“Chở” mùa hè yêu dấu cho con

GD&TĐ - Vài năm trở lại đây, nhiều phụ huynh đã thay đổi trong quan niệm mang đến cho con một mùa hè thật năng động bổ ích. Thay vì việc đăng ký cho con tham gia những lớp học văn hóa để nâng cao kiến thức, các cha mẹ đã quan tâm tới vấn đề trang bị kỹ năng thiết yếu, cũng như cho con tham gia các môn học năng khiếu theo sở thích riêng.

“Chở” mùa hè yêu dấu cho con

Trẻ cần học các môn thể chất, năng khiếu

Chia sẻ suy nghĩ của mình, chị Minh Tâm ở Giảng Võ (Hà Nội) cho biết: “Trước đây, tôi cứ nghĩ phải cho con học thật nhiều kiến thức trong dịp hè thì con mới tiến bộ và tự tin trong năm học mới.

Tuy nhiên chứng kiến những câu chuyện thực tế về áp lực học hành của trẻ đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ. Tôi thấy nhiều vụ việc đáng buồn xảy ra không chỉ do trẻ bất cẩn, mà nguyên nhân là do các con thiếu hẳn các kỹ năng trong cuộc sống.

Vì vậy mặc dù năm học chưa kết thúc, nhưng khi biết được thông tin của Trường Thể thao Thiếu niên 10/10 (Hà Nội) chiêu sinh học hè vào ngày 18/5, tôi đã tới từ sớm để đăng ký lớp học bơi cho hai con. Với con gái 12 tuổi cháu sẽ tham gia một lớp dancesport, còn với con trai 7 tuổi tôi cũng đăng ký cho cháu thêm một lớp cờ vua”.

Theo chị Minh Tâm, trong 3 tháng hè, bố mẹ nên cân đối giữa việc nhắc con ôn luyện kiến thức ở mức độ vừa phải, và cần ưu tiên cho vấn đề rèn luyện về thể lực cùng với những kỹ năng sống hàng ngày.

Trẻ ở thành phố thường bận rộn với lịch học trong năm, vì vậy rất nhiều con dù đã hơn chục tuổi nhưng chưa thể tự chuẩn bị một bữa ăn. Thế nên, nghỉ hè là dịp cha mẹ tận dụng thời gian này để hướng dẫn con thực hành những kỹ năng cơ bản đó.

Hiện nay ở các thành phố lớn khá nhiều các trường, các trung tâm hướng tới việc dạy các môn học năng khiếu, thể thao cũng như các kỹ năng giao tiếp. Mục tiêu đặt ra là tạo môi trường vừa học vừa chơi cho trẻ, giúp các em phát triển toàn diện về thể chất và năng lực.

Tại Hà Nội, Cung Văn hóa Thiếu nhi, Trung tâm Thể thao Tuổi trẻ hay Trường Thể thao Thiếu niên 10/10 chính là những địa chỉ mà các phụ huynh tìm đến đăng ký cho con tham gia sinh hoạt hè. Trong đó học sinh sẽ được lựa chọn các môn học tùy theo sở thích của mình như: Aerobic, khiêu vũ thể thao, bóng đá, bóng bàn, bờ vua, bầu lông, bờ tướng, đá cầu, các môn võ: Võ cổ truyền, taekwondo, karatedo, wushu, judo, thiếu lâm tự, aikido, pencak Silat…

Các khóa học cũng có mức học phí từ 5 – 6 trăm ngàn đồng đến hơn triệu đồng/3 tháng (tùy theo từng môn). Tuy nhiên ở những trung tâm kỹ năng sống thì mức thu các môn học này cao hơn, sẽ dao động từ 100 đến 200 ngàn đồng/buổi.

Vui hè nhưng phải an toàn

Để các con thực sự hứng khởi với những môn học hè, cha mẹ nên cho các con cùng thảo luận và nói lên mong muốn của mình. Việc học gì, chơi gì, ngoài mục tiêu rèn luyện về sức khỏe, sự dẻo dai, những kỹ năng sinh tồn còn có nhiều môn học năng khiếu. Với những môn học năng khiếu, cha mẹ nên để con tự khám phá năng lực bản thân và có thể bắt đầu từ sự yêu thích của chúng. Khi cho trẻ có quyền được cân nhắc, lựa chọn môn học của mình, trẻ sẽ có trách nhiệm hơn và quan trọng là trẻ sẽ tự tin, vui vẻ và không coi đó là một môn học bắt buộc.

Trao đổi về vấn đề nên để trẻ làm gì vào kỳ nghỉ hè, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội bày tỏ quan điểm của mình: Thời gian ba tháng hè, cha mẹ nên dành để trang bị các kỹ năng cho trẻ. Vì vậy, trẻ cần được tham gia các hoạt động ngoài trời.

Được tiếp xúc nhiều với thiên nhiên giúp các con phát triển toàn diện về thể chất, tâm hồn. Bố mẹ nên cho các con thử tham gia các lớp năng khiếu khác nhau và theo ý muốn của các con.

Việc cho trẻ tham gia các lớp năng khiếu giúp cha mẹ phát hiện ra sở trường và năng lực nổi trội của con. Bên cạnh đó, sau một năm học bận rộn, gia đình nên tổ chức cho các con tham gia những chuyến du lịch để khám phá thế giới xung quanh. Đây cũng là phần thưởng dành cho các con sau những nỗ lực, cố gắng trong học tập.

Chia sẻ về vấn đề chăm sóc trẻ nhỏ trong dịp hè khi các con nghỉ học ở trường, Tiến sĩ Vũ Thu Hương cũng đưa ra lời khuyên:

Với những trẻ tiểu học còn nhỏ, cha mẹ không nên để các con ở nhà một mình. Vì ở lứa tuổi này các con chưa được trang bị đầy đủ những kỹ năng bảo tồn bản thân, thì có thể trẻ sẽ làm cho mình bị nguy hại. Vì vậy, để chăm sóc được các con mà vẫn đảm bảo được công việc, các gia đình có con nhỏ nên tập hợp thành một nhóm dưới hình thức một câu lạc bộ.

Các nhóm trẻ sẽ do một vài cô giáo, hoặc một vài phụ huynh (các ông bà chẳng hạn) quản lý. Hình thức này vừa an toàn cho trẻ, vừa tiết kiệm được chi phí.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