Để tránh trở thành hình thức

Để tránh trở thành hình thức

(GD&TĐ) - Thực hiện tinh thần của công văn số 1276/BGDĐT-NG, ngày 20/2/2008 của Bộ GD&ĐT, việc lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên đã trở thành hoạt động thường xuyên của nhiều trường đại học trên cả nước. Hoạt động này đã nhận được sự hưởng ứng từ phía các trường, trong đó có giảng viên và người học, tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn có những băn khoăn về cách thức, quy trình cũng như hiệu quả của công tác này.

Nỗi lo hình thức

Khi được hỏi về vấn đề đánh giá giảng viên, nhiều SV hồn nhiên cho rằng, đây chỉ là thủ tục nên thường quấy quá cho xong. Một số khác thì đưa lý do ngại đánh giá thầy, nên nhiều khi không đưa ra nhận xét thật. Và cũng có những trường hợp, ý thức trách nhiệm kém của SV xuất phát từ chính cách làm chưa khoa học của nhà trường.

Sinh viên Đặng Huyền Trâm – Trường ĐH Kinh tế Quốc dân - cho biết, các em thường được phát phiếu để cho ý kiến phản hồi về giảng viên trước khi làm bài thi. Phiếu được phát cùng lúc với giấy thi. Như vậy, chỉ có khoảng 5 phút đợi phát đề để thực hiện quyền cũng như trách nhiệm “đánh giá” thầy. 

Còn theo một sinh viên Trường ĐH Hàng Hải (Hải Phòng), việc lấy ý kiến phản hồi của SV đối với giảng viên tại trường là hoạt động không bắt buộc, làm cũng được, không làm cũng không sao. Lớp nào có nhu cầu, lớp trưởng sẽ lên Văn phòng Khoa lấy phiếu phát cho bạn trong lớp. Việc đánh giá cũng rất đơn giản và không mất nhiều thời gian vì nội dung phiếu hỏi chỉ gồm 4 câu hỏi ngắn.

Thạc sỹ Hoàng Anh – Giám đốc Trung tâm Quản lý chất lượng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, chia sẻ: Nếu tổng hợp bằng giấy, ứng dụng công nghệ tốt nhất cũng chỉ là dùng máy quét. Trong khi đó, quá trình các em đánh dấu có thể sai, lỗi cũng có thể xảy ra trong quá trình tổng hợp. Nếu như tổng kết điểm là việc bắt buộc phải làm thì tổng hợp phiếu đánh giá này lại không như vậy. Nên mới có một thực tế, có những đơn vị lấy về cả xấp ý kiến phản hồi rồi xếp vào tủ, có khi ngại không tổng hợp, hoặc làm một cách hình thức nên kết quả tổng hợp thiếu chính xác…

Còn một nguyên nhân khác là kết quả đánh giá nhiều khi không có tính quyết định lớn, tầm quan trọng của kết quả đánh giá không cao, không liên quan thiết thân đến giảng viên như đánh giá thi đua hay tăng lương… Điều đó dẫn đến tâm lý làm xuê xoa, ở nhiều trường trở thành hình thức.

Công tác sinh viên đánh giá giảng viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục Đại học
Chất lượng giảng dạy có thể được đánh giá từ nhiều cách khác nhau

Tiêu chí đánh giá: Sơ sài không được, kỹ quá không xong

Đánh giá giảng dạy là công việc khá mới mẻ ở Việt Nam. Hiện, hoạt động này ở mỗi trường lại được thực hiện theo cách thức, quy trình riêng, sáng tạo cho phù hợp với từng trường. Ngay cả mẫu phiếu hỏi phát cho SV ở mỗi trường cũng khác nhau.

Tại Trường ĐHSP Hà Nội 2, việc khảo sát ý kiến của sinh viên về chất lượng giảng dạy của giảng viên được thực hiện bằng phiếu khảo sát. Ông Trịnh Đình Vinh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội 2 - cho biết: Phiếu đánh giá gồm 15 tiêu chí với 5 mức trả lời: Rất tốt, tốt, được, không được và không có ý kiến. 15 tiêu chí nói trên thể hiện các nội dung: Nội dung và phương pháp giảng dạy của giảng viên; tìm kiếm tài liệu phục vụ dạy - học và khuyến khích tư duy độc lập của người học trong học tập; tiến độ, thời lượng môn học và trách nhiệm của giảng viên đối với người học; sự công bằng, khách quan và phạm vi ảnh hưởng của giảng viên đối với người học; giọng nói và hiệu quả sử dụng phương tiện dạy học của giảng viên; kỹ năng tổ chức và sự quan tâm của giảng viên đối với người học và tác phong sư phạm.

