“Sập bẫy” lấy chồng ngoại
Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng nhất cả nước, với 6 huyện miền núi biên giới. Do đời sống kinh tế và nhận thức của người dân ở khu vực này còn thấp, trong khi đó sinh hoạt tại chỗ khó khăn, nhu cầu tìm việc làm cao khiến phụ nữ và trẻ em gái dễ trở thành đối tượng của tội phạm mua bán người.
Nhiều người phụ nữ, trẻ em bị người xấu lừa gạt, dụ dỗ bán sang Trung Quốc lấy chồng, phải lao động cực khổ. Trải qua quãng thời gian ở xứ người, một số nạn nhân mới tìm đường trốn về quê và tố cáo kẻ lừa bán mình. Cá biệt, một số trường hợp sau khi bị lừa bán đã quay lại dụ dỗ, lừa bán những phụ nữ khác.
Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm, xét xử 2 anh em ruột là Lô Thị My (SN 1990, trú tại xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An) và Lô Bún Ma (SN 1988, trú tại xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cùng về tội danh “Mua bán người”.
Theo hồ sơ vụ án, vụ việc xảy ra vào năm 2014, thời điểm đó My lấy chồng, sinh sống ở Trung Quốc. Biết được đàn ông tại nơi mình đang sống có nhu cầu tìm phụ nữ Việt Nam làm vợ, My đã nảy sinh ý định tìm người đưa sang bên kia biên giới.
Nghĩ là làm, My gọi điện về cho anh trai (Lô Bún Ma) ở quê tìm phụ nữ mang bán. Nếu phi vụ “trót lọt” Ma sẽ được trả tiền “hoa hồng”. Ngày 14/6/2014, Lô Bún Ma quen biết với chị V.H.Y. (SN 1994, trú xã Hữu Lập, Kỳ Sơn), biết cô gái này có ý định đi Trung Quốc nên giới thiệu, kết nối cho em gái.
Sau khi My trao đổi trực tiếp với Y., hứa hẹn nếu đồng ý đi sẽ được 60 triệu đồng. My nói với anh trai đưa Y. sang Trung Quốc sẽ được nhận 5 triệu đồng tiền công, Ma đồng ý.
Không lâu sau, Lô Bún Ma đưa chị Y. ra TP Móng Cái (Quảng Ninh) bằng xe khách, rồi được em gái hướng dẫn vượt biên bằng đường tiểu ngạch. Sang bên kia biên giới, Ma và chị Y. được dẫn về nhà chồng My tá túc. Bún Ma lưu lại đây 2 ngày, trước lúc về Việt Nam được em gái đưa cho 3,5 triệu đồng tiền xe.
Nạn nhân V.H.Y. sau đó được vợ chồng My bán cho người đàn ông Trung Quốc với giá 6,5 vạn Nhân dân tệ (khoảng 200 triệu đồng).
My nói chồng gửi số tiền 35 triệu đồng về Việt Nam, trong đó 30 triệu đồng gửi cho gia đình nạn nhân, còn 5 triệu đồng là tiền công của anh trai. Khoản còn lại 165 triệu đồng, My nói chồng Trung Quốc cầm chi tiêu sinh hoạt và hàng tháng đưa một ít tiền để My tiêu vặt.
Sau 9 năm sống ở xứ người, tháng 10/2023, chị V.H.Y. được gia đình chồng cho về Việt Nam thăm gia đình. Khi về nước, người phụ nữ này đã làm đơn tố cáo Lô Thị My và Lô Bún Ma lên cơ quan công an. Biết bản thân không thể thoát tội, 2 anh em My đã ra đầu thú.
Bản án nghiêm khắc
Nghệ An từng là một trong những địa phương nhức nhối về nạn mua bán người. Trong giai đoạn 2020 - 2023, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã đấu tranh và bắt giữ 31 vụ, khởi tố 36 đối tượng phạm tội mua bán người, mua bán trẻ em; tiếp nhận, xác minh 307 nạn nhân của việc mua bán người.
Tại phiên tòa sơ thẩm, 2 bị cáo Lô Thị My và Lô Bún Ma đều thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Bị cáo My cho biết, sinh sống ở Trung Quốc từ năm 2013 - 2019. Quá trình này, bị cáo có về thăm quê một lần. Sau khi biết được tại nơi mình đang sống có nhu cầu tìm phụ nữ làm vợ nên My đã nảy sinh ý định tìm người đưa sang bên kia biên giới.
Cả 2 bị cáo Bún Ma và My đều cho rằng, vì nạn nhân H.Y. muốn đi Trung Quốc lấy chồng nên đã “giúp đỡ”. Biết được hành vi sai trái của mình, 2 anh em ruột xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình, làm lại cuộc đời.
Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định, hành vi của Lô Thị My và Lô Bún Ma là vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền con người được pháp luật bảo vệ. Hai bị cáo đã lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của bị hại, đưa người sang Trung Quốc bán để hưởng lợi.
Trong vụ án này, bị cáo My là người khởi xướng, nhưng Bún Ma là người trực tiếp đưa nạn nhân đi sang Trung Quốc nên có vai trò ngang nhau. Tuy nhiên, do các bị cáo là người dân tộc thiểu số nên nhận thức về pháp luật còn hạn chế.
Xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lô Thị My và Lô Bún Ma cùng mức án 5 năm tù về tội Mua bán người. Về dân sự, tòa buộc bị cáo My bồi thường 20 triệu đồng theo yêu cầu của bị hại. Tòa cũng tuyên truy thu toàn bộ số tiền mà 2 bị cáo phạm tội mà có.
Bản án là sự trừng phạt thích đáng của pháp luật đối với hành vi phạm tội mà 2 bị cáo đã thực hiện. Đồng thời, cũng là “hồi chuông” cảnh tỉnh đối với những kẻ coi thường pháp luật, coi con người như một thứ hàng hóa để trục lợi.