Cô Nguyễn Thị Kim Lan- chuyên viên Sở GD&ĐT Hải Phòng nhận xét: Điều thấy được trước tiên ở đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2017 là tinh thần bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng.
Không chỉ dừng lại ở việc đánh giá kiến thức, kĩ năng, đặt vào thời điểm việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh đã đi được một chặng đường mấy năm thì đề thi môn Ngữ văn của kì thi năm nay còn hướng tới một cách rõ nét sự đánh giá năng lực người học.
Phần đánh giá năng lực đọc, đề thi đã chọn được ngữ liệu rõ ràng về nội dung, mạch lạc trong diễn đạt, trong sáng về cảm xúc và có tính giáo dục, tính tư tưởng tích cực.
Các câu hỏi được biên soạn tường minh, đảm bảo sự phân mức theo thang đo năng lực. Câu hỏi về mối quan hệ giữa thấu cảm với trắc ẩn là một câu hỏi vận dụng tuy thách thức, nhưng mang tính mở, tính đối thoại nên gây thân thiện với học sinh.
Phần đánh giá năng lực viết có mấy điểm ưu việt rõ nét.
Với đề bài viết đoạn nghị luận xã hội, đã giải tỏa được băn khoăn về khả năng hoặc trùng lặp câu 4 của phần I, hoặc quá xa, quá rộng như câu hỏi của một bài viết. Tính chất vừa sức với một đoạn thể hiện rất rõ trong câu hỏi.
Với đề bài nghị luận văn học, đề thi này thể hiện được nhiều ưu điểm vượt trội:
- Thứ nhất: Chọn đoạn ngữ liệu chưa bị cũ mòn (như đoạn đầu và đòa đoạn cuối phần I của trích đoạn).
Như vậy, chúng ta đã kiên định với cao trào nói không với văn mẫu, với lối dạy học đọc chép. Chúng ta phát huy được năng lực đọc hiểu của học sinh.
- Thứ hai: Tính giáo dục, tính phù hợp với đối tượng làm bài cũng rõ nét.
Đoạn thơ đưa ra những quan niệm về đất nước – thông qua sự soi chiếu từ cuộc đời những con người tuổi trẻ, trong tình yêu và ly biệt… ngữ liệu này dễ có sự đồng cảm của học sinh THPT. Đó là nét khéo léo và tinh tế của người ra đề.
- Thứ ba: Lệnh của đề đạt yêu cầu vừa thân thiện, vừa mở (trong yêu cầu cảm thụ) với mọi học sinh (không chỉ định một bình diện nào của ngữ liệu) - đó là một nét mới trong quan điểm và cách thức ra đề, có khả năng khích lệ và khêu gợi.
Đề vừa tạo cơ hội (trong yêu cầu bình luận) để những học sinh có khả năng suy nghĩ sâu, xa hơn, có sức xâu chuỗi, tổng hợp, khái quát, so sánh… các quan niệm khác nhau về Đất nước có thể khẳng định được năng lực của mình, giành phần điểm vận dụng cao.
Một đề thi luôn phản ánh cả một quá trình dạy, học, kiểm tra đánh giá với bao nỗ lực và kiên định của ngành, của các thầy cô giáo, của các em học sinh.
TS.Trịnh Thu Tuyết – Nguyên giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội): Từng phần của đề thi cũng có sự điều chỉnh để phù hợp với thời gian làm bài
Từ năm 2017, đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn có sự thay đổi lớn, từ cấu trúc, nội dung đến thời gian thi. Không còn một bài thi Ngữ văn thông thường với thời gian làm bài là 180 phút, đề thi năm 2017 chỉ có thời gian làm bài là 120 phút, với hai phần là Đọc hiểu và Làm văn. Từng phần của đề thi cũng có sự điều chỉnh để phù hợp với thời gian làm bài.
Cụ thể như sau:
Phần Đọc hiểu: Không còn tám câu hỏi nhỏ với chia đều cho hai ngữ liệu. Đề thi Ngữ văn năm 2017 chỉ gồm 1 ngữ liệu đi kèm 4 câu hỏi nhỏ với các cấp độ nhận thức Nhận biết – Thông hiểu – Vận dụng. Ngữ liệu nằm ngoài/trong chương trình sách giáo khoa.
