Nếu tính trong thôn tôi, cả thảy 600 hộ, mỗi hộ bình quân đóng 30.000 đồng thì tổng số tiền là 18 triệu đồng nhưng việc sử dụng khoản đóng góp đó như thế nào, cụ thể ra sao, thì thôn chưa công khai để người dân được rõ.
Ngoài khoản thu nêu trên thì trong năm, thôn còn tổ chức thu nhiều khoản khác như tiền hỗ trợ hộ nghèo; ủng hộ học sinh khuyết tật; giao thông nông thôn hoặc ủng hộ vùng bão lũ, thiên tai...
Mặc dù, các khoản đóng góp là tự nguyện nhưng nhiều hộ dân trong thôn ít quan tâm việc sử dụng số tiền ấy có đúng mục đích hay không?
Chỉ biết khi thôn yêu cầu nộp thì cứ nộp cho xong nghĩa vụ. Khi trưởng thôn đi thu các khoản đóng góp tự nguyện thì không thấy phiếu thu hay chữ ký xác nhận của người nộp.
Cứ thế, năm nào cũng vậy, vẫn thu đều các khoản đóng góp tự nguyện. Tuy trong thôn vẫn thường xuyên tổ chức họp định kỳ hàng tháng nhưng họp là để triển khai nhiệm vụ thu chứ không thông báo kết quả thực hiện việc thu nên gây nhiều thắc mắc của người dân.
Việc đóng góp tự nguyện của người dân có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng cộng đồng dân cư vững mạnh, đoàn kết và nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân. Việc đóng góp tự nguyện thì tùy thuộc vào từng hộ dân, họ có quyền nộp hay không nộp; nộp ít hay nộp nhiều tùy vào điều kiện, khả năng kinh tế.
Nhưng khi thu và sử dụng các khoản thu như thế nào thì cần phải công khai để dân được biết. Có thể thông báo cụ thể việc sử dụng kinh phí huy động tại cuộc họp hay niêm yết tại trụ sở thôn; khi thu các khoản đóng góp tự nguyện cần phải lập danh sách và chữ ký của người nộp để các hộ dân trong thôn được biết, giám sát.