“Mục sở thị” 500 ngôi mộ cổ
Dưới chân núi A Man, cạnh đường làng chỉ lác đác vài ngôi mộ cổ, nhưng từ lưng chừng núi, càng lên cao, số lượng mộ càng dày đặc. Tổng số mộ trên núi A Man là 500 ngôi, tất cả đều được phủ bên ngoài một lớp hợp chất vôi cát dày.
Tại một số ngôi mộ bị bong tróc bề mặt, có thể nhận thấy vật liệu xây dựng chủ yếu là đá. Đây là loại đá tự nhiên, không qua gia công. Loại đá này có rất nhiều ở các triền núi nơi đây. Ở một số ngôi mộ còn có các mảnh gốm trộn lẫn trong khối kết dính, xuất lộ lên bề mặt, có độ dày 1cm và rất rắn chắc.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, 500 ngôi mộ cổ này có bốn hình dạng gồm: hình yên ngựa, hình mai rùa, hình mái nhà, hình búp sen. Trong đó, loại hình yên ngựa khá phổ biến và mặt trước của các ngôi mộ được trang trí nhiều dạng hoa văn tinh xảo thể hiện hình tượng tứ bình, tùng hạc. Một số mộ được xây tường bao và bình phong phía trước.
Tất cả các ngôi mộ đều gối đầu về hướng Tây và Tây Bắc (đỉnh núi), chân mộ hướng về phía Đông và Đông Nam (chân núi). Trên trụ biểu nhiều ngôi mộ có một số vết tích của nét khắc chữ Hán, nhưng hầu hết nét chữ bị bào mòn, không nhận biết được. Tất cả các bia mộ đều bị đục phá nham nhở.
Lý giải về việc này, có ý kiến cho rằng ở giai đoạn các thế kỷ XVII - XVIII, vùng đất Phú Yên có nhiều biến động, chiến tranh xảy ra liên miên nên khi xây mộ phần, người ta không tạo bia hoặc nếu có tạo bia thì sau đó cũng đục phá để tránh tình trạng trả thù bằng hình thức quật mồ mả của người quá cố.
Đã có nhiều ý kiến khác nhau trong cộng đồng dân cư và các nhà nghiên cứu về 500 ngôi mộ cổ này. Có người cho rằng đó là khu mộ cổ của người Chămpa, là lớp người đầu tiên có mặt ở đây.
Ngoài ra, còn một ý kiến khác cho rằng, theo một số kết quả khảo cổ lâu nay tại vùng hạ lưu sông Cái (1 trong 3 con sông lớn nhất ở Phú Yên), đây còn là cửa ngõ về kinh tế và hình thành nhiều khu dân cư sầm uất, với lợi thế giao lưu, buôn bán và sản xuất nên không ít người Hoa đã tìm đến và an cư lạc nghiệp tại đây. Do vậy, một số nhà nghiên cứu lịch sử ở Phú Yên đã đưa ra giả thuyết khu mộ vô danh trên là của những người Hoa.
Mộ táng loại hình yên ngựa |
Mộ táng loại hình mái nhà |
Khu mộ thuộc lực lượng của chúa Nguyễn Ánh?
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Sơn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Yên, tác giả công trình nghiên cứu khoa học “Di sản văn hóa đá Phú Yên”, 500 ngôi mộ này không có một yếu tố nào thuộc về văn hóa mộ táng của người Chăm và người Hoa, mà hoàn toàn là văn hóa mộ táng của người Việt.
Dù rất độc đáo nhưng nó vẫn mang đậm dấu ấn văn hóa thuần Việt từ phong thủy dân gian trong mai táng, đến hoa văn trang trí, cách thức bài trí, cách thức lập mộ. 500 ngôi mộ cổ có 4 loại hình nhưng đều có hình dáng khác nhau, không ngôi mộ nào giống ngôi mộ nào, quy mô từng ngôi mộ tùy thuộc vào vị trí xã hội của người nằm dưới mộ lúc sinh thời.
Tìm hiểu về lịch sử hơn 400 năm của Phú Yên và xa hơn nữa, ông Sơn cho rằng, những ngôi mộ này được xây dựng cuối thế kỷ XVIII, bởi có cùng cách thức xây dựng với một số ngôi mộ cổ ở Phú Yên của các dòng họ đã được xác định chính xác niên đại. Theo ông Sơn, những người nằm dưới 500 ngôi mộ cổ thuộc lực lượng của chúa Nguyễn Ánh tham gia những trận chiến khốc liệt với nhà Tây Sơn từ năm 1793-1801.
Trong 8 năm (từ 1793-1801), Phú Yên là chiến trường khốc liệt nhất trong cuộc tương tranh giữa hai lực lượng Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Chiến trường trọng tâm là cửa biển Xuân Đài, dọc dòng sông Cái và Bảo La Hai. Phú Yên thay ngôi đổi chủ liên tục giữa hai lực lượng tương tranh. “Trong các trận chiến khốc liệt đó, các tướng tá của chúa Nguyễn Ánh tử trận đã được bí mật chôn cất trên núi A Man soi xuống dòng sông Cái. Đại bộ phận tướng tá bỏ mình được xây mộ hình yên ngựa là phương thức cách điệu từ câu nói ‘da ngựa bọc thây’ ở sa trường”, ông Sơn cho biết.
Ý kiến cho rằng những người nằm dưới 500 ngôi mộ cổ thuộc lực lượng của chúa Nguyễn Ánh cũng chỉ là giả thuyết nhưng có những luận cứ đáng tin cậy. Còn giải mã tiếp tục những bí ẩn của 500 ngôi mộ cổ thì cần tiến hành khảo cổ để sáng tỏ tất cả. “Rất mong các cơ quan chức năng lưu tâm giải mã di tích khảo cổ 500 ngôi mộ cổ trên núi A Man để làm sáng tỏ các giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh. Tuy nhiên, trước mắt cần tu tạo các ngôi mộ, tạo một điểm hấp dẫn cho du khách và người dân địa phương đến để tận mắt chiêm ngưỡng văn minh mai táng của tiền nhân, một dạng công viên nghĩa trang của tiền nhân ở những thế kỷ trước”, ông Sơn cho biết.
Có thể khẳng định khu mộ cổ này là một di tích vật chất khá quan trọng ở Phú Yên, có giá trị nghiên cứu về mặt lịch sử, văn hóa, dân tộc học... Đặc biệt là khi lối kiến trúc mộ táng này xuất hiện rải rác tại nhiều tỉnh miền Trung. Nhưng nếu những nghiên cứu vẫn còn “án binh bất động” thì khu mộ cổ vẫn sẽ tiếp tục câm lặng. Nhiều người không khỏi chạnh lòng khi thấy những ngôi mộ cổ đang dần bị thời gian phá hủy.