Câu 1 chỉ dừng lại ở việc kiểm tra học sinh ở mức độ Nhận biết – nhớ kiến thức tiếng Việt với câu hỏi cụ thể về phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. Học sinh sẽ hoàn thành yêu cầu của đề rất dễ dàng.
Riêng câu 2 với yêu cầu giải thích khái niệm thấu cảm, dường như đề đã chạm tới mức độ thông hiểu theo tiêu chí thông thường của các câu hỏi đọc hiểu; tuy nhiên, có thể thấy, câu hỏi hai thực chất học sinh chỉ cần chép lại những ý cơ bản trong phần một của đoạn trích, và gần như không cần sự sáng tạo. Mức độ suy luận của thí sinh ở câu 3 không cần huy động nhiều hơn so với câu hai bởi thực chất, để nhận xét về “hành vi của đứa trẻ ba tuổi, cô gái có bạn bị ốm, cậu bé Bồ Đào Nha được nhắc đến trong đoạn trích”, thí sinh chỉ cần quay trở lại câu mở đoạn “Thấu cảm xảy ra trong từng khoảnh khắc của cuộc sống”, và chỉ cần thêm bớt một vài ý kiến cá nhân trên cơ sở nhận định của câu mở đoạn.
Câu hỏi duy nhất đòi hỏi tư duy, trải nghiệm, sự suy ngẫm và “thấu cảm” của thí sinh chính là câu bốn, đây là câu hỏi có thể coi đã đạt tới mục đích của Vận dụng – Vận dụng cao theo tiêu chí của bài Đọc hiểu.
Câu viết đoạn văn nghị luận xã hội đảm bảo đúng mối quan hệ hữu cơ với phần Đọc hiểu theo cấu trúc các đề minh hoạ, thử nghiệm, tham khảo của Bộ trước đây. Trong đó, việc lựa chọn ngữ liệu Đọc hiểu cùng một vài ý trong các câu hỏi Đọc hiểu đã giúp thí sinh phần nào xác định được nội dung, chủ đề và hướng triển khai trong câu viết đoạn văn nghị luận xã hội.
Vấn đề về sự “thấu cảm” vừa là vấn đề muôn đời trong cuộc sống nhân sinh, thế sự, vừa là điều có thể chạm tới phần nào thực tế bức bối của cách sống vô cảm khá phổ biến hiện nay. Trong khá nhiều những vấn đề của cuộc sống thời hiện tại, có lẽ sự “thấu cảm” cũng là điều nên nói.
Điều đáng ghi nhận đầu tiên ở câu nghị luận văn học chính là việc lựa chọn đoạn thơ cảm nhận trong 1 đoạn trích dài 90 câu – đoạn thơ đã giúp người đọc – học trò… có những cảm nhận khá đầy đủ về Đất nước: Đất nước được đặt trong chiều dài “đằng đẵng” của thời gian lịch sử, được đặt trong chiều rộng “mênh mông” của không gian địa lí, trong chiều sâu, bề dày của văn hóa, phong tục…Từ 3 bình diện ấy, đất nước đem đến những cảm nhận vừa bình dị, gần gũi với cuộc sống nhân dân, vừa thiêng liêng, cao cả hướng tới những khái niệm về cội nguồn về nhân dân, đất nước. Sau những cảm nhận bình dị và thiêng liêng ấy, đoạn thơ cũng đã đề cập đến trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với đất nước; và toàn bộ đoạn thơ 20 câu đã hướng tới thể hiện tư tưởng chủ đạo của đoạn trích – tư tưởng “đất nước của nhân dân”. (Lê Kim ghi)
Cô Nguyễn Thị Yến – Giáo viên Văn trường THPT M.V.Lômônôxốp (Hà Nội): Câu phân loại học sinh rất hay
Đề Văn năm nay sẽ có nhiều học sinh làm tốt vì đề nghị luận xã hội không quá khó. Đó là vấn đề quen thuộc của xã hội, xuyên suốt trong mọi lĩnh vực của đời sống hàng ngày. Nhất là vấn đề thấu cảm với đồng cảm trong xã hội hiện đại thì cần phân biệt và làm rõ. Học sinh cần liên hệ và hiểu về đời sống xã hội để có điểm tuyệt đối ở câu hỏi này.
Hay nhất có lẽ là câu 3, ở phần Làm văn, với bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm. Đoạn thơ trong đề thi là sự hòa quyện về không gian và thời gian của đất nước, nhưng đây cũng chính là câu phân loại học sinh.
