Đề xuất chính sách thu hút giáo viên vùng khó: Để 'nước chảy về chỗ trũng'

GD&TĐ - Chỉ khi xây dựng được đội ngũ giáo viên tại chỗ mới giải quyết căn cơ và lâu dài câu chuyện giáo viên cho miền núi...

Cô Trà Thị Thu - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh điểm trường thôn từ nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Ảnh: NVCC
Cô Trà Thị Thu - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh điểm trường thôn từ nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Ảnh: NVCC

UBND Quảng Nam có kế hoạch trình đề án để kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới xem xét nhằm ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ đối với viên chức giáo viên công tác tại các huyện miền núi cao. Dự kiến, Quảng Nam sẽ hỗ trợ từ 50 - 100 triệu đồng và sinh hoạt phí hằng tháng từ 1,2 - 1,8 triệu đồng/người để thu hút giáo viên lên vùng cao dạy học.

Vùng khó… khó đủ thứ

Từ khi xã Trà Mai hoàn thành xây dựng nông thôn mới, không còn được hưởng phụ cấp áp dụng cho các xã đặc biệt khó khăn, gần như năm nào Trường THCS Trà Mai (Nam Trà My, Quảng Nam) cũng có trường hợp giáo viên xin chuyển về các trường học vùng khó.

Thầy Nguyễn Khắc Điệp - Hiệu trưởng Trường THCS Trà Mai phân tích: “Với những giáo viên mới trúng tuyển viên chức, khi dạy học tại Trà Mai, sẽ không còn nhận được 30% phụ cấp thu hút, cũng không có khoản 10 tháng trợ cấp ban đầu mà chỉ có 35% phụ cấp đứng lớp như những thầy, cô giáo dạy học ở đồng bằng”.

Như trường hợp cô C.T.N. - giáo viên Ngữ văn có nguyện vọng xin chuyển từ Trường THCS Trà Mai vào dạy học tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trà Tập. Mức lương hằng tháng của cô N. khi sang dạy học ở xã Trà Tập tăng lên từ 5 - 6 triệu đồng so với khi đang dạy ở xã Trà Mai.

Ngoài “dòng chảy ngược” từ các trường học ở xã Trà Mai về xã vùng khó khác của Nam Trà My, huyện vùng núi cao này còn có một dòng chảy khác, giáo viên dự thi biên chế ở các huyện sau một thời gian xin chuyển công tác về vùng thuận lợi. Nhiều giáo viên sau 5 năm dạy học ở các trường vùng cao, khi đã hết thời gian hỗ trợ phụ cấp khu vực, đều tìm cách chuyển về đồng bằng.

Các địa phương vùng đồng bằng của Quảng Nam vẫn thiếu giáo viên mầm non, tiểu học. Vì vậy, chỉ cần trúng tuyển kỳ thi tuyển dụng viên chức, số giáo viên này sẽ được miễn thời gian tập sự. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi đang công tác ở ngành Giáo dục được tính vào tăng lương nên gần như giáo viên đều đảm bảo quyền lợi khi đỗ viên chức ở một địa phương khác, chứ không phải “bắt tay làm lại từ đầu”.

Từ năm 2019 đến nay, có khoảng 530 giáo viên chuyển công tác ra khỏi các huyện miền núi cao của Quảng Nam. Ngoài ra, có gần 100 giáo viên biên chế đang dạy học tại các trường thuộc địa bàn vùng núi cao xin thôi việc.

Ông Nguyễn Văn Nhị - Phó Trưởng phòng GD&ĐT Nam Trà My cho biết, có nhiều giáo viên, dù đã vào biên chế, thâm niên công tác cả chục năm nhưng vẫn bỏ nghề. “Phần lớn giáo viên công tác tại vùng núi cao không phải là người địa phương nên thường một cảnh hai, ba quê.

