Đề xuất giữ lại con dấu để lưu trữ, phục vụ nghiên cứu lịch sử

GD&TĐ - Bộ Nội vụ đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giữ lại con dấu hết giá trị sử dụng của một số cơ quan, tổ chức và chức danh Nhà nước để lưu trữ, phục vụ nghiên cứu lịch sử.

Đề xuất giữ lại con dấu để lưu trữ, phục vụ nghiên cứu lịch sử

Dự thảo cho biết, theo quy định hiện hành, về nguyên tắc, mỗi cơ quan, tổ chức, chức danh Nhà nước chỉ được sử dụng con dấu khi được phép và chỉ sử dụng một con dấu theo mẫu do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.

Khi cơ quan, tổ chức đổi tên, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chấm dứt hoạt động hoặc kết thúc nhiệm vụ, con dấu hết giá trị sử dụng được cơ quan có thẩm quyền thu hồi và hủy. Cơ quan, tổ chức không được phép và không thể tiếp cận, nghiên cứu con dấu khi có nhu cầu, kể cả đối với con dấu đang được sử dụng lẫn con dấu hết giá trị sử dụng.

Đối với con dấu hết giá trị sử dụng, khi các cơ quan, tổ chức cũ đã không còn hoạt động, nhu cầu nghiên cứu về con dấu vẫn tiếp tục. Do đó, việc quy định giữ lại con dấu của một số cơ quan, tổ chức, chức danh Nhà nước để lưu trữ, phục vụ nghiên cứu lịch sử là cần thiết và đáp ứng được nhu cầu trên.

Dự thảo nêu rõ, con dấu hết giá trị sử dụng của các cơ quan, tổ chức, chức danh Nhà nước sau đây được giữ lại để lưu trữ, phục vụ nghiên cứu lịch sử:

1. Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Tổng thư ký Quốc hội;

2. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

3. Chính phủ, các Bộ; cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Tổng cục thuộc Bộ;

4. Văn phòng Chủ tịch nước;

5. Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

6. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

7. Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

8. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Cơ quan, tổ chức có nhu cầu nghiên cứu về con dấu hết giá trị sử dụng của cơ quan, tổ chức, chức danh Nhà nước phải có văn bản gửi Lưu trữ lịch sử, trong đó nêu rõ thời gian, mục đích và nội dung nghiên cứu. Việc cung cấp con dấu hết giá trị sử dụng để nghiên cứu lịch sử phải được đăng ký, giao, nhận vào sổ sách.

Hiện, dự thảo đang được đưa ra lấy ý kiến đóng góp rộng rãi trên Cổng thông tin Điện tử Chính phủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.