Ở câu này, thí sinh cần có kỹ năng phân tích, bình luận và phải có cảm xúc, thẩm mỹ và giải thích tốt để bài văn được nâng tầm. Đồng thời, các em phải biết phân tích đoạn trích để đưa ra được tư tưởng sâu sắc của chính tác giả. Đoạn thơ trên vừa chính luận, lại vừa lãng mạn trữ tình qua hình ảnh “anh” và “em” đòi hỏi thí sinh thực sự chăm chỉ và học khá trở lên để làm tốt.
Nói chung, đề Văn tương đối dễ, học sinh trung bình khá cũng có thể làm được, nhưng vẫn có câu phân loại học sinh. Muốn được điểm cao, thí sinh cần có tư duy lập luận, nhất là về xã hội. Các câu phân tích phải thực sự chắc, sắc sảo, khái quát được vấn đề ở một tầm cao và đặc biệt là tránh lan man. (Ngọc Trang ghi)
Thạc sĩ Mã Bảo Hà – Tổ trưởng tổ Văn trường THPT Hương Sơn (Hà Tĩnh): Đề thi phát huy tính sáng tạo của học sinh
Đề thi năm nay so với kiến thức đã được học thì khá ổn và vừa sức thí sinh. Sẽ có nhiều em được điểm cao nếu có khả năng phân tích tốt. Đồng thời, với đề thi này, sẽ rất ít thí sinh bị điểm dưới trung bình.
Đề thi tuy đơn giản nhưng phát huy tư duy của học sinh, đòi hỏi sự chăm chỉ và liên hệ tốt. Cấu trúc đề có sự logic chặt chẽ ở phần đọc hiểu và phần nghị luận xã hội liên quan đến nhau, tạo thành tổng thể cho cả bài thi của học sinh.
Ở phần nghị luận, nội dung này các nhà trường đều hướng dẫn và ôn tập kỹ nên học sinh cũng không bỡ ngỡ và cảm thấy vừa sức, phân loại được đối tượng thi tốt nghiệp và xét vào Đại học.
(Ngọc Trang ghi)
Cô Hà Thủy - Tổ phó tổ Văn Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội):Đề thi Ngữ văn cơ bản, không có câu hỏi khó
Đề thi Ngữ văn năm nay có 2 phần. Phần Đọc hiểu (3 điểm), sử dụng đoạn trích “Thiện, Ác và Smartphone” của tác giả Đặng Hoàng Giang, NXB Hội Nhà văn, 2017.
Phần Làm văn (7 điểm) có 2 câu hỏi. Câu đầu tiên yêu cầu từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu,viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống. Câu 2, yêu cầu nêu cảm nhận, bình luận quan niệm về đất nước trong đoạn trích bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm.
Phần Đọc hiểu với 4 câu hỏi nhỏ trong được chia theo 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Với ý 1 và ý 2, học sinh dễ dàng lấy được trọn vẹn điểm; ý 3 ở mức độ trung bình; ý 4 hơi khó nhưng học sinh trung bình khá vẫn có thể làm được.
Nhìn chung so với phần Đọc hiểu ở ba đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, đề thi lần này không có sự khác biệt về nội dung và cách hỏi.
Câu nghị luận xã hội của phần Làm văn chính là sự nối tiếp của phần Đọc hiểu, đề cập tới ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống. Vấn đề này không khó viết với các em học sinh. Bởi lẽ, đây cũng là một trong vấn đề quen thuộc đã được ôn luyện nhiều.
Câu 2 nghị luận văn học về một đoạn thơ trong đoạn trích “Đất Nước”. Đoạn thơ được hỏi đôi khi cũng sẽ chưa được chú ý phân tích kĩ trong các sách tham khảo bằng các đoạn thơ khác. Tuy nhiên, cách hỏi của đề thi lần này rất trực tiếp, dễ hơn, không đòi hỏi sự tư duy, sáng tạo của học sinh so với các đề thi minh họa trước đó. Nhìn chung, đây là đề thi cơ bản, không có câu hỏi khó và điểm thi sẽ cao hơn mọi năm. (Hiếu Nguyễn ghi)
Cô Nguyễn Thu Trang - Giáo viên Ngữ Văn , Trường THPT Đào Sơn Tây, quận Thủ Đức (TP HCM): Đề Văn đảm bảo tính phân hóa
Đề văn hay và gợi mở cho các em học sinh rất nhiều điều. Với đề này thì thời gian làm bài 120 phút cũng là đủ để các em hoàn thành. Đề đảm bảo được tính phân hóa, đúng với mục đích vừa xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Ở câu hỏi liên quan đến sự thấu cảm, có thể thấy câu hỏi này rất phù hợp với tâm tư, tình cảm, cảm nhận ở lứa tuổi các em. Chắc chắn các em sẽ thể hiện được quan điểm của mình và từ đó các em cũng nhìn lại mình. Câu hỏi rất mang tính giáo dục và cách ra đề của Bộ đã khác so với những năm trước ở phần đọc hiểu.
