Nhiều giáo viên, HS cùng chung nhận định: Đề thi bám sát đề tham khảo, vừa sức HS nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu phân hóa... Độ khó và phân hóa của đề tương đương đợt 1, tạo công bằng giữa 2 đợt thi.
Đề thi Ngữ văn gần gũi, vừa sức nhưng vẫn bảo đảm phân hóa
Nhiều thí sinh rời phòng thi môn Ngữ văn với tâm trạng thoải mái vì hoàn thành tốt bài thi. Nguyễn Dương Trường Sa, dự thi tại điểm thi Trường THTP chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) cho biết: Đề đợt 2 có định dạng khá giống với đề đợt 1; bản thân ôn tập khá kỹ và không học tủ nên không bị chới với.
Thí sinh H’Nhiên Byă (Trường THPT Buôn Đôn) tâm đắc với câu hỏi về “sự cần thiết của tinh thần hợp tác trong cuộc sống” của phần làm văn và cho rằng, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên sự ý thức, hợp tác và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của mỗi người đều rất quan trọng. “Em có liên hệ thực tế này để áp dụng trong bài viết của mình” - H’Nhiên chia sẻ. Thí sinh Quỳnh Trang (điểm thi Trường THPT Yên Mỹ, Hưng Yên) nhận định đề thi Ngữ văn khá vừa sức và tự tin mình sẽ giành 8 điểm.
Các giáo viên Ngữ văn cũng có đánh giá tích cực về đề thi. Theo thầy Trần Liên Quang, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Mỹ Quý, Đồng Tháp, đề thi Ngữ văn đợt 2 khá hay, bao quát chương trình, có tính phân hóa tốt. Đề giữ nguyên cấu trúc đề thi đợt 1. Phần đọc hiểu, nhìn chung ngữ liệu và các câu hỏi đặt ra gần gũi và yêu cầu nhẹ hơn so với đợt 1, song vẫn bảo đảm tính phân hóa tốt.
Phần làm văn gồm 2 câu. Câu 1 đặt ra vấn đề nghị luận gần gũi, khá quen thuộc, dễ hiểu với HS phổ thông: “Sự cần thiết của tinh thần hợp tác trong cuộc sống”. Do đó, đa số HS sẽ làm tốt câu này. Câu 2 yêu cầu cảm nhận về đoạn thơ trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng (khổ thơ 2), từ đó nhận xét cảm hứng lãng mạn của Quang Dũng trong đoạn thơ.
Đề bài đòi hỏi HS không chỉ nắm chắc kiến thức về tác giả, tác phẩm; thành thạo kĩ năng phân tích, cảm thụ văn bản thơ (đoạn thơ); mà còn phải thực sự hiểu về phong cách nghệ thuật của nhà thơ, cảm hứng sáng tác của nhà thơ được thể hiện trong tác phẩm. Yêu cầu đặt ra với HS hoàn toàn nằm trong phần kiến thức cơ bản đã được học trong chương trình Ngữ văn 12.
Cô Trần Thị Thanh Xuân, giáo viên Trường THCS - THPT Hà Thành (Hà Nội) nhận định: Giống như đợt thi 1, ngữ liệu đưa ra trong phần đọc hiểu vẫn là một văn bản nằm ngoài chương trình SGK; có dung lượng vừa phải, phù hợp với quỹ điểm của phần thi.
Bốn câu hỏi kiểm tra kiến thức đọc hiểu văn bản phân bổ theo các cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Phần làm văn cũng giữ nguyên cấu trúc hai câu. Có ý kiến tương tự, cô Nguyễn Thị Lan Hương, Trường THPT Cao Bá Quát, Hà Nội cho rằng: Đề thi Ngữ văn đợt 2 cân đối với đề đợt 1 về cấu trúc cũng như kiến thức nên vừa sức HS và không gây bất ngờ.
Dự đoán phổ điểm cũng tương đương đợt 1. Từ văn bản đọc hiểu đến phần đoạn văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học tương tự nhau. Từ vấn đề sống cống hiến đến tinh thần hợp tác trong phần nghị luận xã hội đều khá hay vì thiết thực trong hoàn cảnh hiện nay, đòi hỏi mọi cá nhân đều phải biết hi sinh, chia sẻ, chấp nhận, biết vì cái chung… Điều này khiến cho đề Ngữ văn gần gũi hơn với thí sinh.
Thầy Nguyễn Đình Hòa (Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng) cho rằng: Đề có cấu trúc tương tự đề đợt 1, văn bản đọc hiểu và các câu hỏi tường minh nên HS dễ trả lời chính xác để lấy điểm hơn. Dự đoán phổ điểm chủ yếu là 7 - 7,5.
