Đề xuất giá thuê nhà ở xã hội: Mức nào hợp lý?

GD&TĐ - Nhiều ý kiến cho rằng, mức giá thuê nhà đang được đề xuất là quá cao so với thu nhập ít ỏi của người lao động.

TP Hà Nội đề xuất khung giá thuê nhà ở xã hội với từng loại chiều cao công trình.
TP Hà Nội đề xuất khung giá thuê nhà ở xã hội với từng loại chiều cao công trình.

Giá thuê bằng tháng lương

UBND TP Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến người dân về Dự thảo Quyết định ban hành khung giá cho thuê nhà ở xã hội, được đầu tư xây dựng không sử dụng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn trên địa bàn thành phố.

Theo đề xuất, tòa nhà ở xã hội có chiều cao dưới 10 tầng, giá thuê từ 48.000 đồng đến 96.000 đồng/m2/tháng; chiều cao từ 10 - 20 tầng có giá thuê từ 49.000 đồng đến 98.000 đồng/m2/ tháng; chiều cao từ 20 - 30 tầng có giá mức thuê từ 73.000 đồng đến 146.000 đồng/m2/tháng.

Trong khi đó, tòa nhà ở xã hội có chiều cao từ 30 tầng trở lên có mức giá thuê từ 99.000 đồng đến 198.000 đồng/m2/tháng.

Theo Nghị định 100/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, tiêu chuẩn diện tích sử dụng mỗi căn nhà ở xã hội tối thiểu là 25m2 tối đa là 70m2.

Như vậy, một căn nhà ở xã hội tại Hà Nội, trong tòa nhà cao từ 30 tầng trở lên, có diện tích ở mức trung bình 55m2, đáp ứng nhu cầu ở của 3 - 4 người trong 1 hộ gia đình sẽ có giá thuê từ 5,4 - 10,9 triệu đồng/tháng. Mức giá này ngang ngửa các dự án nhà ở thương mại phân khúc tầm trung.

Mức giá trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng; chi phí bảo trì công trình; giá dịch vụ quản lý vận hành; chi phí mua sắm trang thiết bị nội thất, đồ dùng sinh hoạt trong nhà ở xã hội cho thuê… thù lao cho ban quản trị nhà ở xã hội và chi phí dịch vụ khác phục vụ cho việc sử dụng riêng của chủ sở hữu, người sử dụng nhà ở xã hội.

Trước đề xuất trên, nhiều người lao động có thu nhập thấp ngỡ ngàng sau khi biết giá thuê đề xuất cho nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư tại Hà Nội cao nhất lên đến hơn 12 triệu đồng/tháng.

Anh Tạ Tú Quân (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhìn nhận, nếu 5 triệu đồng/căn/tháng thì công nhân, người thu nhập thấp còn có cơ hội thuê được nhà để ở, 10 triệu đồng/căn/tháng thì gần như rất ít người có khả năng thuê được nhà.

Bốn mức giá thuê nhà ở xã hội được TP Hà Nội đưa ra là cao và dao động quá lớn. Mức thuê khoảng 100.000 đồng/m2/tháng thì người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp có thể chi trả được. Với mức giá này, nếu một hộ gia đình ở căn hộ 30m2 thì giá thuê 3 triệu đồng/tháng là phù hợp.

“Tôi biết giá thuê chung cư đang lên giá nên chúng tôi muốn chuyển hướng sang thuê nhà ở xã hội vì loại nhà này sẽ được trợ giá. Hiện tại, gia đình tôi đang khá chật vật để xoay xở chi tiêu, vì thế không thể chọn nơi quá đắt được. Dù chuyển sang chỗ ở rộng hơn nhưng tôi muốn giá thuê cũng chỉ trên dưới 5 triệu đồng/tháng”, anh Quân chia sẻ.

Tương tự, chị Nguyễn Thu Hiền, công nhân một công ty trên địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, gia đình chị có 3 thành viên, đang thuê phòng trọ rộng khoảng 25m2 với giá gần 4 triệu đồng/tháng. Hiện, thu nhập 2 vợ chồng khoảng 15 triệu đồng/tháng, trừ chi phí sinh hoạt thì chẳng còn là bao.

