“Giáo dục Việt Nam hiện giờ có rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Nhưng tôi sẽ tự giới hạn ở ba đề xuất mà tôi cho là quan trọng nhất để gửi đến tân Bộ trưởng.
Thứ nhất đó là về triết lý giáo dục. Nói cụ thể là hệ thống giáo dục của chúng ta hướng đến việc đào tạo con người nào. Chỉ khi làm rõ được điều này và được phát biểu thật mạch lạc rõ ràng bởi Bộ GD&ĐT thì hệ thống giáo dục mới có thể vận hành trơn tru được. Nếu không làm rõ được triết lý giáo dục thì mọi giải pháp đưa ra sẽ chỉ là chắp vá tạm thời.
Thứ hai là khôi phục lại sự chính trực học đường. Hiện nay bệnh giả dối dưới nhiều hình thức, thấp là quay cóp, gian lận thi cử, cao thì mua bán bằng, chạy theo bệnh thành tích… đã tràn vào trường học, từ cấp mẫu giáo đến sau đại học gây ra tác hại lâu dài. Nếu không khôi phục lại được sự ngay thẳng, chính trực trong học đường cho cả thầy và trò thì càng cố gắng lại càng phản tác dụng.
Thứ ba là về việc nâng cấp nội dung chương trình bậc đại học. Theo quan sát của tôi, chương trình đào tạo bậc đại học hiện nay đang quá lạc hậu so với thế giới. Kiến thức mà sinh viên đang được học có khi trễ hàng chục năm so với bên ngoài. Nếu không nâng cấp được mặt bằng tri thức đại học này, thì không có cách nào để các kỹ sư cử nhân của chúng ta và rộng hơn là Việt Nam, có thể cạnh tranh được với thế giới” - TS Giáp Văn Dương mở đầu cuộc trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại.
Bộ trưởng có nhấn mạnh vai trò của người dạy và người học, ông cũng từng nói rất tâm huyết về giáo dục khai phóng, về tính nhân văn trong giáo dục. Ông có chia sẻ gì với quan điểm của Bộ trưởng?
- Giáo dục xuất phát từ con người và kết thúc cũng ở con người. Vì thế, tôi ủng hộ quan điểm này của tân Bộ trưởng, khi đặt lại vị trí của người dạy và người học vào trung tâm của giáo dục. Trên thực tế, chỉ cần một ông thầy và một học trò là cuộc dạy - học đã có thể diễn ra, kể cả khi không có cuốn sách giáo khoa nào bên cạnh. Đây là cách dạy học của nhiều nhà giáo dục, nhà tư tưởng từ hàng nghìn năm trước, như Socrates ở Hy Lạp cổ đại chẳng hạn.
Nhưng điều này dường như đã bị bỏ qua một cách đáng tiếc. Suốt một thời gian dài chúng ta coi sách giáo khoa là trung tâm của giáo dục. Mọi cố gắng cải tiến giáo dục vì thế chỉ nhắm đến việc viết lại sách giáo khoa, càng về sau sách càng trở nên nặng nề và mang tính nhồi nhét. Khi xem sách của con mình hiện học lớp 9, tôi thấy nhiều nội dung của bậc THPT đã được đưa xuống. Tương tự như vậy, nhiều nội dung của đại học lại đưa xuống phổ thông. Những điều đó xảy ra có lẽ chỉ nhằm mục đích duy nhất là tạo ra một bộ sách khác hơn bộ sách đã có, nhưng hiệu quả giáo dục thì không tốt hơn.
“Giáo dục không phải là đổ đầy một bát nước, mà thắp lên một ngọn lửa”. Nhưng thời đại này, giáo dục sẽ không chỉ dừng ở việc thắp lên một ngọn lửa, mà còn phải giúp cho người học biết sống ra sao, đương đầu với cuộc sống và các cám dỗ thế nào, kể cả các cám dỗ do sự phát triển của công nghệ mang lại, làm sao để tồn tại và phát triển trong một thế giới nhiều biến động. Tất cả những thứ đó chỉ có thể giải quyết khi chúng ta xuất phát từ con người và đặt con người vào trung tâm để nhìn nhận và giải quyết vấn đề.
