Đề xuất mở rộng đối tượng hưởng gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng

GD&TĐ - Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất mở rộng đối tượng thụ hưởng, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xác nhận, phê duyệt gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng.

Tháo gỡ nhanh nhất những vướng mắc để gói hỗ trợ đến được với các đối tượng. Ảnh minh họa
Tháo gỡ nhanh nhất những vướng mắc để gói hỗ trợ đến được với các đối tượng. Ảnh minh họa

Cần thiết phải ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung

Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Theo dự thảo tờ trình, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, qua đánh giá tình hình triển khai thực hiện tại các địa phương, tiến độ thực hiện chính sách còn khá chậm. Kết quả thực hiện một số chính sách chưa cao.

Bộ LĐ-TB&XH nhận định, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp với nhiều ca nhiễm trong cộng đồng. 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, một số địa phương khu vực Duyên hải miền Trung và TP Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68.

Bên cạnh đó, về phía người lao động và người sử dụng lao động chưa thực sự hiểu hết các chính sách. Đồng thời, chưa tích cực, chủ động gửi các hồ sơ đề nghị hỗ trợ tới các cơ quan của địa phương. Cán bộ ở các cấp địa phương còn có những cách hiểu khác nhau. Do đó, chưa linh hoạt trong việc xử lý. Một số địa phương chưa thực sự quyết liệt trong việc triển khai dẫn đến tiến độ triển khai còn chậm.

Một số địa phương đã ban hành kế hoạch nhưng chưa khẩn trương tổ chức thực hiện hoặc triển khai ở mức độ thấp. Các địa phương đã có quy định danh mục những ngành nghề, công việc của lao động tự do. Tuy nhiên, cán bộ ở cơ sở vẫn có cách hiểu khác nhau. Thực tế vẫn còn nhiều lao động tự do làm các công việc không có trong danh mục nên chưa được hỗ trợ….

Bộ LĐ-TB&XH cũng nhìn nhận, một số quy định tại Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 vẫn chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Nhất là trong chính sách hỗ trợ tiền mặt, cho vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội.

Đơn cử như một số vướng mắc, khó khăn về điều kiện giảm doanh thu để được hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Điều kiện doanh nghiệp không có nợ xấu tại các ngân hàng. Những vướng mắc về hồ sơ cần thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020. Việc xác định người sử dụng lao động bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra còn có chính sách hỗ trợ tiền ăn đối với các trường hợp F0, F1;…

Trước thực tế nêu trên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, cần thiết phải ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68 và Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định 23. Dự thảo bổ sung theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xác nhận, phê duyệt để người sử dụng lao động và người lao động được hỗ trợ kịp thời.

Tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng LĐ-TB&XH cho biết, đến nay cả nước đã có hơn 15 triệu người được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 68. Số tiền đã chi hỗ trợ hơn 8 nghìn tỷ đồng.

Trong tổng số kinh phí đã hỗ trợ này, các tỉnh phía Nam và một số tỉnh miền Trung chiếm 72%. Riêng TPHCM đã dành trên 3 nghìn tỷ đồng tiền mặt hỗ trợ lao động tự do, người yếu thế.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, các địa phương đang lúng túng triển khai. Trong đó, liên quan tới quá trình thực hiện Nghị quyết 68, điều kiện xác nhận về thuế đang là một trở ngại với nhiều địa phương và người sử dụng lao động.

Hà Nội thêm 10 nhóm đối tượng được hỗ trợ

Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, tính đến chiều ngày 5/9, toàn thành phố đã quyết định hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Tổng kinh phí trên 864 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ và Nghị quyết 15 của thành phố là hơn 678 tỷ đồng. Nguồn vận động xã hội hoá để hỗ trợ các đối tượng ngoài quy định là hơn 185 tỷ đồng.

Đối với lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, 28/30 quận, huyện, thị xã đã quyết định hỗ trợ gần 13 nghìn lao động. Tổng kinh phí là hơn 50 tỷ đồng. Trong đó, đã chi trả cho hơn 8 nghìn lao động với số tiền 34,15 tỷ đồng.

Riêng nhóm lao động không có giao kết hợp đồng có số lượng người được hỗ trợ nhiều nhất. Hiện đã có hơn 80 nghìn lao động tự do được nhận số tiền trên 120 tỷ đồng.

Trước đó, Hà Nội đã bổ sung thêm 10 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, để kịp thời hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng và đang gặp khó khăn do dịch bệnh, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã rà soát đối tượng, tổng hợp. Sở đã có tờ trình UBND thành phố Hà Nội về việc bổ sung chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch. Đây là những đối tượng chưa quy định tại Nghị quyết số 68 và Quyết định số 3642 của UBND thành phố.

Trên cơ sở đề xuất của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy đã họp và thống nhất đồng ý về chủ trương. Thường trực HĐND thành phố đã họp và đồng ý ban hành nghị quyết quy định các chính sách đặc thù của thành phố đối với 10 nhóm đối tượng.

Đồng thời UBND thành phố cũng bổ sung 500 tỷ đồng. Số tiền này ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội để người lao động và người sử dụng lao động được vay vốn phục hồi kinh tế. Đặc biệt là sau thời gian giãn cách xã hội.

Ông Phạm Quý Tiên - Phó Chủ tịch HĐND thành phố nhấn mạnh: “Với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, chúng ta phải thật khẩn trương. Làm sao tháo gỡ nhanh nhất những vướng mắc để gói hỗ trợ đến được với các đối tượng. Đồng thời, tiếp tục rà soát các đối tượng, không bỏ sót ai. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của quận, huyện và người dân trong việc chi trả chính sách hỗ trợ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.