Người thu nhập thấp khó mua nhà ở xã hội: Cần nhìn nhận đúng nhu cầu thị trường

GD&TĐ - Cần đánh giá lại nhu cầu thực của thị trường bất động sản để tránh trường hợp nơi thiếu nhưng không làm, nơi thừa không bán được.

Người thu nhập thấp vẫn khó tiếp cận mua nhà ở xã hội.
Người thu nhập thấp vẫn khó tiếp cận mua nhà ở xã hội.

Cần đánh giá lại nhu cầu thực của thị trường bất động sản để tránh trường hợp nơi thiếu nhưng không làm, nơi thừa không bán được. Cơ hội để người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội (NOXH) đã khó lại thêm khó.

Hơn 600 dự án NOXH

Thống kê cho thấy, hiện cả nước đã quy hoạch 9.757 ha đất làm NOXH tại các địa phương, có 622 dự án NOXH đã được triển khai với quy mô 565.177 căn. Trong đó, hoàn thành 79 dự án với quy mô 40.679 căn; đã khởi công xây dựng 131 dự án với quy mô 111.687 căn; đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 412 dự án với quy mô 411.076 căn.

Có 83 dự án tại 63 tỉnh, thành phố đủ điều kiện vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Trong đó, 15 dự án được cam kết cấp tín dụng 4.200 tỷ đồng, 57 dự án chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn và có 6 dự án đang được thẩm định, 5 dự án không đáp ứng điều kiện cho vay.

“Để hạ nhiệt thị trường bất động sản cần có giải pháp tổng thể để tăng cả cung và cầu về thủ tục hành chính xây dựng, tín dụng ưu đãi, giá nguyên vật liệu… chứ không chỉ có chính sách về giá đất”, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân nói.

Tại 32/83 dự án NOXH, người mua nhà được vay vốn theo gói tín dụng chương trình 120.000 tỷ đồng với tổng dư nợ 2.099 tỷ đồng với 5.236 khách hàng, trong đó dư nợ phát sinh chủ yếu tại Ngân hàng Chính sách xã hội (2.019 tỷ đồng) do lãi suất cho vay ưu đãi hơn.

Nhận định của Bộ Xây dựng về cơ chế, chính sách và nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho chủ đầu tư dự án NOXH hiện chưa đủ sức hấp dẫn. Thứ nữa, nguồn vốn đầu tư xây dựng NOXH từ ngân sách còn hạn chế. Thủ tục mua, thuê mua, thuê NOXH còn phức tạp, nhất là việc xác nhận các giấy tờ chứng minh về điều kiện nhà ở, thu nhập và cư trú.

Hiện có 19.468 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nhà ở, đạt tỷ lệ khoảng 62,6% so với kế hoạch năm 2024; bố trí ổn định cho khoảng 21.000 hộ thuộc vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng; hỗ trợ được hơn 18.204 căn nhà cho các hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đáng chú ý, ngoài những dự án NOXH do Bộ Xây dựng đề xuất, vừa qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 340.000 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”. Trong đó đang hoàn thiện đầu tư dự án thí điểm thiết chế công đoàn Hà Nam, bao gồm các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, nhà đa năng và 5 block nhà ở 5 tầng với 244 căn hộ…

Thiếu nhà ở cho người thu nhập thấp

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, cần đánh giá thực chất tình hình thị trường bất động sản tại các địa phương, để tránh trường hợp nơi nào thiếu nhưng không làm, nơi nào thừa không bán được.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, cơ cấu sản phẩm nhà ở phần lớn tập trung về phân khúc nhà ở trung, cao cấp, nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu, cơ cấu sản phẩm bất động sản bình dân giảm dần.

Quý III/2024, giá bất động sản tại một số địa phương vẫn có xu hướng tăng, đặc biệt tại Hà Nội, TPHCM... Nguồn cung bất động sản, nhà ở còn thiếu để đáp ứng nhu cầu cho người dân, những người thu nhập thấp, thu nhập trung bình tại các khu vực đô thị, thành phố lớn.

Ở một số địa phương, khu vực có hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, có tình trạng “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá đất.

Theo Bộ Xây dựng, hiện cả nước đang triển khai xây dựng 939 dự án với quy mô khoảng 426.158 căn; có 33 dự án với quy mô khoảng 9.101 căn đã hoàn thành; 60 dự án với quy mô khoảng 31.673 căn được cấp phép mới.

Trong đó, dự án đất nền đang triển khai xây dựng 528 dự án với quy mô khoảng 65.321 ô/nền, có 48 dự án hoàn thành với quy mô khoảng 4.537 ô/nền; được cấp phép mới 24 dự án với quy mô khoảng 5.456 ô/nền.

Dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.274.233 tỷ đồng tính đến ngày 31/8/2024.

Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Nội vụ để nghiên cứu, đề xuất, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về phương án sắp xếp, kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản với các tiểu ban, tổ công tác liên ngành trực thuộc.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phải tổ chức quán triệt với các địa phương trong thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về nhà ở, thị trường bất động sản thống nhất, thông suốt, theo tinh thần “phân cấp mạnh cho địa phương, nhưng văn bản quy định, quy trình, thủ tục phải rõ”.

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thống kê, báo cáo tình hình tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, đánh giá tác động đối với nền kinh tế, đề xuất những quyết sách, biện pháp mới, đủ mạnh, mấu chốt để khơi thông thị trường bất động sản.

“Chính sách nhà ở có ý nghĩa toàn diện về chính trị, kinh tế, xã hội, đã được hiến định. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách về nhà ở, đặc biệt là thể chế hóa trong Luật Đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản, Luật Tín dụng…”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Loài khỉ Jigokudani ngâm mình trong nước nóng vào mùa Đông.

Động vật tránh rét như thế nào?

GD&TĐ - Đào hang, tắm suối nước nóng, 'sống chậm' là những cách giúp các loài động vật chống chọi với cái rét khắc nghiệt trong tự nhiên.

Công ty TNHH DIGI TEXX Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ với các Trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CTV

Trung tâm GDTX - GDNN: Vực dậy cách nào?

GD&TĐ - Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo… là những giải pháp căn cơ để các trung tâm GD nghề nghiệp - GD thường xuyên tồn tại và phát triển bền vững.

App h5 vay nhanh