Những câu hỏi trên vốn được đặt ra lâu nay càng được quan tâm sau kỳ thi chọn học sinh năng khiếu môn Ngữ văn lớp 7 năm học 2022 - 2023 của huyện Cẩm Khê (Phú Thọ).
Yêu cầu quá sức
Đề thi học sinh năng khiếu môn Ngữ văn lớp 7 của huyện Cẩm Khê năm học 2022 - 2023 có 2 câu hỏi với thời gian làm bài 120 phút. Câu 1 (8 điểm) yêu cầu: “Ngạn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ có câu: “Người độ lượng bao giờ cũng thấy mình giàu có”. Trình bày suy nghĩ của em về câu ngạn ngữ trên”. Câu 2 (12 điểm) yêu cầu: “Bàn về thơ, Đuy-blây có viết: “Thơ là người thư kí trung thành của những trái tim”. Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng một tác phẩm thơ em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên”.
Thầy Nguyễn Phương Bắc, giáo viên Ngữ văn tại huyện Lương Tài, Bắc Ninh cho rằng: Với Chương trình GDPT 2018, việc ra đề như trên không hợp lý. Một là hình thức đề có cấu trúc cũ. Hai là nội dung đề không phù hợp với năng lực học sinh lớp 7. Mức độ tư duy của đề quá cao so với năng lực của học sinh THCS nói chung và học sinh lớp 7 nói riêng.
“Chương trình GDPT 2018 môn Ngữ văn, học sinh lớp 6, 7 đã bắt đầu được tiếp cận với các kiểu dạng bài tập làm văn trong Chương trình GDPT 2006 ở các lớp 8, 9 như nghị luận về vấn đề đời sống xã hội, phân tích đặc điểm nhân vật văn học, biểu cảm về tác phẩm thơ…
Tuy nhiên, đối với học sinh lớp 7, sách giáo khoa lớp 7 đưa ra yêu cầu về các dạng bài đó rất rõ ràng, nhẹ nhàng vừa sức. Nhưng khi ra đề thi học sinh giỏi, vẫn còn một số địa phương lại đưa ra mức độ tư duy và yêu cầu quá sức khiến dư luận xôn xao. Đó là bài toán đặt ra với những nhà quản lý giáo dục và thầy cô vinh dự được giao trọng trách xây dựng đề thi để chọn học sinh giỏi trong Chương trình GDPT 2018”, thầy Nguyễn Phương Bắc chia sẻ.
Cô Phạm Thu Huyền, Tổ trưởng Tổ xã hội Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội) cũng nhận định: Nhiều năm nay, học sinh THCS chưa được trang bị nhiều kiến thức lý luận văn học, nhưng ra đề thi học sinh giỏi đã hỏi mảng này. Do đó đề thực sự khó với cả học sinh lớp 9, không nói là học sinh lớp 7 - 8. Chuyện ra lý luận văn học với học sinh lớp 7 - 8 diễn ra ở nhiều tỉnh thành, không riêng ở Cẩm Khê (Phú Thọ).
Theo cô Phạm Thu Huyền, yêu cầu với học sinh lớp 7 là diễn đạt lưu loát, sinh động, câu văn giàu hình ảnh, đúng chuẩn chính tả, trình bày sạch đẹp. Vấn đề đưa vào trong đề thi nên gần gũi với các em theo yêu cầu tập làm văn mà các em được học.
Đề ra vừa sức, giúp học sinh chứng tỏ được năng lực văn chương của mình; đồng thời qua bài thi, học sinh được giáo dục tình yêu gia đình, ngôi trường gắn bó tuổi học trò, thiên nhiên, quê hương đất nước… đặc biệt là tình yêu văn học. Tránh cách ra đề quá già dặn, không còn tìm được sự trong sáng, thơ ngây của các học sinh theo đúng lứa tuổi.
