Đề xuất khách quốc tế có thể test nhanh, đi tự do khi đến Việt Nam

GD&TĐ - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất khách nhập cảnh qua đường hàng không được chọn xét nghiệm bằng phương pháp PCR có giá trị 72 giờ hoặc kết quả test nhanh có giá trị 24 giờ trước khi đến Việt Nam.

Ảnh minh họa: Internet.
Ảnh minh họa: Internet.

Ngày 21/2, Tổng cục Du lịch thông tin những điểm mới nhất trong phương án đón khách quốc tế, dự kiến áp dụng từ 15/3. Đây là đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xin ý kiến các bộ, ngành trước khi công bố chính thức. 

Theo phương án được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi đến Chính phủ và xin ý kiến bộ, ngành, trước hết Việt Nam sẽ mở rộng phạm vi với đối tượng khách du lịch quốc tế (inbound) và khách du lịch ra nước ngoài (outbound) thông qua cửa khẩu quốc tế đường hàng không, đường bộ, đường biển.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị khôi phục chính sách về thị thực nhập cảnh cho khách quốc tế đã thực hiện từ trước năm 2020. Việt Nam trước đây đã miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia/vùng lãnh thổ. Song, do dịch bệnh bùng phát từ năm 2020, Chính phủ đã có nghị quyết ngừng thực hiện cơ chế này.

Trong điều kiện bình thường mới, các bộ, ngành thống nhất báo cáo Chính phủ cho phép khi đến thời điểm 15/3 dừng biện pháp giới hạn cấp visa và thực hiện như trước khi có dịch, bao gồm cấp visa điện tử, miễn visa đơn phương, song phương.

Về yêu cầu với khách quốc tế, ngoài việc phải đáp ứng quy định về tiêm vắc xin phòng Covid-19 hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất khách nhập cảnh qua đường hàng không được chọn xét nghiệm bằng phương pháp PCR có giá trị 72 giờ hoặc kết quả test nhanh có giá trị 24 giờ trước khi đến Việt Nam.

Sau khi nhập cảnh, khách đi thẳng về nơi lưu trú đã đăng ký và không được tiếp xúc với cộng đồng; xét nghiệm nhanh tại nơi lưu trú, trong vòng 24 giờ sau khi nhập cảnh. Trường hợp có kết quả âm tính, khách được tham gia hoạt động du lịch với hình thức tự do lựa chọn điểm đến.

Ngoài ra, khách du lịch phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu giảm xuống 10.000 USD ở giai đoạn 2. Du khách quốc tế cũng được yêu cầu cài đặt ứng dụng phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định và duy trì kết nối liên tục trong thời gian lưu trú tại Việt Nam.

Với khách nội địa, địa phương công bố mở cửa lại hoạt động du lịch, đón và phục vụ khách du lịch theo từng cấp độ dịch tại địa bàn gắn với biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh tương ứng.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ, từ nay đến khi mở cửa lại du lịch có rất nhiều công việc cần triển khai, trước hết là việc phối hợp với bộ, ngành để hoàn thiện phương án đón khách du lịch quốc tế an toàn. Sau đó, cần rà soát lại quy định liên quan để hoạt động du lịch diễn ra bình thường.

Ông Khánh lưu ý việc xây dựng sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh mới là vấn đề rất quan trọng nhằm tạo nên sức hấp dẫn, nâng cao năng lực cạnh tranh của các điểm du lịch.

Ông cũng nhấn mạnh chính sách thị thực cởi mở sẽ thu hút du khách trở lại. Quy định về thị thực, ứng dụng khi nhập cảnh sẽ được Bộ Y tế, Bộ Công An và Bộ Ngoại giao công bố sau.

Năm 2021, Việt Nam phục vụ 40 triệu lượt khách du lịch nội địa, 3.800 khách quốc tế theo chương trình thí điểm bằng hộ chiếu vắc xin.

Năm 2022, du lịch nước ta phấn đấu đón 65 triệu lượt khách du lịch (khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, 60 triệu lượt khách du lịch nội địa), bằng 150% so với năm 2021; tổng thu từ khách du lịch đạt 400.000 tỷ đồng.

Trước đó, Chính phủ đồng ý cho mở cửa lại hoạt động du lịch trên phạm vi toàn quốc từ 15/3. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