“Với khung giá cho thuê nhà ở xã hội dự kiến cao như thế thì gia đình khó có thể tiếp cận thuê được. Thời gian tới nhà trọ, nhà thương mại không biết chủ nhà sẽ hét giá thuê thế nào nữa”, chị Hiền bày tỏ.

Bình ổn thị trường

Trong những năm qua, Hà Nội đã trải qua sự tăng trưởng nhanh chóng về dân số và đô thị hóa, làm gia tăng mạnh nhu cầu về nhà ở. Nhờ vào việc quy định các mức giá thuê hợp lý, nhiều người dân có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ nhà ở, góp phần làm giảm bớt tình trạng thiếu hụt nhà ở xã hội.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, giá cho thuê nhà ở xã hội không chỉ ảnh hưởng đến những người có thu nhập thấp, mà còn có tác động lớn đến thị trường bất động sản. Việc công bố khung giá mới sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này, đặc biệt là trong bối cảnh Hà Nội đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng tăng của người dân.

Ông Trần Đình Bảy, Giám đốc Công ty Bất động sản CT cho rằng, mức giá như đề xuất là không hợp lý, thậm chí cao hơn nhiều căn hộ thương mại đang cho thuê trên thị trường.

Theo ông Bảy, căn hộ thương mại với diện tích 60m2 tại Thanh Xuân có mức giá cho thuê là 11 triệu đồng/tháng hay 1 căn chung cư mini 2 phòng ngủ giá thuê cũng chỉ 6 - 7 triệu đồng/tháng. Nếu theo bảng giá trong đề xuất thì nhà ở xã hội còn đắt hơn nhà thương mại cho thuê, trong khi lại có vị trí xa trung tâm hơn.

Ông Giang Anh Tuấn, Giám đốc sàn bất động sản Tuấn Anh cũng nhận định, với mức giá đề xuất cho thuê nhà ở xã hội cao nhất lên đến 14 triệu đồng/tháng, loại hình nhà này thậm chí còn đắt hơn cả nhà ở thương mại giá rẻ.

Hiện nay, nhiều căn hộ diện tích khoảng 40m2 được trang bị đầy đủ nội thất chỉ có giá thuê từ 5 - 6 triệu đồng/tháng, phù hợp với người có thu nhập thấp vì chỉ chiếm khoảng 1/4 thu nhập hàng tháng của họ.

Nếu giả định thu nhập là 20 triệu đồng mà chi phí thuê nhà đã vượt quá 10 triệu, chắc chắn người thu nhập thấp sẽ không lựa chọn thuê. Họ sẽ ưu tiên thuê các căn hộ chung cư mini ở khu vực trung tâm hơn là phải trả gấp đôi để ở xa trung tâm.

“Nếu đề xuất này được thông qua, nhà xây xong cũng khó có người thuê. Điều này vừa gây lãng phí nguồn lực, vừa không giải quyết được vấn đề an sinh xã hội”, ông Tuấn bày tỏ lo ngại.

Vị này đề xuất, nhà ở xã hội cần được thiết kế để tối giản các chi phí, qua đó giảm bớt vốn đầu tư. Điển hình như cần nghiên cứu phát triển quỹ đất riêng và xây dựng nhà thấp tầng, không cần xây tầng hầm, nhằm giảm chi phí xây dựng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM khuyến nghị, nên đầu tư các tòa nhà ở xã hội cho thuê có chiều cao không quá 24 tầng, tương đương công trình cấp 2 trở xuống thì chi phí xây dựng sẽ rẻ hơn. Nếu nhà ở xã hội xây dựng cao từ 25 tầng trở lên, tương đương công trình cấp 1 đến cấp đặc biệt thì chi phí đầu tư rất cao, sẽ đẩy giá thuê nhà lên cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Dựa cậy và níu kéo

GD&TĐ - Mười sáu năm sau khi ký kết thoả thuận liên quan, Mỹ đã khánh thành căn cứ phòng thủ tên lửa đầu tiên trên lãnh thổ Ba Lan.