Xây dựng chương trình ôn tập, ngân hàng đề thi bám sát đề tham khảo
Công tác ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 được Trường THPT Đặng Trần Côn, Thừa Thiên - Huế xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ từ đầu năm học với nhiều giải pháp. Kế hoạch ôn thi được triển khai theo 3 giai đoạn (từ đầu năm học, đầu học kỳ II và sau khi kết thúc học kỳ II).
Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Hiền, trước khi Bộ GD&ĐT công bố đề tham khảo, giáo viên nhà trường đã nghiên cứu đề tham khảo và đề thi chính thức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, cùng thực trạng năng lực học sinh để xây dựng nội dung, bộ đề ôn tập chung cho toàn khối từ đầu năm. Sau mỗi kỳ kiểm tra, giáo viên được yêu cầu tổng hợp, phân tích, đối sánh kết quả đạt được của học sinh ở lần gần nhất; tìm nguyên nhân nếu có sự chênh lệch để rà soát, điều chỉnh phương pháp dạy và học. Trong quá trình kiểm tra định kỳ theo kế hoạch, ôn thi, trường tổ chức đan xen 2 lần thi thử tốt nghiệp THPT...
Tại Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên), thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đức Hồng cho biết: Ngay sau khi có đề tham khảo, nhà trường đã yêu cầu các giáo viên dạy lớp 12 nghiên cứu cấu trúc đề để nắm bắt được các nội dung cốt lõi trong đề thi. Trên cơ sở đó, thầy cô xây dựng đề cương ôn tập cho học sinh khối 12 trong giai đoạn ôn tập nước rút. Nhà trường đồng thời giao các tổ nhóm bộ môn xây dựng các đề tương tự cho học sinh làm thử, giúp các em vững kiến thức và kỹ năng làm bài.
Việc tổ chức nghiên cứu và phân tích đề tham khảo cũng được các giáo viên Trường THPT chuyên Quốc học (Thừa Thiên - Huế) thực hiện, từ đó xác định trọng tâm chương trình, cấu trúc đề, cấp độ của các câu hỏi… Trên cơ sở phân tích đề tham khảo, các tổ chuyên môn sẽ phân công xây dựng chương trình ôn tập, ngân hàng đề thi thử sao cho sát với đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT. Sau đó, lên kế hoạch tổ chức ôn tập cho học sinh khối 12. “Nhà trường đồng thời tổ chức thi thử từ 2 đến 3 lần vào các thời điểm khác nhau để giáo viên đánh giá, nhận xét về năng lực của từng học trò; qua đó học sinh điều chỉnh kế hoạch ôn tập để bước vào kỳ thi chính thức một cách tự tin nhất” - thầy Nguyễn Phú Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc học thông tin.
Tương tự, Trường THPT Nam Đàn, Nghệ An cũng nhanh chóng cho giáo viên, học sinh tiếp cận đề thi tham khảo. Thông tin từ cô Trịnh Thị Diệu Thúy, Hiệu trưởng nhà trường, các tổ nhóm chuyên môn của trường đã nghiên cứu thảo luận cấu trúc đề thi so với đề thi tốt nghiệp và minh họa năm 2021, từ đó tiến hành điều chỉnh kế hoạch ôn tập. Cụ thể, bổ sung điều chỉnh các đề hướng dẫn ôn luyện, các đề thi thử và đề cương ôn tập từng chủ đề để sát với đề thi tham khảo. Với học sinh khá giỏi, nhà trường chú ý các câu hỏi nâng cao, hướng dẫn học sinh phân tích cách làm đề thi (từ cập nhật kiến thức đến kỹ năng giải, phương pháp làm bài…) sao cho đạt kết quả cao nhất.
Dự phòng phương án khi dịch bệnh phức tạp
Chuẩn bị kiến thức, tâm thế cho học sinh trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) đã dạy tăng cường theo nguyện vọng của học sinh với 3 đợt. Đợt 1 từ 18/10/2021 - 31/12/2021, tổ chức ôn tập 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Đợt 2 từ 17/1/2022 - 9/4/2022, tổ chức ôn tập 6 môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và tổ hợp môn tự chọn (Vật lý, Hóa học, Sinh học; hoặc Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân theo lựa chọn của học sinh). Đợt 3 từ 18/4/2022 - 25/6/2022, tổ chức ôn tập toàn bộ 9 môn thi tốt nghiệp.
Theo thầy Hiệu trưởng Trịnh Nguyễn Thi Bằng, toàn bộ nội dung, phương pháp ôn tập, trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường, tổ nhóm chuyên môn, giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm… đều được quy định cụ thể, chi tiết trong kế hoạch chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của nhà trường. Trong đó đã tính đến các hình thức tổ chức trực tiếp tại trường, hoặc trực tuyến, tùy theo tình hình dịch bệnh Covid-19.
Nhằm chuẩn bị tốt cho học sinh về kiến thức, kỹ năng và tâm lý khi bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Lê Văn Tính, Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Giáo dục Thường xuyên, Sở GD&ĐT Quảng Trị, cho hay: Sở GD&ĐT sớm có hướng dẫn gửi các nhà trường. Một trong những nội dung được sở GD&ĐT nhấn mạnh là cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức tự nguyện, tự giác cho học sinh tham gia ôn tập; triển khai các giải pháp phù hợp với từng nhóm nhằm phát huy cao nhất hiệu quả ôn tập cho học sinh lớp 12.
Trong đó, thực hiện rút kinh nghiệm công tác tổ chức ôn tập cho học sinh ở Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, trước mắt tập trung nghiên cứu đề thi tham khảo do Bộ GD&ĐT ban hành hằng năm và đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 để phân bố về nội dung thi (theo khối lớp, chương/chủ đề/dạng bài tập, câu hỏi…); kỹ năng được yêu cầu; mức độ nhận thức; số lượng câu hỏi tương ứng. Từ kết quả phân tích, xây dựng ma trận đề thi tham khảo đối với từng bộ môn và để xác định rõ các yêu cầu về nội dung, kiến thức, kỹ năng làm cơ sở xây dựng kế hoạch ôn tập, ra đề tự luyện và đề thi thử cho học sinh.