Để trí tưởng tượng của trẻ bay xa

GD&TĐ - Đọc truyện, hay cho trẻ tiếp xúc với các môn nghệ thuật như hội họa, âm nhạc sẽ giúp các con phát huy sự sáng tạo. Tuy nhiên, một cách làm khá thú vị đó là cho trẻ tự kể về những câu chuyện do mình nghĩ ra. 

Để trí tưởng tượng của trẻ bay xa

Điều này giúp trẻ nâng cao trí tưởng tượng phong phú. Đây cũng là một trong những năng lực thiết yếu mà cha mẹ cần nuôi dưỡng cho con.

Đồng hành với sự phát triển cho trẻ

Trẻ con luôn có những suy nghĩ khiến người lớn bất ngờ. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, ở độ tuổi tiểu học, khả năng sáng tạo của trẻ khá phong phú. Chính vì vậy ở thời điểm này, bố mẹ cần giúp con phát triển tư duy.

Có hai con đang ở độ tuổi mầm non và tiểu học, chị Thu Nga sống tại Thanh Xuân (Hà Nội) vào dịp hè thường đăng ký cho các con tham gia các lớp mỹ thuật tạo hình và âm nhạc. Chị cho biết, khi trẻ bắt đầu nhận thức, thì những hình ảnh và màu sắc có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển trí tuệ của trẻ.

Vì khi các con được tiếp xúc với những mảng màu, hình khối sẽ giúp tư duy và trí tưởng tượng của trẻ có môi trường hoạt động. Trong quá trình vẽ, trẻ sẽ vận dụng trí quan sát về các hiện tượng, đồ vật thậm chí tưởng tượng để tạo nên những tác phẩm của riêng mình. Cũng trong quá trình sáng tác, đôi bàn tay của trẻ cũng sẽ được rèn luyện khéo léo hơn.

Chị Thu Nga chia sẻ, tại Trung tâm Dạy vẽ sáng tạo Global Art Hà Đông (Hà Nội) trẻ được làm quen với phẩm màu và đặc biệt là các em sẽ được hoàn thành tiếp những bức vẽ theo ý tưởng của mình. Ví dụ bức tranh có một hình tròn với một cái mỏ xinh xắn, trẻ sẽ dùng bút và màu sắc để vẽ một con vật cùng những tưởng tượng hết sức ngộ nghĩnh. Đối với những trẻ đã học được một thời gian, giáo viên có thể cho trẻ vẽ theo từng chủ đề nội dung khác nhau.

Một cách làm đơn giản và cũng rất hiệu quả mà các cha mẹ cũng nên áp dụng đó là: Mỗi khi có cơ hội, phụ huynh nên tạo điều kiện để con nói lên suy nghĩ của mình. Đọc một mẩu chuyện cho trẻ nghe, cha mẹ có thể cho con tự nghĩ ra phần kết thúc của câu chuyện.

Trẻ sẽ nghĩ ra nhiều điều mà bạn cũng luôn thấy bất ngờ và thú vị. Hoặc gợi ý cho trẻ tự tổ chức chơi các trò chơi đóng vai theo các nhân vật như cô giáo, bác sĩ, nhân viên siêu thị, ca sĩ… hay bất cứ nhân vật nào mà trẻ thích. Khi tham gia đóng vai, trẻ sẽ được tự do thể hiện bản thân bằng tưởng tượng riêng của mình. Như vậy, trẻ không chỉ tự tin mà còn tự nghĩ ra cách thể hiện theo suy nghĩ riêng của trẻ.

Lắng nghe điều trẻ muốn

Cô Mai Hà, tốt nghiệp Khoa Tâm lý học tại London School of Economics and Political Science (Anh), hiện đang giảng dạy các khoá dành cho trẻ em tại TPHCM chia sẻ: Trí tưởng tượng chính là món quà của trẻ nhỏ, là điều luôn có sẵn trong chúng. Tuy nhiên để kết nối và hiểu được một đứa trẻ thì cần phải lắng nghe những câu chuyện mà các bạn nhỏ kể. Khi được người khác lắng nghe, trẻ sẽ cảm nhận điều mình kể được thừa nhận và được tôn trọng.

Ở lớp học của mình, cô giáo Mai Hà thường có những đề tài khá thú vị cho trẻ như: “Em hãy kể lại một câu chuyện vô lý”, “Thế giới trong em…” “Bảo tàng lãng quên…”. Với những cách gợi ý như thế trẻ sẽ có cơ hội để trí tưởng tượng của mình bay cao, bay xa và câu chuyện của các em sẽ dễ dàng được chia sẻ.

Đó chính là cách mà trẻ em nhìn về cuộc sống và thế giới xung quanh. Trên thực tế, các em rất thích và muốn được chia sẻ những câu chuyện của mình bằng trí tưởng tượng phong phú. Kể chuyện cũng là một cách kết nối đặc biệt với thế giới và mọi người.

Song, trẻ thường khá lúng túng khi kể về mình, vì vậy thầy cô giáo và ba mẹ cần khuyến khích các em biết cách chia sẻ, bộc lộ điều mình muốn nói. Trẻ sẽ gặp khó khăn nếu bản thân các em cứ chạy theo việc nạp kiến thức vào đầu mà chúng không biết bên trong mình là gì.

Điều đó giống như một ly nước đã đầy thì khó để nạp thêm. Cách gợi ý trẻ kể những câu chuyện của bản thân, hay bộc lộ những điều mà các em mong muốn sẽ là cách tốt nhất giúp các em thể hiện và nuôi dưỡng sự tưởng tượng trong tâm hồn.

Theo cô Mai Hà, những giáo án của cô đều có ý tưởng đến từ các bạn nhỏ. Khi mà người lớn tạo điều kiện cho các em kể câu chuyện, chúng sẽ mang đến sự kỳ diệu cho mọi người. Những câu chuyện này giúp người lớn hiểu rõ hơn về các em bé. Và đây chính là một cơ hội giúp các em được bộc lộ được thể hiện mình. Bởi vậy, người lớn cần được chia sẻ kỹ năng này để hiểu các con hơn và kích thích trí tưởng tượng bay bổng cho các em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.