Liên quan đến tác phẩm Đất nước, cũng là một câu hỏi rất hay, khơi gợi cho các em rất nhiều điều về tình yêu quê hương đất nước. Khi các em bình luận về quan niệm đất nước của tác giả Nguyễn Khoa Điềm, chính là các em đang rọi soi mình vào đó. Tôi rất thích câu hỏi này.
Với đề này, các em có thể đạt điểm 5 - 6 là không khó. Những em có tư duy tốt, biết liên hệ thì điểm 8 - 9 là hoàn toàn có thể đạt được. (Phan Nga ghi)
Cô Nguyễn Thị Vân Hạnh - Tổ trưởng tổ Ngữ văn, trường THPT Dân tộc nội trú số 2 tỉnh Nghệ An: Đề thi đáp ứng được 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao
Sau khi đề thi được đưa lên mạng, tôi vào đọc ngay và thấy rất thích cách ra đề môn Văn năm nay của Bộ GD&ĐT.
Trước hết, đây là một đề thi đáp ứng được 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Đề theo đúng cấu trúc của đề thi mình họa trước đó của Bộ. Các kiến thức nằm trong chương trình sách giáo khoa.
Bên cạnh đó, cái hay của đề là phân hóa được học sinh. Trong đó, câu 4 yêu cầu thí sinh đưa ra ý kiến lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm, chính là câu vận dụng cao của phần đọc hiểu. Các em phải thể hiện được chính kiến, quan điểm cá nhân và lập luận chặt chẽ, logic để bảo vệ quan điểm có của mình trước người đọc.
Còn câu làm văn nêu cảm nhận của thí sinh về đoạn trích Đất nước (nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm) và bình luận quan điểm về đất nước của tác giả, là câu vừa để thí sinh thể hiện khả năng cảm thụ văn chương, vừa đề cập đến vấn đề thời sự hiện nay. Theo đó, đất nước nhân dân là tư tưởng từ rất lâu đời của cha ông ta ngày xưa, nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Tóm lại, đây là đề vừa sức, những em học trung bình cũng có cái để viết và với những em học lực khá, giỏi cũng có đất để đào sâu, thể hiện năng lực văn chương và khả năng viết của mình.
(Hồ Lài ghi)
Đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn năm 2017 diễn ra vào sáng 22/6, được ra theo cấu trúc gồm 2 phần: phần Đọc hiểu (3 điểm) ra một văn bản nghị luận và 4 câu hỏi ; phần làm văn (7 điểm) với 2 câu: câu Nghị luận xã hội (2 điểm) và câu Nghị luận văn học (5 điểm).
Trong đó, câu Nghị luận xã hội yêu cầu viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về một vấn đề đặt ra trong văn bản ở phần đọc hiểu. Cấu trúc này đã được Bộ GD thông báo từ trước và đã được ra trong đề thi minh họa. Học sinh đã chuẩn bị tâm thế cho cấu trúc này nên sẽ không cảm thấy bất ngờ.
Phần đọc hiểu cho một đoạn trích trong văn bản “Thiện, Ác và Smartphone” của tác giả Đặng Hoàng Giang . Sự phân hóa ở các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng được thể hiện khá rõ trong 4 câu hỏi. Cách hỏi sáng rõ, chặt chẽ; mức độ vừa sức nên học sinh có thể dễ dàng giải quyết.
Câu Nghị luận xã hội yêu cầu viết 1 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống. Trong tình trạng mà bệnh vô cảm, lối sống ích kỉ đang trở thành một vấn đề nhức nhối cho xã hội thì vấn đề đặt ra trong văn bản phần Đọc hiểu và câu Nghị luận xã hội có ý nghĩa nhân văn và giá trị giáo dục sâu sắc.
