Trẻ sẽ là người hưởng kết quả từ quyết định của bản thân. Cha mẹ chỉ nên định hướng, đưa ra lời khuyên giúp con có thể tham khảo trước khi đưa ra quyết định.
Làm quen với việc ra quyết định
Các bậc cha mẹ đều mong muốn có thể đưa ra được những quyết định hợp lý, tốt nhất cho con. Tuy nhiên, chúng ta không thể quyết định tất cả mọi chuyện giúp trẻ. Thực tế, đến một lúc nào đó, phụ huynh sẽ phải để trẻ tự đưa ra quyết định cho cuộc sống của chúng.
Thay vì quyết định hộ con, cha mẹ cần hỗ trợ trẻ trong việc đưa ra quyết định. Từ đó, giúp trẻ có thể tự xoay xở khi không có cha mẹ bên cạnh. Tuy nhiên, với một số tình huống cụ thể, nhiều trẻ không dễ dàng trong việc tự đưa ra quyết định. Vì thế, phụ huynh cần tin tưởng và khuyến khích trẻ tự ra quyết định trước những vấn đề từ đơn giản đến phức tạp.
Các chuyên gia nhận định, cha mẹ nên cho trẻ làm quen với việc tự ra quyết định từ khi bé 4 - 5 tuổi. Mới đầu, nên cho trẻ đưa ra những quyết định nhỏ để tập dần lòng tự tin. Ví dụ, cha mẹ có thể giúp trẻ lựa chọn giữa hai món ăn trong bữa sáng, hoặc chọn giày để đi chơi vào ngày cuối tuần. Điều đó sẽ tạo cho trẻ một số kinh nghiệm đầu tiên về kỹ năng đưa ra quyết định. Thực hiện nhiều lần sẽ giúp trẻ tự tin hơn trong việc đưa ra quyết định trong cuộc sống sau này.
Jim Taylor - chuyên gia tâm lý tại Mỹ cho biết, có một điều nhất định cha mẹ cần làm đó là để trẻ nhỏ tự ra quyết định. Tất nhiên, chúng ta không thể trao cho con trách nhiệm hoàn toàn trước một vấn đề quá hệ trọng nào đó. Tuy nhiên, thay vì như vậy, cha mẹ có thể dần dạy bé cách đưa ra quyết định phức tạp hơn khi con lớn lên.
Chị Vũ Bảo Ngọc - phụ huynh có con học lớp 8 tại Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ: “Để giúp con quen dần với việc tự ra quyết định, tôi thường khuyến khích trẻ quan tâm đến những ảnh hưởng khi đưa ra lựa chọn. Mỗi quyết định của trẻ trong từng hoàn cảnh đều ảnh hưởng đến thành viên khác trong gia đình với mức độ khác nhau. Vì vậy, tôi tập cho trẻ thói quen quan tâm đến người khác trong quá trình chọn lựa, đặc biệt là đối với cha mẹ, anh chị em”.
Cũng theo nữ phụ huynh này, chị luôn đề ra giới hạn trong việc chọn lựa. Bởi, việc không đặt ra giới hạn dễ gây ra những hiểu lầm không đáng có. Sẽ là bất hợp lý nếu cha mẹ để cho trẻ chọn những điều không thể thực hiện được hoặc phi thực tế.
Một “mẹo” khác mà chị Ngọc áp dụng đó là chấp nhận ý kiến của trẻ ngay cả khi chúng đi ngược với ý kiến của cha mẹ. “Tôi cho rằng, nếu cha mẹ thực sự cho phép trẻ chọn lựa, thì có thể con sẽ đưa ra một quyết định khác với những gì mà chúng ta thật sự mong muốn. Vì vậy, nên chuẩn bị tinh thần để chấp nhận trường hợp này”, nữ phụ huynh chia sẻ.
Trong khi đó, anh Nguyễn Mạnh Cường (Cầu Giấy, Hà Nội) - phụ huynh có con học lớp 6 cho rằng, dù để trẻ tự quyết định, cha mẹ vẫn luôn cần giám sát con.
“Trẻ có thể chọn lựa một cách tùy tiện mà không có sự giám sát của người lớn. Vì thế, tôi chỉ dạy con tự ra quyết định khi cha mẹ đã chuẩn bị sẵn sàng cho điều đó. Như vậy, phụ huynh sẽ luôn có quyết định hỗ trợ trẻ kịp thời khi cần thiết. Trong trường hợp con có những mối hoài nghi, tôi sẽ động viên để trẻ vượt qua rào cản đó… Với những tình huống này, tôi cho rằng, cha mẹ cần khuyến khích để trẻ có cái nhìn lạc quan hơn về vấn đề này”, anh Mạnh Cường nhận định.

Lưu ý khi “trao quyền” cho con
Trái với sự do dự trước khi ra quyết định ở trẻ nhỏ, không ít trẻ vị thành niên luôn mong muốn được tự chọn lựa. Thực tế, trong quá trình trưởng thành, trẻ thường mong muốn đưa ra những quyết định và cố gắng thực hiện điều đó trong mọi trường hợp, thậm chí là chấp nhận trái ý của cha mẹ.