Giáo dục trực tuyến cả miễn phí và trả phí đang rất phát triển trên thế giới, theo ông, muốn phát triển giáo dục trực tuyến tại Việt Nam cần lưu ý những điều gì để đưa giáo dục trực tuyến phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam?
- Sự phát triển của giáo dục trực tuyến là một xu hướng không thể ngăn cản. Tuy nhiên, tôi cho rằng giáo dục trực tuyến sẽ không đi đến mức triệt để như báo điện tử, thương mại điện tử… Nhưng chắc chắn giáo dục trực tuyến sẽ có đóng góp quan trọng và sẽ chiếm một tỷ lệ ngày càng lớn trong giáo dục. Với Việt Nam, giáo dục trực tuyến còn là cơ hội để nâng cấp nội dung chương trình bậc đại học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nếu đầu tư và biết tận dụng.
Để điều này trở thành hiện thực thì từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải tiên phong phát triển giáo dục trực tuyến và coi đó là một nội dung giáo dục chính thức, được thừa nhận. Chỉ khi đó giáo dục trực tuyến mới có thể phát triển, và có đóng góp thiết thực cho giáo dục.
Muốn học tốt các khóa học trực tuyến với các chuyên gia hàng đầu của thế giới thì điều kiện quan trọng là phải có ngoại ngữ, ông có sáng kiến gì về việc phát triển việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông ở Việt Nam?
- Ngoại ngữ đang là một rào cản để người Việt tiếp cận các khóa học trực tuyến mở, hoàn toàn miễn phí, chất lượng rất cao của thế giới. Sinh viên ra trường cũng không đáp ứng được yêu cầu công việc vì ngoại ngữ kém. Nguyên nhân là do việc dạy ngoại ngữ của trường phổ thông không hiệu quả. Đó là cách dạy và học ngoại ngữ của người ngồi trên khán đài, chứ không phải là của người ở “trên sân”.
Vì thế, tôi cho rằng, để cải thiện chất lượng dạy học ngoại ngữ, thì nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy môn học này phải thay đổi. Thay vì học theo kiểu mô tả, nặng về ngữ pháp, cần phải đổi sang hướng học trong các tình huống thực, làm việc thực. Tức người dạy và người học phải bước vào thế giới thực của việc sử dụng ngoại ngữ để làm việc.
Điều này có thể được tiến hành rất hiệu quả thông qua việc triển khai chương trình học Toán và Khoa học bằng ngoại ngữ, hoặc cho phép sử dụng ngoại ngữ để dạy một phần nội dung môn học theo kiểu “nhúng kép” (dual immersion). Tuy nhiên, trở ngại chính là số lượng thầy cô có đủ khả năng dạy ngoại ngữ như vậy còn quá ít.
Là người từng sống và làm việc tại Singapore nhiều năm, theo ông, trong hoàn cảnh của giáo dục Việt Nam hiện nay, Việt Nam có thể học gì từ nền giáo dục Singapore?
- Thủ tướng Lý Hiển Long gần đây đã phát động chương trình cải cách giáo dục Singapore với khẩu hiệu ngắn ngọn: Dạy ít, học nhiều (Teach less, learn more). Tôi cho rằng, đây là điều chúng ta nên học hỏi.
Xin cảm ơn ông!
Trong 13 năm học tập và nghiên cứu khoa học tại các nước, ông luôn trăn trở về phát triển giáo dục Việt Nam. Năm 2013, ông đã rời Đại học Quốc gia Singapore để trở về Việt Nam với mong muốn truyền bá tri thức, phát triển năng lực lãnh đạo và thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho cộng đồng.