Đề xuất giải pháp phát triển bền vững các trường đại học ngoài công lập

GD&TĐ - Chiều 22/6, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì cuộc họp Hội đồng tư vấn, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện Đề tài mã số KHGD/16-20.ĐT.017 .

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại cuộc họp
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại cuộc họp

Kỳ vọng vào sự phát triển của các trường ngoài công lập

Đây là đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển bền vững các trường ĐH ngoài công lập ở Việt Nam”, do Trường ĐH Hòa Bình thuộc Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam chủ trì thực hiện. PGS.TS Trần Quang Quý làm chủ nhiệm đề tài.

Tại cuộc họp, các thành viên ghi nhận và đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài. Đề tài đảm bảo được tiến độ đề ra; các sản phẩm theo đăng ký tại thuyết minh đã đạt yêu cầu.

PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay, đề tài có nhiều sản phẩm đóng góp cho khoa học và thực tiễn. Vụ đã có xác nhận về tính ứng dụng của đề tài trong đóng góp vào chương trình khoa học và trong xây dựng Luật sửa đổi bổ sung, một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Về góc độ quản lý Nhà nước, Vụ giáo dục đại học mong muốn có các giải pháp để có thể học hỏi được nhiều hơn từ những đề tài như thế này; từ đó làm căn cứ để đưa ra chính sách phát triển phù hợp với hệ thống giáo dục đại học nói chung và các trường ngoài công lập nói riêng.

PGS.TS Trần Quang Quý báo cáo tóm tắt đề tài nghiên cứu
PGS.TS Trần Quang Quý báo cáo tóm tắt đề tài nghiên cứu

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, các trường ngoài công lập đã góp phần tạo nên bức tranh sinh động cho hệ thống giáo dục đại học. Chủ trương của Đảng, nhà nước là đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục đại học. Vì vậy, Nhà nước kỳ vọng rất nhiều vào sự phát triển của các trường ngoài công lập.

Tuy nhiên, đến nay kết quả chưa đạt được như mong đợi. Đâu đó vẫn còn có những khó khăn vướng mắc và thách thức. Do đó, việc đặt ra yêu cầu nghiên cứu, xem xét hiện trạng, đánh giá thực chất, tham khảo kinh nghiệm trên thế giới là cần thiết.

Trên cơ sở đó, cần có kiến nghị về cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, có định hướng trong tương lai; làm sao để các trường đại học ngoài công lập có được sự bình đẳng trong hệ thống, được hưởng các chính sách khuyến khích của Nhà nước. Qua đó, nhấn mạnh đến vai trò điều tiết của Nhà nước, xây dựng hành lang pháp lý, không phân biệt trường công, trường tư.

Những đóng góp thực tiễn

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, mặc dù đã có một số trường ngoài công lập khẳng định được vị thế, uy tín, nhưng thực tế vẫn còn nhiều vấn đề cần có nghiên cứu bài bản.

Đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển bền vững các trường đại học ngoài công lập ở Việt Nam” thuộc diện khó, và có tác động lớn đối với hệ thống giáo dục đại học.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã dày công nghiên cứu để đạt được kết quả, với những giải pháp căn cơ cho các trường ngoài công lập, cũng như hệ thống giáo dục đại học nói chung.  Đề tài được thực hiện công phu, toàn diện, bài bản, có sự tham gia tâm huyết của nhiều chuyên gia. Một số sản phẩm của đề tài có giá trị tham khảo tốt.

Các thành viên phản biện và góp ý cho đề tài
Các thành viên phản biện và góp ý cho đề tài

Bên cạnh những đóng góp về khoa học, đề tài cũng có nhiều đóng góp cho thực tiễn. Cụ thể, đề tài đã đưa ra được hệ thống giải pháp phát triển bền vững các trường đại học ngoài công lập, bao gồm 14 giải pháp góp phần gợi ý tháo gỡ những bất cập trong chính sách phát triển các trường đại học ngoài công lập ở Việt Nam của nhà nước, cũng như những khó khăn trong quản trị nhà trường của các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập.

Trong nội dung nghiên cứu này, đề tài đã đề xuất một bộ chỉ báo về tính bền vững của phát triển đại học ngoài công lập ở Việt Nam bao gồm 10 tiêu chuẩn có thể giúp cho không chỉ các nhà quản lý về giáo dục đại học trong công tác quản lý mà còn mang đến cho các trường đại học ngoài công lập một khung đánh giá cơ sở về sự phát triển bền vững của nhà trường..

Các kết quả nghiên cứu của đề tài đã được sử dụng trong việc đóng góp ý kiến cho các nội dung liên quan đến hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập tại các cuộc họp chuyên gia của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực và Vụ Giáo dục Đại học, do Bộ trường chủ trì;

Đồng thời đóng góp vào việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục và rà soát, sửa đổi một số thông tư đảm bảo phù hợp với Luật mới ban hành.

Đề tài đã được Hội đồng tư vấn nghiệm thu và xếp loại “Đạt”. Kết quả nghiên cứu của Đề tài đã được công bố qua 1 bài báo trên tạp chí trong hệ thống ISI/Scopus và 7 bài báo khoa học trong nước (vượt 2 bài so với đăng ký). Trong quá trình nghiên cứu, Đề tài đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu liên ngành.  Cụ thể, đề tài đã đào tạo thành công 2 thạc sĩ, hỗ trợ đào tạo cho 1 nghiên cứu sinh chuyên ngành Quản lý giáo dục, Quản lý kinh tế của Trường ĐH Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Hòa Bình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.