Thấy gì từ đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2023 môn Ngữ văn?

GD&TĐ - Trong thời lượng 120 phút, đề thi tham khảo Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 giữ nguyên hai phần như cấu trúc đề thi từ năm 2017 tới nay.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhận xét về đề tham khảo môn Ngữ văn, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 Bộ GD&ĐT vừa công bố, TS. Trịnh Thu Tuyết, Hệ thống giáo dục Hocmai cho rằng: Đề cơ bản vẫn giữ đúng cấu trúc và kiểu dạng câu hỏi như đề tham khảo năm 2022 và đề thi chính thức môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Vẫn trong thời lượng 120 phút, đề thi giữ nguyên hai phần như cấu trúc đề thi THPT quốc gia/thi tốt nghiệp THPT từ năm 2017 tới nay: phần Đọc hiểu (3,0 điểm), phần Làm văn hai câu, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội 2 điểm, bài nghị luận văn học 5 điểm. Đó là cấu trúc quen thuộc, phù hợp với tâm lí, nhận thức của học trò.

Phần Đọc hiểu gồm ngữ liệu đọc hiểu là một đoạn thơ, nằm ngoài chương trình sách giáo khoa phổ thông, sau đó là 4 câu hỏi đọc hiểu, được phân loại theo các cấp độ nhận thức đã được giảm tải.

Phần Đọc hiểu trong đề thi tham khảo: Câu 1 hỏi về một yếu tố thuộc hình thức văn bản (thể thơ). Câu 2 hỏi một chi tiết nội dung: “Chỉ ra những từ ngữ diễn tả đời sống nghèo khó, vất vả của người mẹ” trong đoạn thơ 5 câu.

Câu hỏi 3 chạm vào mức độ thông hiểu khi yêu cầu “Nêu nội dung của hai dòng thơ”. Với câu hỏi này, theo TS Trịnh Thu Tuyết, hoàn toàn có thể kết hợp hai mức độ thông hiểu và vận dụng nếu yêu cầu thí sinh xác định, phân tích hiệu quả biểu đạt, biểu cảm của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ. Từ đó, các em vẫn tìm ra nội dung, nhưng có vấn đề cụ thể để suy ngẫm và câu trả lời có thể đem tới sự hứng thú, chất lượng hơn là cách trả lời chung chung.

Câu 4 là câu hỏi vận dụng cao khi yêu cầu “Nhận xét về hình ảnh dân tộc Việt Nam trong đoạn trích” – tính chất khái quát phù hợp với mức độ vận dụng cao, nhưng có thể khó tránh khả năng xuất hiện những câu trả lời “như mẫu”.

Phần Làm văn, câu nghị luận xã hội vẫn không thay đổi với yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ. Nội dung nghị luận vẫn là một khía cạnh của vấn đề có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với nội dung ngữ liệu của phần Đọc hiểu trước đó. Đó cũng là những kỹ năng đã quá quen thuộc với học trò trong quá trình ôn luyện của cả cấp học THPT. “Tinh thần vượt khó” cũng là vấn đề quen thuộc với học trò.

Câu nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất, 5 điểm, cũng là dạng bài mang tính truyền thống, được thầy trò cấp THPT đầu tư rất nhiều tâm huyết, thời gian…

Theo đề tham khảo năm nay, vấn đề xác định phạm vi kiến thức và kỹ năng trong câu nghị luận văn học khá rành mạch khi đặt ra yêu cầu trong hai ý của câu lệnh: Phân tích đoạn thơ tứ bình trong Việt Bắc và nhận xét về lẽ sống ân nghĩa được thể hiện trong đoạn trích.

Cả hai yêu cầu trong câu lệnh đều là những nội dung kiến thức cơ bản của đoạn trích Việt Bắc, câu nghị luận văn học theo hướng này sẽ không hề làm khó thí sinh.

Nhìn chung, đề tham khảo môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2022 – 2023 không có thay đổi đột biến nào so với mô hình đề thi mấy năm nay.

Đó sẽ là những định hướng đem lại sự yên tâm, cảm giác an toàn cho thầy và trò các trường phổ thông trong thời gian ôn luyện sắp tới.

Bộ GD&ĐT vừa công bố Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29, 30/6. Trong đó: Ngày 27/6/2023 là ngày làm thủ tục dự thi. Tổ chức coi thi vào 2 ngày 28, 29/6/2023. Ngày 30/6 là ngày thi dự phòng.

Để chuẩn bị tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Bộ GD&ĐT đã dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung quy chế thi hiện hành theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo tổ chức thi và đang xin ý kiến các chuyên gia và dư luận xã hội.

Theo đó, phương thức tổ chức thi và các quy định cơ bản như bài thi, ra đề thi, coi thi, chấm thi, cách tính điểm xét tốt nghiệp, phúc khảo...về cơ bản giữ nguyên như các năm 2021, 2022. Chỉ thực hiện điều chỉnh một số nội dung mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ để tăng cường kỷ cương, nền nếp phòng thi, đáp ứng tốt hơn yêu cầu tổ chức Kỳ thi an ninh, an toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.