Không ai dám chắc rằng người vi phạm sẽ không nộp 15 - 20, thậm chí 30 triệu và hơn nữa, để được thoát án. Vì bên cạnh việc bị xử phạt, còn là thủ tục nộp phạt nhiêu khê, là bị tước bằng lái, là nguy cơ mất việc làm, ảnh hưởng đến đời sống gia đình...

Rõ ràng, việc tăng mức phạt để tăng tính răn đe với người vi phạm là chủ trương thời sự, hợp lý, khắc phục hạn chế. Nhưng tăng đến mức nào thì lại là vấn đề không dễ tạo sự thống nhất cao, bởi các vấn đề liên quan đến mức sống trung bình của người dân, đến tính khả thi, đến những tiêu cực có thể phát sinh...

Còn 1 tháng để Bộ Giao thông - Vận tải tổ chức lấy ý kiến, tiếp thu và trình Chính phủ phê duyệt.

Hy vọng, Nghị định mới sẽ tăng mức xử phạt tài xế lái xe vi phạm nồng độ cồn, đủ sức răn đe, nhưng cũng đủ nghiêm để không nảy sinh tiêu cực. Có như thế, chính sách mới đi vào cuộc sống, mới được lòng dân...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