Cô trò Trường THCS Bế Văn Đàn trong giờ học. Ảnh: NTCC |
Cần phù hợp và kích thích tư duy sáng tạo
Nói về yêu cầu của đề thi học sinh giỏi Ngữ văn THCS, cô Phạm Bích Thuỷ, giáo viên Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho rằng: Đề cần đánh giá được năng lực văn học của học sinh, trọng tâm là 2 năng lực cơ bản: Tiếp nhận văn bản và tạo lập văn bản. Với năng lực tiếp nhận văn bản, học sinh nắm bắt đúng và sáng tạo thông tin thẩm mỹ và giá trị của văn bản (tái hiện, liên tưởng, tưởng tượng, cảm thụ cụ thể và khái quát hóa chi tiết, hình tượng nghệ thuật trong văn bản, bày tỏ được cảm xúc thẩm mĩ, tự nhận thức, đánh giá của bản thân...).
Năng lực tạo lập văn bản: Yêu cầu học sinh tạo lập được văn bản đúng quy cách; thể hiện được vốn kiến thức văn học, xã hội và trải nghiệm của bản thân; sáng tạo trong cách tiếp cận, triển khai, giải quyết vấn đề, đưa ra được những ý tưởng riêng mới mẻ; có cách biểu đạt ngôn ngữ sinh động, biểu cảm, giàu sức thuyết phục…
Một số kinh nghiệm ra đề được cô Phạm Bích Thủy chia sẻ. Theo đó đầu tiên là đề ra hướng “mở”: Đề yêu cầu về nội dung một cách gợi mở, mang tính định hướng, cho phép học sinh được lựa chọn vấn đề mà bản thân quan tâm nhất, làm văn như một sự chia sẻ, bày tỏ quan điểm, thái độ của mình về những điều đang ấp ủ. Về hình thức, thay vì yêu cầu “hãy phân tích, chứng minh, bình luận”, đề văn cần đặt yêu cầu như “nêu quan điểm, ý kiến của em”, “em có suy nghĩ gì”, “bài học sâu sắc nhất em rút ra được”…
Thứ hai, đề có tính “lạ hóa”: Sử dụng kết hợp kênh hình, thơ, những câu chuyện thú vị, bài toán vui… nhằm kích thích hứng thú, niềm đam mê sáng tạo, rèn khả năng quan sát, phán đoán, tưởng tượng cho học sinh. Thứ ba, đề có tính chất tranh biện, đa chiều để học sinh thực sự được suy nghĩ, tìm kiếm các cách giải quyết khác nhau, dám thể hiện, bảo vệ quan điểm riêng của mình; đồng thời biết lắng nghe, học tập ý kiến của người khác.
Cuối cùng, đề văn phải phù hợp với trình độ lớp học, bậc học của học sinh, gắn với thực tiễn cuộc sống, nhất là những vấn đề đang được xã hội quan tâm nhằm kích thích sự sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề cho học sinh.
Bày tỏ quan điểm cá nhân, cô Nguyễn Thị Minh Huệ, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình) cho rằng: Dù với cấp học nào, môn học gì, đề thi cũng đều cần bảo đảm tính chính xác, khoa học, logic; kiến thức không vượt quá tiến độ chương trình của môn học đến thời điểm thi; sử dụng từ ngữ tường minh, rõ ràng, không dùng từ đa nghĩa, từ thiếu chính xác dẫn đến nhiều cách hiểu, cách giải khác nhau.
Đề thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ văn làm sao để thí sinh thể hiện năng lực cảm thụ văn học và xã hội, song phải phù hợp với đối tượng, không phải đề càng khó càng hay. Tuy nhiên, suy nghĩ phải chọn đề thật lạ, thật khác mà không bám vào nội dung chương trình thí sinh đang học là lỗi đôi khi xuất hiện trong các đề thi dành cho học sinh giỏi.
“Với đề thi môn Ngữ văn, người chấm dựa trên khả năng cảm thụ, cảm nhận văn học, nhận thức xã hội của thí sinh thể hiện trong bài làm. Vì vậy, người ra đề và phản biện đề phải nghiên cứu thật kỹ khi biên soạn đề thi, hướng tới mục tiêu đánh giá đúng năng lực của học sinh cấp học đó. Vì thực tế học sinh giỏi là học sinh phổ thông, nên vẫn phải có kỹ năng cơ bản của môn học”. - Cô Nguyễn Thị Minh Huệ