Giảng dạy bằng tiếng Anh giúp quốc tế hóa giáo dục Đông Nam Á

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trước đó, báo cáo toàn cầu năm 2021 cho thấy 15 cơ sở giáo dục đại học tại Malaysia đang triển khai 848 chương trình dạy bằng tiếng Anh.

Trường Đại học Quốc gia Singapore, Singapore.
Trường Đại học Quốc gia Singapore, Singapore.

Các trường đại học Singapore, Malaysia và Indonesia đang chuyển sang đào tạo các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh nhằm cải thiện kỹ năng việc làm của sinh viên.

Theo báo cáo mới đây của tổ chức giáo dục Studyportals và Hội đồng Anh, 25 cơ sở giáo dục đại học tại Singapore, Malaysia và Indonesia đang cung cấp gần 1.200 chương trình đào tạo giảng dạy bằng tiếng Anh. Báo cáo đánh giá sự gia tăng các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh có “ý nghĩa quan trọng đối với sự dịch chuyển của sinh viên quốc tế”.

Báo cáo cũng chỉ ra số lượng môn học dạy bằng tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục đại học tại Đông Nam Á đang tăng lên. Đơn cử, trong lĩnh vực quản trị kinh doanh; kỹ thuật và công nghệ, các môn học dạy bằng tiếng Anh lần lượt chiếm 18% và 16%.

Trước đó, báo cáo toàn cầu năm 2021 cho thấy 15 cơ sở giáo dục đại học tại Malaysia đang triển khai 848 chương trình dạy bằng tiếng Anh. Tại Singapore, 7 trường có 272 khóa học bằng tiếng Anh.

Điều này góp phần đưa mức tăng trưởng các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh ngoài Australia, New Zealand, Anh, Mỹ và Canada lên 77%. Đáng chú ý, con số này sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới và thúc đẩy giáo dục quốc tế.

Ông Edwin van Rest, Giám đốc điều hành và Đồng sáng lập Studyportals, cho biết kết quả này mở ra cơ hội để sinh viên quốc tế tiếp cận nhiều chương trình học ở nhiều quốc gia khác nhau.

Chia sẻ lý do về sự gia tăng trên, ông van Rest nêu nguyên nhân đầu tiên là nhằm cải thiện các kỹ năng việc làm của sinh viên trong nước. Tiếp đó, Singapore và Malaysia đang trở thành điểm đến du học thu hút đông sinh viên quốc tế.

Việc chuyển sang đào tạo bằng tiếng Anh tiếp tục giúp các quốc gia này nâng số lượng lưu học sinh, từ đó thúc đẩy GDP và xây dựng xã hội bình đẳng, kết nối.

Bên cạnh đó, các chuyên gia giáo dục cho rằng, sau dịch Covid-19, sinh viên quốc tế có xu hướng chọn điểm đến du học gần với quê hương. Hiện nay, hầu hết sinh viên quốc tế đến từ châu Á nên các trường đại học châu Á sẽ được hưởng lợi từ xu thế này.

Ông van Rest nhận định: “Trong những năm qua, Đông Nam Á dần trở thành trung tâm giáo dục đại học quan trọng. Điều này không chỉ được phản ánh qua danh sách chương trình đào tạo bằng tiếng Anh tăng, mà còn từ sự quan tâm của sinh viên đối với các chương trình cử nhân, thạc sĩ, nhất là tại Singapore, Malaysia và Indonesia”.

Xu hướng trên không giống với châu Âu, nơi việc giảng dạy bằng tiếng Anh thường chỉ dành cho chương trình sau đại học.

Nhận định “không thể đánh giá thấp triển vọng phát triển giáo dục đại học tại Đông Nam Á”, nhưng ông Marty Natalegawa, cựu Ngoại trưởng Indonesia, cũng cho rằng tính quốc tế hóa trong giáo dục đại học Đông Nam Á chưa đồng đều.

Đông Nam Á là một khu vực có tính đa dạng, sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tiếng Anh là ngôn ngữ chung trong khu vực nhưng thường chỉ sử dụng rộng rãi tại Singapore, Malaysia, Philippines... Vì vậy, nhiều quốc gia khác trong khu vực chưa thể đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục.

Theo The Pie, THE

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