Đề Toán bảo đảm 2 mục tiêu: Xét tốt nghiệp, tuyển sinh ĐH
Chiều 6/8, thí sinh kết thúc bài thi tốt nghiệp THPT năm 2021, đợt 2 môn Toán. Tại tỉnh An Giang, thí sinh Lê Thùy Trang, thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Thủ Khoa Nghĩa, TP Châu Đốc cho biết, làm khá tốt bài thi, mã đề 102. “Độ khó và phân hóa của đề so với đề thi đợt 1 là tương đương. Bản thân em thấy đề khá hay, vừa sức, hy vọng em và các bạn đạt kết quả tốt” - Trang chia sẻ.
Cùng nhận định, theo thí sinh Đoàn Văn Đồng, điểm thi Trường THPT Vĩnh Bảo (Hải Phòng), đề thi môn Toán giống cấu trúc đề minh họa; kiến thức tương đối phù hợp và có tính phân hóa ở những câu cuối đề.
Nhận xét về mã đề 120, thầy Ngô Văn Toản, giáo viên môn Toán Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) nói: Đề có 38 câu ở mức độ nhận biết - thông hiểu (từ câu 1 đến câu 38); 12 câu vận dụng - vận dụng cao (từ câu 39 đến câu 50). Như vậy, so với đề thi môn Toán đợt 1, đề đợt 2 vẫn giữ nguyên số lượng câu hỏi ở các mức độ.
Về nội dung, các câu trong chương trình lớp 11 đều ở mức nhận biết - thông hiểu, nếu thí sinh ôn tập tốt hoàn toàn có thể giành trọn điểm ở phần này. Các câu vận dụng - vận dụng cao tập trung ở một số chủ đề của lớp 12. Có thể nói, đề thi đợt 2 môn Toán không những bảo đảm cho việc xét tốt nghiệp, xét tuyển vào các trường đại học, mà còn bảo đảm sự công bằng cho các thí sinh ở hai đợt thi.
Cũng với mã đề này, thầy Phạm Đức Duẩn - Phó Hiệu trưởng, Trường THPT Liên Hà (Đông Anh - Hà Nội), nhận định: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh không được đến trường ôn thi, thiếu đi sự kiểm tra giám sát của các thầy, cô bộ môn thì mức độ đề thi như vậy là hợp lý. Tỷ lệ câu nhận biết và thông hiểu nhiều, được sắp xếp từ dễ đến khó giúp học sinh có tâm lý làm bài tốt hơn. Học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản trong SGK có thể đạt 7 - 8 thậm chí cao hơn.
Tuy nhiên trong đề cũng có nội dung phân loại thí sinh gồm 5 câu vận dụng cao rất khó, và khoảng 7 câu vận dụng, những câu này để phân loại thí sinh giúp các trường ĐH làm căn cứ để tuyển sinh viên. Thầy Duẩn dự đoán, điểm trung bình môn Toán đợt 2 cũng tương tự đợt 1, hoặc có thể cao hơn chút ít. Các trường ĐH hoàn toàn có thể dựa vào kết quả môn Toán đợt 1 và đợt 2 làm căn cứ tuyển sinh.
Với mã đề 144, cô Nguyễn Thị Vĩnh Thuyên – giáo viên Trường THPT Châu Văn Liêm (Cần Thơ) nhận xét: Đề thi phù hợp, bảo đảm tính phân hóa; tương đồng với đề minh họa và đề thi đợt 1. Do đề ổn định về kiến thức và phân phối về mức độ nên vẫn có thể có nhiều điểm 10.
Đánh giá đề thi từ mã 145 và 120, thầy Nguyễn Bảo Điền, Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT Mỹ Quý, Đồng Tháp, nhận định: Đề thi có cấu trúc bám sát đề thi tham khảo và đề thi đợt 1; nội dung chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 và có một phần (gồm 5 câu) nội dung cơ bản lớp 11. Từ câu 1 đến câu 28 dành cho học sinh có mức học lực trung bình yếu, chỉ yêu cầu xét tốt nghiệp.
Đề bắt đầu phân hóa từ câu 39 trở về sau. Học sinh trung bình - khá có thể làm được trên dưới 7 điểm, học sinh giỏi có thể đạt 9 điểm trở lại. Còn lại là những câu để các em thật sự xuất sắc muốn xét tuyển vào các trường đại học tốp đầu. “Nhìn chung, đề thi tốt nghiệp THPT môn Toán đợt 2 bảo đảm bao quát chương trình, có tính phân hóa tốt. So với đề thi đợt 1, đề lần này gần gũi với các học sinh” – thầy Điền đánh giá.