Nếu không được giải quyết khéo léo, nhiều khả năng, tình huống này sẽ gây ra những xung đột quan điểm giữa cha mẹ và con. Vì vậy, nhiều phụ huynh “đau đầu” vì không biết nên giải quyết ra sao.
Các chuyên gia cho rằng, trong trường hợp này, phụ huynh nên tìm ra sự “thoả hiệp” hiệu quả nhất với con. Theo cô Nguyễn Hương Ly - Trường Tiểu học Thành Công B (Hà Nội), với thanh thiếu niên, các em chưa phải là người lớn, nhưng cũng không còn hoàn toàn là trẻ con. Đây là thời điểm phải chuẩn bị cho việc đưa ra một trong những quyết định quan trọng trong tương lai, như: Theo ngành nào, chọn trường gì, học trường công, trường quốc tế hay đi du học.
“Trong cuộc sống hằng ngày, trẻ vẫn phải thường xuyên đưa ra những quyết định mà không ít thì nhiều có ảnh hưởng đến tương lai sau này. Những quyết định đúng đắn và hợp lý giúp các em đạt được mục tiêu dễ dàng và hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian và công sức, kiểm soát stress. Đồng thời, tạo ra nguồn động lực tích cực ngược lại cho chính bản thân”, nữ giáo viên chia sẻ.

Theo cô Hương Ly, không ít phụ huynh bày tỏ băn khoăn khi trao cho con quyền tự đưa ra những quyết định lớn, nhưng vẫn lo rằng, trẻ chưa đủ vững vàng để làm điều đó. Thực tế, cũng như nhiều kỹ năng khác, trẻ cần có sự luyện tập nếu muốn tự ra quyết định. Do đó, cha mẹ cần giúp con rèn luyện và học được cách ra quyết định có cơ sở. Việc tự ra quyết định không chỉ có lợi cho việc học tập của trẻ, mà còn hữu ích trong mọi phương diện của cuộc sống.
Trước hết, cha mẹ và trẻ cần tìm hiểu thông tin. Bởi, đây là nền tảng quan trọng của mọi quyết định. Phụ huynh cần nhớ rằng, quyết định thiếu thông tin là quyết định mù. Một quyết định cần phải được đưa ra dựa trên cơ sở thu thập và phân tích kỹ càng và thấu đáo các thông tin liên quan, không thể dựa vào cảm tính, ý thích nhất thời hay yếu tố may rủi. Ví dụ, khi trẻ học trung học cơ sở muốn tự quyết định trong việc lựa chọn trường học, cha mẹ hãy cùng con xem xét điều đó. Hãy luôn đảm bảo trẻ có đủ thông tin cần thiết trước khi lựa chọn. Điều đó giúp chắc chắn rằng, con không chọn bừa, chọn đại, cũng như giúp trẻ không phải nuối tiếc về quyết định của mình.
“Ngoài việc cân nhắc sở thích và thế mạnh của con, khả năng tài chính của gia đình, tỷ lệ trúng tuyển, không thể thiếu những dữ liệu thực tế về trường học mà trẻ quan tâm. Hãy cùng con tìm đọc các ý kiến chuyên gia, để ý số liệu thống kê, tìm hiểu về những chia sẻ, trải nghiệm, phản hồi từ phụ huynh có con đã và đang theo học…”, nữ giáo viên gợi ý.
Bên cạnh đó, việc xác định bản chất, nhu cầu thực tế hay nguyên nhân của sự việc cũng là yếu tố quan trọng giúp trẻ tự quyết định. Mỗi sự việc luôn có căn nguyên nhất định. Nhiều người có xu hướng lảng tránh gốc rễ sự việc, hoặc đổ lỗi cho người khác khi không thể đưa ra một quyết định phù hợp, hoặc sai lầm. Thay vì tìm cách đổ lỗi, cha mẹ cần dạy con tìm hiểu nguyên nhân, bản chất sự việc để từ đó đưa ra hướng giải quyết.
Một lưu ý khác là kiệt kê các phương án, cân nhắc lợi - hại và đưa ra lựa chọn.
“Cha mẹ hãy khuyến khích con tìm ra nhiều phương án cho một vấn đề nào đó. Thông thường, các con hay nghĩ rằng, chỉ có một hoặc hai giải pháp cho vấn đề. Song, thực tế, khi được khuyến khích đúng cách, các con sẽ nghĩ ra được rất nhiều giải pháp cho một vấn đề. Từ đó, hãy hướng dẫn con xác định những điều lợi và hại (khách quan và chủ quan, lý tính và tâm lý) liên quan tới từng phương án. Dựa trên những điểm lợi và hại này, hãy để con tự lựa chọn phương án mà trẻ thấy là hợp lý nhất. Cha mẹ có thể hỗ trợ chỉ dẫn và định hướng, nhưng tốt nhất hãy khuyến khích con tự đưa ra quyết định của chính mình”, cô Hương Ly cho biết.
Theo các chuyên gia tâm lý tại Trường Đại học Duke (Mỹ), việc tôn trọng quyết định của trẻ sẽ giúp mối quan hệ giữa cha mẹ và con trở nên gắn kết, thấu hiểu nhau hơn. Đồng thời, nhờ việc tự quyết định, trẻ sẽ sớm trưởng thành, tự lập và phát triển năng lực bản thân trong bước đường tương lai.