Thầy cô không thể dạy hoặc làm thêm nghề phụ để có thu nhập. Vì vậy, dù hệ số đứng lớp cao nhưng khi hết thời gian 5 năm hưởng phụ cấp thu hút, nhà giáo dạy học ở vùng núi phải khéo thu vén lắm mới đủ trang trải cuộc sống. Trong khi cơ hội việc làm ở khu vực đồng bằng của họ không thiếu, thu nhập lại cao, điều kiện sống cũng tốt hơn”, ông Nhị phân tích.

de-xuat-chinh-sach-thu-hut-giao-vien-vung-kho-1.jpg
Lớp học phụ đạo miễn phí vào ban đêm của thầy Nguyễn Văn Nhân - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam) tại điểm trường thôn. Ảnh: NVCC

Tìm cách “giữ chân” giáo viên

Theo dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đối với viên chức giáo viên công tác tại các huyện miền núi cao giai đoạn 2025 - 2026 của Quảng Nam, sẽ hỗ trợ lần đầu cho giáo viên đến dạy học ở các xã khu vực III hoặc thôn đặc biệt khó khăn là 100 triệu đồng/người. Đối với các xã khu vực II là 75 triệu đồng/người. Các xã khu vực I là 50 triệu đồng/người. Các huyện miền núi cao thực hiện chính sách theo dự thảo nghị quyết gồm có Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang và Phước Sơn.

Ngoài hỗ trợ một lần, dự kiến các giáo viên theo diện thu hút trong giai đoạn năm 2025 - 2026 được hỗ trợ sinh hoạt với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng đối với viên chức công tác tại các xã khu vực III hoặc thôn đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng đối với viên chức công tác tại các xã khu vực II và 1,2 triệu đồng với các xã khu vực I.

Thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam cho biết, những đề xuất trong dự thảo nghị quyết cho thấy sự ưu tiên đối với giáo viên công tác tại địa bàn vùng khó.

Tuy nhiên, theo thầy Chín, đây chưa phải là điểm mấu chốt trong giải quyết bài toán thiếu giáo viên ở các trường học nơi đây. “Ngoài ưu đãi lương bổng và phúc lợi như tăng lương, hỗ trợ chi phí sinh hoạt, nhà ở, và phụ cấp vùng sâu, xa cho giáo viên, về lâu dài, cần có chính sách tuyển dụng phù hợp. Trong đó, ưu tiên đào tạo và tuyển dụng con em người địa phương làm giáo viên, vì họ hiểu rõ văn hóa, phong tục và gắn bó với quê hương.

Cần tạo nguồn giáo viên tại chỗ bằng cách tạo điều kiện cho học sinh miền núi học ngành sư phạm thông qua chính sách đặt hàng, đào tạo có địa chỉ với những hỗ trợ kèm theo như miễn học phí, cấp học bổng.

Sau khi tốt nghiệp, họ quay về phục vụ địa phương”, thầy Chín đề xuất và cho hay: Hiện, một số địa phương vùng núi cao của Quảng Nam, trong đó có Nam Trà My còn lượng lớn sinh viên tốt nghiệp các ngành học khác chưa có việc làm. Đây là những học sinh người đồng bào ngay tại địa phương.

Các em được học nội trú từ nhỏ và đào tạo căn bản. Nếu gửi đi đào tạo thêm về chuyên ngành sư phạm tiểu học và mầm non thì cơ hội trúng tuyển viên chức của họ rất cao và cũng là giải pháp căn cơ nhất để góp phần giữ ổn định đội ngũ giáo viên cho địa phương.

Theo bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa xã hội, HĐND Quảng Nam, bên cạnh tiếp tục tổ chức tuyển dụng bổ sung nguồn giáo viên, các ngành chức năng cần khảo sát số lượng, ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu và dự báo thiếu hụt giáo viên.

Từ đó lựa chọn những học sinh có học lực khá, giỏi tại các trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh để xây dựng kế hoạch đào tạo giáo viên theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng và thực hiện các chính sách hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt theo Nghị định số 116/2020 của Chính phủ. Chỉ khi xây dựng được đội ngũ giáo viên tại chỗ mới giải quyết căn cơ và lâu dài câu chuyện giáo viên cho miền núi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên lồng ghép các trò chơi trong giờ học tiếng Anh tăng cường nhằm tăng hứng thú cho học sinh.

Còn nhiều khó khăn và thách thức

GD&TĐ - Để triển khai tốt chương trình tiếng Anh tăng cường cần phải đẩy mạnh xã hội hóa, trong đó sự đồng thuận của phụ huynh đóng vai trò quan trọng.

9 dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư vú

9 dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư vú

GD&TĐ - Ung thư vú phủ bóng đen lên cuộc sống của vô số người trên toàn cầu, ảnh hưởng đến những người mắc bệnh và gia đình của họ.