Đề tham khảo thi TN THPT môn Tiếng Anh chú trọng năng lực đọc hiểu

GD&TĐ - Nhiều giáo viên nhận định, đề tham khảo môn Tiếng Anh chú trọng năng lực đọc hiểu của thí sinh, muốn giành điểm cao cần rèn luyện nhiều về từ vựng.

Học sinh lớp 12 sẽ cần có sự thay đổi về phương pháp học tập để sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Ảnh minh họa: Đình Tuệ.
Học sinh lớp 12 sẽ cần có sự thay đổi về phương pháp học tập để sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Ảnh minh họa: Đình Tuệ.

Yêu cầu nắm chắc ngữ pháp

Theo cô Phạm Thị Liên - Tổ trưởng chuyên môn Tiếng Anh, Trường THPT Vị Xuyên (Hà Giang), đề tham khảo gồm 40 câu hỏi với 6 dạng khác nhau, gồm đọc điền thông báo, đọc điền tờ rơi, sắp xếp hội thoại/ lá thư/ đoạn văn, đọc điền khuyết thông tin, đọc hiểu 8 câu, đọc hiểu 10 câu.

Các câu hỏi chủ yếu tập trung vào kỹ năng đọc hiểu và đọc điền. Cấu trúc này có sự khác biệt so với cấu trúc định dạng đề minh họa kiểm tra Chương trình GDPT 2018 được Bộ GD&ĐT công bố ngày 29/12/2023, phù hợp với mục tiêu xét tuyển của các trường đại học hơn là mục tiêu thi tốt nghiệp THPT.

Phần đọc hiểu và đọc điền yêu cầu học sinh có vốn từ vựng phong phú và khả năng suy luận, phân tích tốt. Một số câu hỏi có độ khó cao, yêu cầu học sinh phải vượt qua mức trình độ B1, vốn là mức các em được kỳ vọng đạt được ở bậc THPT.

anh-1-7097.jpg
Một tiết dạy trên lớp của cô Phạm Thị Liên - Tổ trưởng chuyên môn Tiếng Anh, Trường THPT Vị Xuyên (Hà Giang). Ảnh: NVCC.

Do đề thi tập trung phần lớn vào kỹ năng đọc (35/40 câu), học sinh ở những khu vực có điều kiện tiếp cận tài liệu Tiếng Anh hạn chế có thể gặp khó khăn. Điều này có thể tạo ra sự khác biệt về kết quả giữa các khu vực. Do đó, cần có sự cân nhắc để đảm bảo tính công bằng cho thí sinh trên cả nước.

Ở phần đọc hiểu: Các đoạn văn tương đối dài, với nhiều câu hỏi đòi hỏi học sinh không chỉ hiểu các chi tiết mà còn cần khả năng suy luận dựa trên ngữ cảnh. Thí sinh phải nắm chắc các từ vựng không chỉ trong SGK mà còn cần có vốn từ vựng, đặc biệt là từ ngữ học thuật thì mới có thể hoàn thành tốt phần này.

Số lượng câu hỏi bài đọc hiểu dài hơn, một số câu hỏi khác lạ so với form cũ như điền câu vào đoạn phù hợp (câu 31), paraphrasing (câu 38) và câu tóm tắt bài đọc dài và khó (câu 40).

Phần đọc điền: Dạng bài này nhiều câu ở mức độ khó, yêu cầu học sinh nắm chắc ngữ pháp và từ vựng, đồng thời phải hiểu rõ ngữ cảnh của đoạn văn để chọn từ phù hợp. Điều này đòi hỏi thí sinh có khả năng tư duy tổng hợp về ngữ pháp và ngữ nghĩa.

"Các câu hỏi ngữ pháp và từ vựng chủ yếu mức độ nhận biết và thông hiểu. Một số câu hỏi từ vựng trong phần này có mức độ vận dụng, yêu cầu học sinh không chỉ hiểu từ vựng mà còn phải biết cách sử dụng từ một cách chính xác trong các ngữ cảnh cụ thể", cô Phạm Thị Liên nhận định.

Chú trọng đánh giá năng lực học sinh

anh-2-8303.jpg
Cô Bùi Thị Phương Tú - giáo viên Tiếng Anh Trường THPT Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: NVCC.

Cô Bùi Thị Phương Tú - giáo viên Tiếng Anh Trường THPT Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá cho rằng, đề tham khảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 môn Tiếng Anh chú trọng vào việc đánh giá năng lực đọc của học sinh thông qua ba mức độ tư duy: Biết, hiểu và vận dụng.

Đề chú trọng vào năng lực đọc giúp học sinh mở rộng vốn từ vựng, hiểu ngữ pháp trong ngữ cảnh và đánh giá được khả năng sử dụng Tiếng Anh. Tuy nhiên, đề thi đã có nhiều sự thay đổi đáng kể so với đề minh họa trước đó dành cho khối 10.

Cụ thể, đề thi không còn phần về phát âm, trọng âm, hay các câu trắc nghiệm ngữ pháp đơn lẻ. Thay vào đó, đề được cấu trúc thành ba dạng chính: Hoàn thành văn bản (Text completion), sắp xếp thứ tự (Sequencing), đọc hiểu (Reading comprehension).

Đặc biệt, phần đọc hiểu yêu cầu nhiều kỹ năng đọc hơn so với những năm trước, bao gồm: diễn giải lại (Paraphrasing), tóm tắt (Summarizing), xác định vị trí thông tin chi tiết và điền câu phù hợp vào đoạn văn.

2
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Đình Tuệ.

"So với đề minh họa dành cho khối 10, cấu trúc đề tham khảo năm nay phức tạp hơn, nhấn mạnh vào khả năng tư duy và phân tích của học sinh. Điều này khiến học sinh cần nhiều kỹ năng và thời gian ôn luyện hơn để đáp ứng yêu cầu của bài thi", cô Phương Tú nhấn mạnh thêm.

Dù vậy, sự thay đổi này sẽ tạo ra nhiều khó khăn, đặc biệt đối với học sinh ở các vùng nông thôn, miền núi, nơi điều kiện tiếp cận tài liệu và phương pháp học mới còn nhiều hạn chế.

Học sinh khối 12 sẽ có ít thời gian để chuẩn bị cho kỳ thi do phải cân đối giữa việc học nhiều môn và ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp, cùng với việc chưa quen với cấu trúc đề mới khiến việc ôn tập có thể gặp nhiều trở ngại.

Năm 2025 là năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018, cả học sinh lẫn giáo viên đều phải bắt nhịp trước sự thay đổi này. Điều này đòi hỏi phải thay đổi cách tiếp cận trong quá trình ôn tập để đáp ứng các yêu cầu mới của đề thi.

Đề thi tham khảo môn Tiếng Anh chú trọng vào kỹ năng đọc hiểu và đọc điền, với độ khó tăng ở các phần yêu cầu suy luận và vốn từ vựng phong phú. Độ khó của đề có thể sẽ dẫn đến sự khác biệt trong kết quả thi giữa các khu vực. Vì vậy, nhiều giáo viên mong muốn Bộ GD&ĐT nên cân nhắc xem xét việc điều chỉnh cấu trúc và nội dung đề thi thật để đảm bảo việc đánh giá khách quan, công bằng cho mọi học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.