TP.HCM: Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 12 khơi gợi sự sáng tạo

GD&TĐ - Nhiều giáo viên, học sinh dành lời khen cho đề thi Ngữ văn lớp 12 tại kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố năm học 2020-2021.

Cô và trò Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức) trao đổi sau khi kết thúc kỳ thi. Ảnh Thảo Nguyên
Cô và trò Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức) trao đổi sau khi kết thúc kỳ thi. Ảnh Thảo Nguyên

Ngày 17/3, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 và 12 cấp thành phố năm học 2020-2021 với sự tham gia của hơn 11.000 em. Kết thúc thời gian làm bài, đề khi môn Ngữ văn lớp 12 nhận được sự đánh giá cao của giáo viên, học sinh.

Chủ đề của đề thi nói về tuổi trẻ chông chênh và sứ mệnh của văn chương. Đề gồm 2 câu hỏi tương ứng với phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Đề thi học sinh giỏi lớp 12 cấp thành phố năm học 2020-2021
Đề thi học sinh giỏi lớp 12 cấp thành phố năm học 2020-2021

Em Ngô Hoàng Khả Tú, lớp 12 Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức) tham gia thi tại điểm thi Trường THPT Gia Định (Quận Bình Thạnh) chia sẻ, đề năm nay mang đậm hơi thở cuộc sống, gắn với lứa tuổi của chúng em-tuổi 18 trước những thay đổi của cuộc sống. 

Theo Khả Tú, em đưa ra quan điểm rằng em không đồng tình với những suy nghĩ của bạn trẻ nói trên, mà em đề cao những mặt tích cực mà thời đại 4.0, xã hội ngày nay mang lại cho mọi người và cho chính chúng em. Với em, chủ đề này rất hay, xuyên suốt, cho thí sinh thoải mái bày tỏ, thể hiện những suy nghĩ, cảm nhận của mình. Từ đó, ý thức được những bài học cho bản thân.

Nhận xét về đề Ngữ văn lớp 12 năm nay, thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1) cho rằng, chủ đề của đề thi nhất quán giữa cả hai phần nghị luận XH và nghị luận văn học- theo hướng một chủ đề nên rất hay.

 Cách ra đề này TP.HCM đã làm trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm 2020 được mọi người rất khen ngợi. Và một lần nữa cách ra đề này tiếp tục được phát huy, tạo sự thích thú cho học sinh, giáo viên.

Vấn đề đặt ra trong đề thi rất mở,  khơi gợi cho học sinh, nhất là những em học sinh giỏi có nhiều “đất” để bộc lộ quan điểm, tư duy mới mẻ của mình trong bối cảnh  thế giới có nhiều sự đổi thay, sự ảnh hưởng của công nghệ, để từ đó người trẻ biết được mình cần cái gì, giữ lại cái gì.

Thầy Đức Anh rất tâm đắc câu nghị luận xã hội (câu 1),  phần nội dung rất hay, hình thức đặt câu hỏi cũng rất sáng tạo, mang tính mở. Cụ thể: “Anh/chị có đồng ý với suy nghĩ của bạn trẻ trên? Hãy viết  bài văn đối thoại với bạn trẻ ấy”.

Học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố lớp 12 năm học 2020-2021 sáng 17/3. Ảnh minh hoạ T.N
Học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố lớp 12 năm học 2020-2021 sáng 17/3. Ảnh minh hoạ T.N

Nghĩa là các em không cần phải rập khuôn làm một bài văn với mở bài, thân bài, kết luận mà hoàn toàn linh hoạt, sáng tạo trong cách thể hiện. Có thể đối thoại, tranh biện giữa hai nhân vật với nhau để làm toát lên quan điểm của mình.

“Đây chính là cách “mở đường” cho sự sáng tạo của học sinh và cũng với mục đích là tìm ra được những học sinh giỏi thực sự”, thầy Đức Anh nhấn mạnh.

Câu nghị luận văn học nói về sứ mệnh, chức năng của văn chương khá gần gũi với các em, bằng chính sự trải nghiệm của các em  trong quá trình học tập, đọc các tác phẩm.

Có thể thấy trong bối cảnh hiện nay, nhiều người, trong đó có các bạn trẻ chạy theo nhiều giá trị khác nhau mà quên đi những giá trị của văn chương, nhưng giá trị của nó thì vẫn ở đó, trường tồn. Văn chương làm cho con người có tâm hồn đẹp hơn, bình yên hơn, sức mạnh của văn chương chưa bao giờ phai mờ.

Với câu hỏi này, học sinh  cảm nhận được những giá trị của văn chương với bản thân trong học tập, cuộc sống. Đề thi ở phần này không phải là vấn đề gì đó quá xa vời, lớn lao để các em phải gồng lên viết, mà lại rất gần gũi, vì các em đã trải nghiệm.

“Đề này rất dễ thương, với cả một người đã đi qua tuổi 18 rất lâu, vì tuổi nào cũng có những chông chênh và tuổi nào cũng cần đọc văn để níu giữ đỡ nâng những điều thiêng liêng sâu thẳm”, thầy Đức Anh chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo thầy Đức Anh, là một giáo viên Ngữ văn, là người làm giáo dục, thầy rất trân trọng những thay đổi trong cách ra đề mang tính sáng tạo, gần gũi, thiết thực của ban ra đề đối với môn Ngữ văn trong thời gian qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.