Những kết quả nổi bật
Theo dự thảo báo cáo, năm học 2018 - 2019, ngành GD-ĐT tiếp tục chú trọng hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những “nút thắt” trong hoạt động đổi mới giáo dục, tạo hành lang pháp lý để các địa phương, các cơ sở GD-ĐT thực hiện. Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, Nghị quyết số 29-NQ/TW. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp được nâng lên và chuẩn hóa.
Chất lượng giáo dục mầm non có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được quan tâm. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn ở giáo dục phổ thông được nâng cao. Việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới được tích cực thực hiện; thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực.
Công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh có bước chuyển biến. Chất lượng giáo dục đại học (GDĐH) ngày càng được quan tâm, văn hóa chất lượng từng bước được hình thành trong từng cơ sở GDĐH. Một số trường ĐH đã triển khai đào tạo hiệu quả nguồn nhân lực theo các chương trình tiên tiến được chuyển giao từ các nước phát triển; đẩy mạnh việc triển khai thực hiện hỗ trợ khởi nghiệp đối với sinh viên.
|
Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong dạy học ngày càng được đẩy mạnh. Cơ sở dữ liệu của các cấp học đã được thống kê; Dữ liệu về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được đưa vào sử dụng làm cơ sở cho cơ quan quản lý ra các quyết định về chính sách hiệu quả, khắc phục tối đa những bất cập hiện nay như thừa - thiếu giáo viên, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, chính sách cho nhà giáo. Việc cắt giảm các thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt.
Kiểm định chất lượng giáo dục được triển khai tích cực, hiệu quả, đánh giá đúng chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục. Kết quả kiểm định chất lượng làm căn cứ để xác định chất lượng, vị thế và uy tín của cơ sở GDĐH.
Hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, nhiều thỏa thuận, bản ghi nhớ đã được ký kết. Nhiều cơ sở GD-ĐT đã chủ động tích cực hội nhập quốc tế thông qua các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên và hợp tác nghiên cứu.
Kết quả thanh tra đã góp phần phòng ngừa, phát hiện những sai phạm, hạn chế, thiếu sót trong quản lý và kịp thời kiến nghị xử lý vi phạm, đề xuất các biện pháp khắc phục, góp phần chấn chỉnh, duy trì kỷ cương, nền nếp trong hoạt động giáo dục.
Bên cạnh những kết quả nổi bật trên, vẫn còn tồn tại, hạn chế liên quan đến công tác sắp xếp mạng lưới trường, lớp học; giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; phân luồng, giáo dục hướng nghiệp; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học; chất lượng nguồn nhân lực; còn để xảy ra sai phạm trong khâu chấm thi năm 2018 ở một số địa phương; còn tình trạng thiếu giáo viên.
|
Tiếp tục 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, 5 nhóm giải pháp cơ bản
Dự thảo báo cáo nêu rõ: Năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện văn bản chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và hoàn thành các điều kiện để triển khai chương trình, sách giáo khoa từ năm học 2020 - 2021; triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH và Luật Giáo dục (sửa đổi) được Quốc hội thông qua; củng cố công tác thanh tra; triển khai tổ chức hiệu quả Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2020.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các địa phương trong việc đầu tư xây mới, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị.
Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo Sở GD&ĐT các địa phương thẳng thắn cùng nhau rà soát việc thực hiện các nhiệm vụ năm học qua nhằm đưa ra giải pháp để thực hiện tốt hơn trong năm học tới.
Phương hướng chung là triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về GD-ĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương, nền nếp trong các nhà trường; bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; chú trọng công tác giáo dục thể chất, y tế trường học; xây dựng văn hóa học đường, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Với giáo dục mầm non: Đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước đối với giáo dục mầm non; đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao năng lực quản trị nhà trường gắn với thực hiện dân chủ trong hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non; giải quyết tình trạng thiếu giáo viên; tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non.
Giáo dục phổ thông: Tích cực chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông; tiếp tục đổi mới công tác quản trị, tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục phổ thông.
Giáo dục đại học: Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GDĐH; chú trọng quản lý chất lượng đầu ra.
Giáo dục thường xuyên: Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đối với hệ thống cơ sở giáo dục thường xuyên tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài; nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Theo dự thảo báo cáo, năm học tới sẽ tiếp tục 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, đó là: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD-ĐT trong cả nước. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông; triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên, bảo đảm an toàn trường học.
Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GD-ĐT. Hội nhập quốc tế trong GD-ĐT. Tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động GD-ĐT. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.