Nếu như những giáo viên làm việc ở các tỉnh thành hay ở trong đất liền có nhiều thuận lợi trong cuộc sống thì giáo viên công tác ở các vùng miền xa xôi, biên giới, hải đảo lại khó khăn hơn rất nhiều.
Mặc dù vậy nhưng hai thầy giáo trẻ ở tỉnh Khánh Hòa vẫn tình nguyện ra Quần đảo Trường Sa - nơi đầu sóng ngọn gió, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc để gieo con chữ đến cho con em của người dân sinh sống ở nơi đây.
Đó là thầy giáo Phạm Trung Việt (sinh năm 1984) và thầy Đồng Minh Hiệp (sinh năm 1991). Họ đang giảng dạy cho các em học sinh từ cấp Mầm non tới Tiểu học tại trường Tiểu học thị trấn Trường Sa.
Các em học sinh ở trường Tiểu học thị trấn Trường Sa trong buổi giao lưu với đoàn công tác số 16 về thăm trường
Không được tận hưởng giây phút đón con chào đời
Thầy giáo Phạm Trung Việt đã từng công tác tại một trường Tiểu học ở xã đảo của tỉnh Khánh Hòa nên hiểu được những khó khăn mà thầy cô giáo và học trò phải giảng dạy, học tập ở một xã đảo.
Đến khi nghe thông tin ngành Giáo dục của tỉnh tuyển dụng giáo viên ra Trường Sa, thầy Việt đã tình nguyện nộp hồ sơ ra đảo công tác để giúp người dân nơi đây yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với biển đảo.
Thầy giáo Phạm Trung Việt nhận quyết định ra đảo Trường Sa làm việc khi mới tổ chức đám cưới được hơn 1 tháng. Khi vợ sinh cháu đầu lòng, thầy không thể về nhà. Tất cả mọi việc chăm sóc vợ con, thầy Việt đều nhờ cậy bố mẹ già.
Mặc dù có những lúc rất nhớ gia đình nhưng thầy giáo Việt đã vượt qua sự thiếu thốn về tình cảm để chuyên tâm công tác, gieo con chữ đến những nơi khó khăn.
Những ngày đầu ra đảo, thầy giáo Phạm Trung Việt không khỏi bỡ ngỡ bởi có nhiều thứ còn thiếu thốn, không thuận lợi. Giáo viên chủ yếu tiếp cận thông tin, nâng cao kiến thức qua sách báo là chính, không có điều kiện giao lưu chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao kiến thức qua phương tiện công nghệ thông tin.
Còn học sinh ít có cơ hội giao lưu học tập, sinh hoạt văn hóa văn nghệ với các bạn ở trường khác. Cơ sở vật chất và các vật dụng để phục vụ cho công tác giáo dục trẻ vẫn còn thiếu thốn nên các em học sinh vẫn bị hạn chế khi tiếp cận với các kiến thức mới, sinh động thực tế.
Điều đặc biệt là trường Tiểu học thị trấn Trường Sa chỉ có 2 giáo viên giảng dạy kiêm nhiệm 6 lớp ghép học sinh từ cấp Mầm non tới Tiểu học với tổng số 13 học sinh. Trong đó, thầy Việt giảng dạy học sinh từ lớp 3 đến lớp 5; còn thầy Hiệp giảng dạy từ lớp Mầm non đến lớp 2.
Vượt qua tất cả sự khó khăn đó, với tình yêu học trò, thầy Việt luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và cảm thấy ngày càng gắn bó với nơi quanh năm dạt dào tiếng sóng biển.
Gần 5 năm gắn bó với đảo Trường Sa, thầy Việt đã có nhiều kỷ niệm không thể quên với học trò nơi đây. Đó là những ngày mất điện, trời nóng, thầy và trò phải khiêng bàn ghế ra ngoài sân trường để học.
Hay những đêm phải chấm bài dưới ngọn đèn dầu, rồi những ngày gần đến kỳ thi, thầy đến từng nhà để kèm thêm cho học sinh... Sắp hết thời gian công tác ở đây, những kỷ niệm đẹp này mãi mãi in dấu trong trái tim của thầy giáo trẻ.
Thầy Đồng Minh Hiệp
Gắn bó với Trường Sa hơn khi giảng dạy, vui chơi với học sinh
Cũng giống như thầy giáo Phạm Trung Việt, năm 2013, thầy Đồng Minh Hiệp ra đảo Trường Sa giảng dạy. Đây cũng là lần đầu tiên thầy đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng đầy sóng gió của Tổ quốc. Không chỉ giảng dạy học sinh cấp Tiểu học, thầy Minh Hiệp còn kiêm nhiệm chăm sóc học sinh cấp Mầm non.
Là người chưa lập gia đình và là một giáo viên nam nên lúc đầu lên đảo Trường Sa, thầy Hiệp gặp khó khăn khi chăm sóc trẻ em mầm non những lúc các em ốm đau hay vệ sinh cá nhân. Tuy nhiên, cùng phối hợp với các phụ huynh, thầy giáo Minh Hiệp vừa giảng dạy và chăm sóc tốt cho những trẻ em mầm non và cả học sinh Tiểu học.
Trong quá trình giảng dạy, vui chơi với học sinh, thầy Minh Hiệp cảm thấy như tuổi trẻ của mình thêm gắn liền với ngồi trường và học sinh trường Tiểu học thị trấn Trường Sa. Vào mỗi buổi chiều, khi hoàng hôn dần buông xuống và cũng là lúc giờ học kết thúc hay những giờ sinh hoạt tập thể lớp, thầy Minh Hiệp lại cùng với một số lính Hải quân ở Trường Sa nô đùa, thả diều với học sinh. Tiếng cười nói hồn nhiên của các em khiến thầy Hiệp cảm thấy yêu nghề, gắn bó hơn với vùng biển đảo của Tổ quốc.
Tình nguyện ra Trường Sa giảng dạy, mỗi năm chỉ được nghỉ phép 1 tháng vào lúc học sinh nghỉ hè hoặc dịp Tết nên hai thầy giáo trẻ thay phiên nhau nghỉ để về thăm gia đình và người thân. Bởi vì trường học chỉ có 2 thầy giáo, một người nghỉ phép thì người kia phải ở lại trông nom trường học. Ai nấy đều cảm thấy phải có trách nhiệm bảo vệ ngôi trường thân thương ở đảo Trường Sa.
Mặc dù giảng dạy ở nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, xa gia đình, người thân nhưng các thầy giáo trẻ vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng sư phạm để truyền đạt kiến thức tốt hơn tới học sinh. Với các thầy giáo trẻ, đây là trách nhiệm và niềm hạnh phúc hết sức giản dị.