Câu Nghị luận văn học yêu cầu thí sinh trình bày cảm nhận về một đoạn thơ trong đoạn trích “Đất nước” (Trích trường ca “Mặt đường khát vọng”) của Nguyễn Khoa Điềm từ đó bình luận quan niệm về Đất nước của nhà thơ. Đây là đoạn thơ thuộc một văn bản đã học trong chương trình 12. Cách hỏi cũng quen thuộc nên các em hoàn toàn có thể dễ dàng giải quyết. Nhìn chung đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn năm nay tương đối nhẹ nhàng, phù hợp với trình độ chung của học sinh các vùng miền trong cả nước.
(ThS. Hồ Tấn Nguyên Minh- Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên)
Thầy Nguyễn Văn Song - Trường THPT Phù Cừ (Hưng Yên) nhận xét: Phần đọc hiểu có ngữ liệu là một văn bản văn xuôi có nội dung bàn về lòng trắc ẩn, thấu cảm của con người trong cuộc sống. Đây là một văn bản có nội dung sâu sắc, hướng giới trẻ biết sống thấu hiểu, chia sẻ với con người, cuộc sống xung quanh mình. Đây là điều cần thiết khi cuộc sống hiện tại đang tồn tại hiện trạng vô cảm như một căn bệnh.
Các câu hỏi sắp xếp theo trình tự từ dễ đến khó, phù hợp với dạng đọc hiểu, kiểm tra được kĩ năng đọc hiểu của học sinh từ hình thức đến nội dung, phù hợp với các mức độ của từ nhận biết đến thông hiểu, vận dụng.
Câu hỏi 4 của phần đọc hiểu khá hay. Câu hỏi này cho phép học sinh bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình miễn là có những lí giải phù hợp. Học sinh có thể đồng tình hay không đồng tình với quan điểm của người viết “Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm”.
Phần làm văn của đề có 2 câu. Câu 1 yêu cầu học sinh viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống được khơi gợi từ phần đọc hiểu. Yêu cầu rất rõ, phạm vi vừa phải với dung lượng một đoạn văn khoảng 200 chữ.
Ở câu này, thí sinh cần lưu ý đọc kĩ yêu cầu kẻo nhầm lẫn viết chung chung về lòng thấu cảm. Yêu cầu hướng đến là ý nghĩa, tác dụng của lòng thấu cảm trong cuộc sống. Tùy vào sự hiểu biết, vốn sống của các em mà có thể có những quan điểm khác nhau về ý nghĩa của lòng thấu cảm. Câu này cũng tạo điều kiện để học sinh bày tỏ quan điểm của riêng mình.
Câu 2 của phần làm văn yêu cầu cảm nhận một đoạn thơ trong trích đoạn “Đất Nước” trích trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, từ đó trình bày quan điểm của tác giả về đất nước.
Đoạn thơ được yêu cầu cảm nhận là một đoạn thơ hay viết về Đất Nước với những cảm nhận chân thành, tự nhiên và mới mẻ của nhà thơ. Không gian đất nước vừa gần gũi, quen thuộc, gắn bó với kỉ niệm, với đời sống tình cảm của con người, vừa kỳ vĩ, tráng lệ và mang sắc màu huyền thoại.
Quan điểm của nhà thơ về đất nước là: đất nước thiêng liêng lớn lao mà vô cùng bình dị, gần gũi với mỗi người. Hãy yêu quý, trân trọng đất nước như yêu quý trân trọng những gì thân thương nhất.
Đề thi Ngữ văn - Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 đã hướng học sinh đến tình yêu và trách nhiệm với quê hương đất nước, một tình cảm lớn có tính truyền thống trong đời sống tâm hồn người Việt. Đề thi rất hay và có tính phân hóa cao bởi đây là đoạn thơ hay, sâu sắc nhưng không dễ cảm nhận. Yêu cầu trình bày quan điểm của nhà thơ về đất nước phù hợp với học sinh khá, giỏi.
Nhìn chung đề thi Ngữ văn năm nay cơ bản, bám sát đề minh họa, bám sát chương trình Ngữ văn 12, có độ phân hóa cao, có tính giáo dục, tính nhân văn phù hợp với kì thi 2 mục đích: vừa xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh ĐH, CĐ.
Kim Thoa ghi