Thảo luận tại nghị trường Quốc hội sáng 24/6, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội nêu ý kiến, Chương 2 của Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) quy định về thông tin tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người, nhưng Điều 7 nội dung Dự án Luật quy định còn chung chung.
Tại Khoản 2 quy định về nội dung thông tin, tuyên truyền, giáo dục nhưng không xác định rõ đối tượng tuyên truyền tập trung vào đối tượng nào, hình thức tuyên truyền, giáo dục cụ thể ra sao.
Theo một báo cáo về tình hình mua bán người ở Việt Nam năm 2021, nạn nhân chủ yếu là người dân tộc thiểu số, vùng cao, biên giới ở độ tuổi trẻ em hoặc lứa tuổi 19 - 20 tuổi, phần lớn là nữ giới.
Nếu nhìn vào những con số thống kê, có thể thấy việc tuyên truyền phải nhắm tới những đối tượng cụ thể, đó là trẻ em nữ, người dân tộc thiểu số ở các vùng cao, biên giới.
Qua báo cáo thống kê, hầu hết nạn nhân chỉ học hết lớp 9, có một số ít học hết lớp 12. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất, Dự án Luật cần quy định việc đưa vào nội dung chương trình dạy học bắt buộc đối với các địa bàn vùng cao, biên giới để giáo dục về phòng ngừa mua bán người, giúp các em học sinh có thể nhận thức về những hành vi mua bán người từ sớm.
Qua đó, bản thân có khả năng nhận diện nguy cơ và có biện pháp để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Đại biểu Thượng tọa Lý Minh Đức. |
Cho rằng, tội phạm mua bán người rất nguy hiểm và đang bị lên án, đại biểu Thượng tọa Lý Minh Đức (Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng) góp ý, để làm tốt trách nhiệm là thành viên của Mặt trận, các cấp, các ngành cần định kỳ tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng công tác xã hội cho các cơ sở thuộc các tổ chức tôn giáo trong lĩnh vực hoạt động xã hội.
Đồng thời hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan, hỗ trợ để các cơ sở thuộc tổ chức tôn giáo làm tài liệu, cùng với chính quyền địa phương, tuyên truyền, phổ biến kiến thức và những quy định của pháp luật đến người dân.
Về nguyên tắc bình đẳng giới, đại biểu Tráng A Dương (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) cho biết, Dự thảo Luật đã thể hiện rõ nguyên tắc này trong các quy định về nguyên tắc phòng, chống mua bán người; tôn trọng quyền lợi, lợi ích hợp pháp, không kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân; quy định nội dung thông tin, tuyên truyền giáo dục phòng chống mua bán người…
Đại biểu Tráng A Dương. |
Tuy nhiên, đây vẫn là những quy định mang tính chất chung chung, chưa thể hiện rõ nguyên tắc đảm bảo giới tính trong phòng, chống mua bán người. Phụ nữ và trẻ em gái bị tổn thương hơn vì mục đích mua bán người về tình dục; trong khi nạn nhân nam giới là trẻ em sẽ là mục tiêu của những kẻ mua bán người nhằm mục đích bóc lột sức lao động và hoạt động tội phạm.
Theo đại biểu Tráng A Dương, những tổn thương của nạn nhân nam và nạn nhân nữ cũng tương đối khác nhau về mức độ trầm trọng. Do đó, cần bổ sung nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới và cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm trong phòng, chống mua bán người.