Cô Quyên phân tích, ở phần đọc hiểu, đoạn trích thuộc tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" của tác giả Nguyễn Dữ. Theo đó, chỉ cần thí sinh đọc kỹ tác phẩm và chú ý nghe giảng bài trên lớp là có thể đạt trọn vẹn 3 điểm ở phần này.
Hơn nữa, đây là tác phẩm quen thuộc, được học sinh yêu thích nên không hề khó đối với thí sinh. Ở câu 4 của phần đọc hiểu, yêu cầu thí sinh tìm các phép liên kết trong đoạn văn. Với yêu cầu này, chỉ cần thí sinh nắm chắc lý thuyết là "ăn điểm".
"Riêng phần đọc hiểu, học sinh trung bình cũng có thể đạt điểm tối đa" – cô Quyên nhận xét, đồng thời cho rằng, phần Làm văn với hai câu hỏi khá hấp dẫn, có tính thời sự và có giá trị thời đại.
Câu 1 về nghị luận xã hội nói về sức mạnh của tinh thần đoàn kết – một chủ đề quen thuộc và hề không khó viết. Chỉ cần thí sinh biết liên hệ thực tiễn và sắp xếp các chi tiết logic là có điểm.
Tuy nhiên để đạt trọn vẹn 2 điểm ở câu này, thì ngoài các yếu tố trên, đòi hòi thí sinh phải có kỹ năng trình bày, kỹ năng đặt vấn đề và giải quyết vấn đề. Với học sinh khá - giỏi thì có thể đạt điểm tối đa ở câu hỏi này.
Phần văn học, yêu cầu của đề thi là phân tích một đoạn thơ trong bài "Bếp lửa" của tác giả Bằng Việt. Đây là bài thơ khá hay, giàu hình ảnh nên học sinh rất dễ để phân tích. Đoạn trích trong bài thơ là những dòng hoài niệm của người cháu về tuổi thơ sống bên bà.
Đây cũng đoạn thơ hay, tình cảm và rất gần gũi với đời sống của học sinh. Đó chính là những chất liệu sinh động để các em chuyển thể vào bài viết của mình. Vì vậy, với câu hỏi này, học sinh sẽ có "đất" để viết, thậm chí là viết hay nếu như các em có thêm kỹ năng viết và ngôn từ phong phú.
"Tóm lại, chỉ cần các em nắm chắc tác phẩm, hiểu rõ yêu cầu dạng đề phân tích của một đề làm văn là các em có thể "rinh" điểm cao về cho mình" – cô Quyên nhận xét, đồng thời dự đoán:
Nhìn tổng thể đề thi, học sinh trung bình cũng có thể đạt được 5-6 điểm; học sinh khá trở lên sẽ không khó để đạt được điểm 7 – 8 - 9. Ở đề thi này, cũng có thể sẽ xuất hiện những thí sinh đạt điểm tuyệt đối – 10 điểm.