Ra đề thi học sinh giỏi sao cho có cả tâm và tầm

GD&TĐ - Lựa chọn nhân sự và quy trình ra đề trong các kỳ thi học sinh giỏi tại địa phương được thực hiện ra sao để hạn chế thấp nhất sai sót?

Thí sinh Cà Mau tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT năm học 2022 - 2023.
Thí sinh Cà Mau tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT năm học 2022 - 2023.

Câu hỏi này càng được quan tâm khi mới đây, một giáo viên đã bị kỷ luật khiển trách vì ra đề thi học sinh giỏi THPT cấp tỉnh trùng với đề cương ôn tập của trường.

Cẩn trọng nhân sự ra đề

Việc ra đề thi học sinh giỏi tại Tiền Giang được triển khai theo Quy chế và hướng dẫn hằng năm của sở GD&ĐT (vận dụng Quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia). Theo chia sẻ của ông Võ Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, thầy cô được lựa chọn ra đề học sinh giỏi là những người có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, nắm vững nghiệp vụ làm công tác thi.

Người ra đề không có vợ, chồng, con, anh, chị, em, cháu ruột, hoặc anh, chị, em, cháu ruột vợ (hoặc chồng), người giám hộ/đỡ đầu, người được giám hộ hoặc được đỡ đầu, tham dự kỳ thi; không trong thời gian bị kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đặc biệt, theo quy định của sở GD&ĐT, thành viên của các tổ ra đề thi không bồi dưỡng học sinh dự thi tại năm tổ chức kỳ thi. Với giám khảo, không là giáo viên đang dạy (bồi dưỡng) môn mà học sinh dự thi tại năm tổ chức kỳ thi.

“Việc ra đề được thực hiện theo nhiều bước, từ khâu chọn người ra đề đề xuất, người ra đề thi học sinh giỏi. Các khâu được thực hiện bảo mật, trong đó có cả bảo mật về nhân sự. Người tham gia ra đề đều phải ký bản cam kết bảo mật”, cô Vũ Thị Anh cho hay.

Thường xuyên tham gia ra đề nguồn kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cô Vũ Thị Anh, Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) cho biết: Nhân sự ra đề được sở GD&ĐT lựa chọn là giáo viên giỏi, cốt cán, có thành tích cao trong giảng dạy (ôn luyện học sinh đoạt giải trong các kỳ thi), kinh nghiệm giảng dạy lâu năm... Không chỉ giỏi chuyên môn, người được chọn còn phải có tư cách đạo đức tốt, tính kỷ luật cao.

Tại Bến Tre, theo ông Võ Thanh Vương Đạo, Trưởng phòng Quản lý chất lượng và Công nghệ thông tin, Sở GD&ĐT, thành viên Hội đồng ra đề thi được chọn theo tiêu chí: Là chuyên viên, giáo viên có năng lực chuyên môn tốt, giáo viên giỏi cấp tỉnh, có trách nhiệm; không tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, không có người thân dự thi.

Sở GD&ĐT hoàn thiện quy chế, quy định rõ quy trình cách ly, ra đề thi, lựa chọn đề thi chính thức, tổ chức phản biện đề thi. Về chấm thi, vì tiêu chí lựa chọn cũng phải là giáo viên giỏi, chuyên môn tốt, không có người thân dự thi, nên khó tránh được giáo viên đó đã từng bồi dưỡng học sinh giỏi. Tuy nhiên, ông Võ Thanh Vương Đạo khẳng định: Quy trình chấm thi rất nghiêm và không thể thiên vị. Theo đó, bài thi được làm phách, tổ chức nghiêm quy trình chấm thi độc lập bởi 2 giáo viên ở 2 trường khác nhau. Ngoài chấm độc lập, còn so điểm 2 lần chấm. Nếu lệch điểm nhiều (điểm lệch được xác định theo quy chế của Bộ GD&ĐT) tiếp tục tổ chức lần 3 theo hình thức chấm tập thể.

Thí sinh Hải Phòng tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2021 - 2022.

Thí sinh Hải Phòng tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2021 - 2022.

Làm sao ra đề thi chất lượng?

