Dễ trước thành khó sau

GD&TĐ - Trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng và tự chủ tuyển sinh, nhiều trường đại học rầm rộ mở chương trình đào tạo bằng tiếng Anh.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Thực tế tuyển sinh cho thấy, ước khoảng 60 - 100% tổng số ngành ở các trường định hướng quốc tế, khoảng 10% tổng số ngành ở trường tốp đầu, công lập tự chủ tài chính có đào tạo bằng tiếng Anh. Khối trường ngoài công lập và công lập chưa tự chủ tài chính ít hơn, từ 1 - 4 ngành đào tạo bằng tiếng Anh tùy trường.

Phát triển chương trình đào tạo bằng tiếng Anh là xu hướng tích cực, góp phần nâng cao chất lượng, đáp ứng hội nhập. Theo học các chương trình này, sinh viên rộng cơ hội tham gia khoá trải nghiệm du học ngắn hạn, thực tập hưởng lương ở công ty nước ngoài, chuyển tiếp du học… Đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô kinh doanh quốc tế, những ứng cử viên có trình độ ngoại ngữ tốt sẽ có cơ hội cao trong tuyển dụng với mức lương tốt hơn, hoặc có thể làm việc ở các nước phát triển.

Thời gian qua, một số trường đại học có chương trình dạy bằng tiếng Anh chất lượng, được phát triển từ chương trình tiên tiến, cử nhân tài năng đã khẳng định trước đó, có chương trình còn đạt chuẩn kiểm định quốc tế. Để trúng tuyển vào chương trình tiếng Anh ở những trường này, thí sinh phải đạt IELTS (hệ thống bài kiểm tra về khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh theo 4 kỹ năng Listening, Reading, Speaking, Writing), TOEFL iBT (bài thi được thiết kế và phát triển bởi Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS)).

Bài thi nhằm đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh một cách toàn diện ở 4 kỹ năng: Nghe, Nói, Đọc, Viết trong môi trường học thuật… tương đương chuẩn đầu vào của các trường đại học trên thế giới. Với nhóm trường này, sinh viên theo học không gặp nhiều vấn đề về ngôn ngữ, bởi đã có gốc khá chắc.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường đại học, đặc biệt khối ngoài công lập, tuyển sinh chương trình đào tạo bằng tiếng Anh nhưng không đặt ra chuẩn tiếng Anh đầu vào, sinh viên vẫn trúng tuyển ngay cả khi trình độ ngoại ngữ chưa tốt.

Sau khi nhập học, người học sẽ thực hiện một bài kiểm tra đánh giá năng lực tiếng Anh, qua đó được thiết kế chương trình học riêng phù hợp với năng lực bản thân. Với nhóm trường này, người học khá cam go với hành trình học tập qua nhiều khoá dự bị ngoại ngữ tốn kém, nhiều khoá thi lấy chứng chỉ tiếng Anh. Việc tiếp thu kiến thức chuyên ngành cũng gian nan.

Đáng chú ý, ở một số trường, nhiều giảng viên giỏi chuyên môn nhưng kỹ năng ngoại ngữ hạn chế, trong khi đội ngũ trợ giảng hoạt động chưa tốt. Nhiều sinh viên cho biết không thể nghe được bài giảng do thầy phát âm khó nghe, nên thầy, trò phải thống nhất dạy và học bằng tiếng Việt. Không ít sinh viên bị đuối vì không thể theo kịp trình độ ngoại ngữ, nhất là học phần, tín chỉ học với giáo viên nước ngoài. Có sinh viên giữa chừng phải nói lời chia tay chương trình đào tạo.

Tiếng Anh tốt là điều kiện cần để sinh viên theo học trong môi trường hoàn toàn bằng ngoại ngữ. Đối với các chương trình liên kết quốc tế, Nghị định 86 năm 2018 về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh đầu vào bậc 4/6 hoặc tương đương là điều kiện bắt buộc để sinh viên được vào học và cấp bằng.

Còn với chương trình đào tạo bằng tiếng Anh hệ đại học chính quy hiện nay vẫn chưa thống nhất chuẩn đầu vào, mỗi trường một yêu cầu, mức độ dễ dãi, khắt khe về lộ trình nợ chuẩn cũng khác nhau. Một số trường chưa tư vấn kỹ cho thí sinh cũng như công khai rõ về lộ trình ngoại ngữ cần đạt.

Học phí các chương trình dạy bằng tiếng Anh không hề thấp. Chương trình hệ chính quy công lập thường từ 45 triệu đồng/năm trở lên; các chương trình liên kết học tại Việt Nam cũng từ 120 - 160 triệu đồng/năm, chưa kể học phí học tiếng Anh nếu chưa đạt chuẩn.

Chi phí cao đòi hỏi chất lượng, hiệu suất đào tạo phải tương xứng, vì thế các trường không thể chỉ chú tâm phát triển chương trình như một giải pháp kinh tế hay làm màu thương hiệu mà xem nhẹ nguồn tuyển, đội ngũ. Cần đặc biệt quan tâm đến các điều kiện bảo đảm chất lượng, trước hết là chuẩn tiếng Anh đầu vào và giải pháp hỗ trợ sinh viên, tránh để người học rơi vào cảnh trước dễ sau khó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...