Đề nghị thêm gói vay mới mua nhà ở xã hội

GD&TĐ - Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói vay mới với lãi suất giảm 3%-5% so với lãi vay thương mại, thời hạn vay 10-15 năm.

Đề nghị thêm gói vay mới mua nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo đến Thủ tướng về tình hình triển khai đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030.

Tại báo cáo này, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói vay mới với lãi suất giảm 3-5% so với lãi vay thương mại, thời hạn vay 10-15 năm.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành xây dựng phương án phát hành trái phiếu Chính phủ để hỗ trợ lãi suất cho hoạt động đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội.

Đánh giá về tốc độ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng cho biết tính đến thời điểm hiện tại, gói tín dụng này đã giải ngân được 1.144 tỷ đồng, bao gồm 1.133 tỷ đồng cho chủ đầu tư các dự án vay, 11 tỷ đồng cho người mua nhà vay.

Như vậy so với thời điểm hồi tháng 3, giải ngân gói này đã tăng gần gấp đôi về số vốn, nhưng cũng chỉ đạt gần 1% quy mô gói vay.

Một dự án nhà ở xã hội tại TP Thủ Đức đang trong quá trình xây dựng. Ảnh: Quang Duy

Một dự án nhà ở xã hội tại TP Thủ Đức đang trong quá trình xây dựng. Ảnh: Quang Duy

Vì vậy, để đẩy nhanh tốc độ giải ngân, Bộ Xây dựng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm thêm lãi suất cho vay để gói vay này phù hợp với thực tế.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho hay, trong cả quý I/2024, toàn thành phố chỉ có một dự án nhà ở xã hội là dự án cũ đã hoàn thành với vẻn vẹn… 242 căn hộ.

Theo Bộ Xây dựng, đến nay có 30 địa phương trên cả nước công bố danh mục 72 dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Trong đó, Hà Nội có 6 dự án, TPHCM có 6 dự án, Bắc Ninh có 6 dự án, Bình Định có 5 dự án…

Về kết quả phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết đến nay số dự án nhà ở xã hội đang triển khai trên cả nước là 503 dự án, tăng 4 dự án so với thời điểm 15/3.

Thực tế, phân khúc nhà ở xã hội, đang thiếu trầm trọng và thực trạng này còn kéo dài bởi phần lớn các dự án nhà ở xã hội hiện đều vướng từ khâu pháp lý. Ách tắc ngay ở khâu chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư.

"Để cuộc đua phát triển nhà ở xã hội có hiệu quả và bền vững cần đảm bảo hai yếu tố mấu chốt là quỹ đất và nguồn vốn ưu đãi", Chủ tịch HoREA nhận xét.

Vì vậy, ông Châu đề nghị tăng thêm lợi nhuận định mức cho chủ đầu tư nhà ở xã hội lên 15%, thay vì 10% như trước.

Quy định này áp dụng cho chủ đầu tư tự tạo lập quỹ đất, mục tiêu thu hút thêm nhiều doanh nghiệp cùng tham gia cuộc đua phát triển nhà xã hội.

“Dự báo từ nay đến cuối năm 2024, thị trường bất động sản TPHCM sẽ còn tiếp tục mất cân đối “cung - cầu” nhà ở, thiếu hụt nguồn cung nhà ở, dẫn tới hệ quả giá nhà có thể bị đẩy lên cao hoặc “neo giá cao”, nhất là vẫn “lệch pha” về phân khúc nhà ở cao cấp và rất thiếu nguồn cung nhà ở thương mại giá bình dân, nhà ở xã hội”, ông Lê Hoàng Châu cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