Nhu cầu cao
Trong cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội mới đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã đưa ra nhiều đề xuất về chương trình phát triển nhà ở xã hội cũng như các thông tin kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp, người mua nhà.
Trong chương trình trên, HoREA cũng đưa ra đề xuất về việc hỗ trợ các chủ nhà trọ trong việc phát triển xây dựng đáp ứng nhu cầu ở, sinh sống của người dân, công nhân trên địa bàn.
Chủ tịch HoREA cho rằng, chủ nhà trọ đang góp phần quan trọng trong việc giải quyết chỗ ở ngày càng có chất lượng tốt hơn cho công nhân, lao động, người nhập cư.
Do đó, đề nghị bổ sung nhóm này được hưởng chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi khi tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà cho thuê phù hợp với từng địa phương.
“Hiệp hội nhận thấy, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn tại các đô thị, trước hết là tại các thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa cao, nhưng cần phải nghiên cứu kỹ để phát triển các loại nhà ở xã hội phù hợp với nhu cầu của người dân tại từng địa phương, tránh tình trạng nhà ở xã hội bị ‘ế’ như đã xảy ra tại một số địa phương”, ông Châu nhận định.
Theo HoREA, Liên đoàn Lao động TPHCM đã khảo sát, điều tra xã hội học, kết quả cho thấy có đến khoảng 60% công nhân, lao động nhập cư chỉ có nhu cầu thuê nhà trọ với giá thuê phòng trọ chỉ tầm khoảng trên dưới 1,5 triệu đồng/tháng và chỉ chịu đựng nổi chi phí thuê nhà tầm khoảng 20% thu nhập hàng tháng. Họ chỉ muốn làm việc trong khoảng 10 - 15 năm rồi trở về quê.
Trong lúc còn rất thiếu các khu nhà lưu trú công nhân, ký túc xá của Nhà nước hoặc của doanh nghiệp đầu tư thì đã có đến khoảng 60.470 cá nhân, hộ gia đình đã đầu tư xây dựng các khu nhà trọ với nhiều phòng trọ cho thuê hoặc nhà ngăn phòng cho thuê với tổng số khoảng 560.219 phòng trọ.
Gồm 800 khu nhà trọ (tập trung) với 357.246 phòng trọ và 25.670 nhà (căn hộ) ngăn phòng cho thuê với 202.973 phòng trọ, góp phần giải quyết nhu cầu thuê phòng trọ cho hơn 1,4 triệu công nhân, lao động, người nhập cư và có cả thành phần trí thức, chuyên viên thuê nhà trọ.
Chính vì vậy, HoREA kiến nghị rất cần bổ sung chính sách “Nhà nước hỗ trợ về nhà ở” đối với các “chủ nhà trọ” trong việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhà ở, trong đó đề nghị xem xét giảm bớt một chút mức “thuế khoán” thuế thu nhập cá nhân đang áp dụng bằng 7%/doanh thu đối với các chủ nhà trọ hiện nay là khá cao, chưa thật hợp tình hợp lý.
Do vậy, cần bổ sung thêm chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho thuê. Mức thuế thu nhập cá nhân đề xuất là 5%/doanh thu.
Cần tiếp cận vốn
Ở Hà Nội, tình trạng cũng không mấy khác biệt so với TPHCM. Và điểm chung dễ thấy nhất là hệ thống nhà trọ đa phần được thực hiện dưới hình thức kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát. Không ít lao động đang bất định trong giấc mơ an cư, thậm chí sống trong nỗi lo “mất chỗ ngả lưng” vì chủ trọ dồn ép.
Theo một số chuyên gia, hiện nay không phải ai cũng có đủ tiềm lực để mua nhà ở thương mại, trong khi đó nhà ở xã hội hiện tại không nhiều, thủ tục chờ đợi lâu. Giải quyết trước mắt chỗ ở lâu nay cho người lao động trên địa bàn thành phố chính là các chủ trọ.
Nếu các chủ trọ được tiếp cận vốn vay, Nhà nước cần có quy định cụ thể cho các hộ được vay. Ví dụ nếu được vay ưu đãi thì phải chuẩn bị đủ các quy trình giấy tờ thủ tục như vốn tự có của chủ kinh doanh, xây dựng ở đâu, quy trình xây dựng, quy mô, tính toán chi phí… và có sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan chức năng.
Đang có hơn 50 phòng trọ cho thuê tại huyện Mê Linh, Hà Nội, ông Lê Đình Chung cho biết kinh doanh nhà trọ đã hơn 20 năm nay. Nhà trọ xây dựng trên đất của gia đình và đi vay thêm ngân hàng để xây dựng, sau đó cho thuê lại.
Những chi phí liên quan đến vận hành một khu nhà trọ khá tốn kém và thu về cũng thấp. Đối tượng thuê chủ yếu là công nhân trong khu vực. Lợi nhuận kinh doanh không cao, nhưng thu nhập ổn định.
“Đọc thông tin từ các kênh chính thống thì được biết có đề xuất cho chủ trọ kinh doanh tiếp cận vốn vay theo ưu đãi giống ngân hàng chính sách xã hội. Điều này nếu được áp dụng thì quá tốt, chúng tôi rất mong được tiếp cận nguồn vốn này để phát triển thêm nhà trọ. Tất nhiên, chúng tôi cũng sẽ cam kết bằng câu chuyện xây dựng đúng như thủ tục và giảm giá cho thuê để phục vụ nhu cầu ở của người dân tốt hơn”, ông Chung chia sẻ.
Anh Trần Phương Châu, công nhân làm việc trong một khu công nghiệp tại huyện Thạch Thất, Hà Nội cho biết, xưởng của anh có hơn 100 người thì có 99% là thuê trọ. Gia đình anh 3 người đang sống trong một căn trọ rộng 15m2, nằm sâu trong ngõ đường Gò Chè (Thạch Thất).
Từ Nam Định lên Hà Nội làm việc, gần 10 năm ở trọ, anh Châu chia sẻ, không còn lựa chọn nào khác tốt hơn. Vợ anh cũng là công nhân, tháng nào tăng ca nhiều thì tổng thu nhập của cả nhà vào khoảng hơn 20 triệu đồng. Vật giá leo thang, việc chi tiêu luôn phải chắt bóp.
“Tiền nhà, điện nước, quần áo, học phí bán trú cho cậu con trai học lớp 2 gần như ngốn hết phần lương của vợ tôi. Tháng nào không may ốm đau, lễ lạt nhiều thì “lẹm” sang cả phần lương của tôi. Trung bình mỗi năm, may mắn thì nhà tôi tiết kiệm được 30 - 50 triệu đồng”, anh Châu bộc bạch.