Trước việc một giáo viên bị kỷ luật khiển trách vì ra đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh bị trùng với đề cương ôn tập của trường, ông Võ Văn Hiếu cho rằng, để hạn chế thấp nhất tình trạng này, việc quan trọng đầu tiên là chọn nhân sự ra đề bảo đảm công tâm, trách nhiệm, đạo đức công vụ. Tiếp đến là xây dựng quy trình làm đề thi khách quan, chặt chẽ, khoa học. Có ngân hàng câu hỏi đủ lớn để tổ ra đề tham khảo, biên soạn bảo đảm yêu cầu của ma trận, cấu trúc đề thi và mang tính khách quan.

Chia sẻ giải pháp bảo đảm tính bảo mật, tránh trường hợp giáo viên ra đề thi trùng với đề cương ôn tập, cô Vũ Thị Anh cho rằng, giáo viên tham gia ra đề phải là người có trình độ chuyên môn vững chắc, tính kỷ luật cao, chấp hành tốt yêu cầu của cấp trên. Giáo viên ra đề vòng 2 cần chọn lọc ý hay, tránh tình trạng mang nguyên câu hỏi, đề của giáo viên ra đề nguồn hoặc sao chép trong tài liệu tham khảo. Nên gọi luân phiên thầy cô ra đề để tránh tình trạng đoán được đề và trao đổi riêng, tham khảo giữa các giáo viên.

“Để có được đề thi học sinh giỏi chất lượng, trước hết cần bám sát chương trình môn học, phù hợp với tiến độ thời gian thi, bảo đảm đúng cấu trúc ma trận đề đã thống nhất. Câu hỏi trong đề rõ ràng, không gây tranh cãi, phù hợp với đối tượng và cập nhật vấn đề thực tiễn mang tính tích cực”, cô Vũ Thị Anh chia sẻ kinh nghiệm.

Có quan điểm tương tự, ông Võ Thanh Vương Đạo nhấn mạnh việc lựa chọn giáo viên ra đề có uy tín, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp tốt. Quán triệt đầy đủ về trách nhiệm và quy trình ra đề thi, bảo đảm đề thi được chọn khách quan. Không mời người ra đề là giáo viên đang tham gia bồi dưỡng đội tuyển, có học sinh tham gia kỳ thi. Nên ưu tiên chọn chuyên viên sở GD&ĐT phụ trách chuyên môn. Đối với trường hợp đặc biệt phải chọn giáo viên của trường thì tổ chức làm nhiều câu hỏi hơn so với yêu cầu để chọn ngẫu nhiên lại đề chính thức, đề dự bị. Cùng với đó, tổ chức cách ly triệt để và phản biện đề thi đúng quy định.

“Trong các năm tới, Sở GD&ĐT Bến Tre sẽ từng bước thẩm định và xây dựng ngân hàng câu hỏi đủ lớn để tăng tính khách quan trong lựa chọn nội dung xây dựng đề thi”. Thông tin điều này, ông Võ Thanh Vương Đạo đồng thời chia sẻ những việc cần làm để nâng cao chất lượng kỳ thi học sinh giỏi. Trong đó có việc đề xuất chính sách cho giáo viên bồi dưỡng học sinh dự thi trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường lựa chọn, tổ chức bồi dưỡng có chất lượng để học sinh cố gắng học tập, tham gia dự thi.

Tôn vinh, khen thưởng thầy cô có cố gắng trong tự bồi dưỡng chuyên môn, đóng góp hiệu quả trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Đề nghị khen thưởng, tôn vinh kịp thời học sinh đoạt giải cao để khuyến khích các em học tập, tham gia dự thi. Hoàn thiện Quy chế thi. Quy định rõ quy trình, nghiệp vụ, bảo đảm có sự kiểm tra, giám sát nghiêm túc. Quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ của mỗi người tham gia các khâu của kỳ thi. Lựa chọn chuyên viên, giáo viên có tinh thần trách nhiệm cao, đạo đức tốt để tham gia công tác thi…

“Kỳ thi học sinh giỏi góp phần thúc đẩy việc cải tiến, nâng cao chất lượng dạy - học, công tác quản lý chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục. Đồng thời, phát hiện người học có năng khiếu, đủ năng lực, trình độ, phẩm chất, có tư duy độc lập sáng tạo, kỹ năng vận dụng kiến thức linh hoạt. Do đó, không thể đánh giá chất lượng kỳ thi chỉ qua số lượng giải mà phải hình thành phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi; động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi, có niềm đam mê với bộ môn”. Ông Võ Văn Hiếu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