Nói về đề thi Ngữ Văn vào lớp 10, cô Lê Thị Thanh Lan ( GV Ngữ văn, Trường THCS Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An) đánh giá đề thi hay, đúng với cấu trúc của đề thi minh họa mà Sở GD&ĐT đã công bố trước đó.
Đề thi không quá khó và cũng không quá dễ, nó phù hợp với yêu cầu của một đề thi tuyển sinh vào lớp 10. Đó là đề thi dùng chung cho cả tỉnh, không chỉ học sinh thành phố, miền xuôi, mà cả học sinh vùng sâu, vùng xa, miền núi.
Câu 1 là câu đọc hiểu, chiếm 2 điểm, ngữ liệu mới, các câu hỏi vừa sức với học sinh nhưng cũng có ý nghĩa truyền tải thông điệp. Đó là sự sẻ chia, yêu thương trong cuộc sống.
Đề thi chính thức môn Ngữ văn vào lớp 10 Nghệ An |
Với câu nghị luận văn học, đề ra về cảm nhận và ước nguyện của tác giả trong 2 khổ thơ của bài thơ Mùa xuân nho nhỏ. Đây là 2 khổ thơ hay, những thí sinh lực học trung bình cũng có thể làm được và “vớt vát điểm”. Đồng thời cũng phát huy được cái giỏi, khả năng cảm nhận, cảm xúc của học sinh có năng khiếu văn chương.
Riêng câu nghị luận xã hội “Niềm tin tạo nên sức mạnh” theo cô Lan là câu hỏi khó nhất trong đề thi, cũng là câu tìm học sinh giỏi văn. Bởi nếu đưa ra những khái niệm như lòng hiếu thảo, tình yêu thương, tình bạn, gia đình… sẽ gần gũi với học sinh, các em dễ viết, dễ “chém gió” hơn. Nhưng với khái niệm “niềm tin” còn khá trừu tượng, không phải học sinh nào cũng có thể viết hay, viết đúng trọng tâm để đạt điểm số cao.
Thí sinh trao đổi với nhau về đề thi môn Ngữ văn |
Cùng nhận định, cô Nguyễn Thị Thúy Diệu (GV Ngữ văn Trường THCS Trường Thi, TP Vinh) cho biết: Đề thi Văn năm nay nhẹ nhàng, không nặng nề và nhiều học sinh của cô chia sẻ làm được bài.
Với câu nghị luận xã hội, nếu học sinh nắm phương pháp có thể dễ dàng viết một bài văn ngắn với đầy đủ cấu trúc và kiếm được một nửa số điểm. Cái khó của câu hỏi này là khó lấy dẫn chứng về niềm tin trong cuộc sống, nêu ra người đã tìm được sức mạnh cho chính cuộc dời của mình nhờ vào niềm tin một cách cụ thể và chính xác.
Câu 5 điểm về nghị luận văn học, nằm ở chương trình học kỳ 2, vừa mới học, vừa mới ôn thi xong nên chắc chắn học sinh còn nhớ kiến thức để làm bài. Song để viết hay, cảm xúc thì lại rất khó.
Có một điều thú vị là sau khi thi xong, các em học sinh băn khoăn nhiều về câu nghị luận văn học hay xã hội, mà chủ yếu hỏi cô giáo về câu đọc hiểu với ngữ liệu là một đoạn thơ trích nguồn trên báo. “Nhiều em không biết đến từ hành khất nghĩa là gì, đến khi cô giáo nói từ đồng nghĩa là từ ăn xin thì các em ồ lên. Tôi nói với học sinh thế mới biết kỹ năng sống của các em còn yếu, các vốn từ ngữ trong cuộc sống vẫn còn hạn chế”, cô Diệu nói.