Có trường tiêu chí khá sơ sài chỉ với vài câu hỏi, nhưng cũng có trường, các tiêu chí được làm rất kỹ với số câu hỏi lên tới vài chục. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, sơ sài hay quá kỹ, đối với hoạt động này đều chưa ổn.

“Nội dung câu hỏi sơ sài chắc chắn sẽ khó nói lên được kết quả chính xác. Nhưng có trường đưa ra bộ câu hỏi lên tới 50 tiêu chí, số lượng lớn như vậy chắc chắn sẽ tạo tâm lý ngại đọc cho SV. Vì vậy, nhiều em tích cho xong. Nên, việc xác định nội dung cũng như số lượng câu hỏi như thế nào cho phù hợp trong một phiếu hỏi là rất quan trọng” - ông Hoàng Anh nhấn mạnh.

Nên thống nhất về mặt công cụ, cách làm

Tình trạng “trăm hoa đua nở” như hiện nay không hẳn là hay, nhưng việc có một tiêu chí chung cho các trường cũng không phù hợp. Vì vậy, ông Hoàng Anh cho rằng, Bộ GD&ĐT nên thống nhất về mặt công cụ, cách làm, như đưa ra các nhóm nội dung nên lấy ý kiến và sau đó hướng dẫn các đơn vị xây dựng các phiếu đánh giá. Ví dụ, dựa vào khung nội dung, trường thiết kế câu hỏi, cách điều tra phù hợp với trường mình. 

Quan trọng là Bộ nên có định hướng để các trường thấy được đây là hoạt động thực sự có ý nghĩa và người ta cần phải làm chứ không phải làm vì nhiệm vụ. Cũng theo ông Hoàng Anh, nên đưa kết quả phản hồi của SV đối với giảng viên trở thành một tiêu chí để đánh giá kết quả thi đua của giảng viên hàng năm. Tuy nhiên, chỉ nên coi đây là một tiêu chí, còn lại phải nhìn vào mặt bằng chung. Ví dụ, mức hài lòng của sinh viên đối với một giảng viên có thể thấp, nhưng kết quả học tập ở lớp giảng viên đó giảng dạy cao vẫn chứng tỏ được chất lượng giảng dạy của giảng viên đó tốt.

Với ông Phạm Ngọc Sơn, nên có một mẫu đánh giá chung cho các khối trường, như khối trường sư phạm chẳng hạn. Bên cạnh đó, cũng cần có chế tài gì đó đối với giảng viên được sinh viên đánh giá quá thấp.

Theo Th.S Phạm Thị Phương Uyên – giảng viên Trường ĐH Nha Trang, để hạn chế việc SV đánh giá không công bằng, có thể có một câu hỏi về thái độ yêu ghét đối với thầy và những câu hỏi khác ghi rõ là SV phát biểu khách quan không phụ thuộc vào thái độ cá nhân đối với thầy. Bên cạnh đó, nhà trường nên cho phép giảng viên phản biện kết quả đánh giá mà họ nhận được. 

TS Nguyễn Tiến Thanh – Trưởng ban Đảm bảo chất lượng & ISO Trường ĐHDL Hải Phòng cho biết, nhà trường đã triển khai một đề tài nghiên cứu và đang xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mới dựa trên lý thuyết hiện đại về dạy và học. Kết quả nghiên cứu bước đầu đã được báo cáo tại hội thảo khoa học quốc tế tại Australia, Hoa Kỳ. Trong thời gian tới, cùng với việc hoàn thiện các chương trình đào tạo của nhà trường, các tiêu chí đánh giá cũng sẽ được tiếp tục hoàn thiện.  

Theo Phó trưởng phòng Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế Trường CĐSP Hà Nội Phạm Ngọc Sơn, việc lấy ý kiến khảo sát của SV ở trường được tiến hành theo 2 đợt: Cuối mỗi học kỳ sau khi thi xong mỗi học phần để không ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên. Phiếu được được thiết kế với 6 nhóm nội dung và 5 mức độ đánh giá. Trong đó, kiến thức giảng dạy của giảng viên gồm 6 câu hỏi; phương pháp và kỹ năng giảng dạy (6 câu); phương tiện và tài liệu: 3 câu; kiểm tra đánh giá: 4 câu; thái độ của người học đối với môn học: 3 câu và phần ý kiến khác đóng góp giúp giảng viên giảng dạy môn học tốt hơn. Các mức độ đánh giá gồm: Không có ý kiến, hoàn toàn không đồng ý, phân vân, đồng ý, hoàn toàn đồng ý. Nội dung câu hỏi không phải giữ nguyên mà được sửa đổi hàng năm cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