Sớm công bố đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT: Chủ động dạy học, ôn tập

GD&TĐ - Nhà trường, giáo viên, học sinh chủ động trong hoạt động ôn tập khi đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT sớm được công bố.

Thí sinh Hà Nội tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Xuân Phú
Thí sinh Hà Nội tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Xuân Phú

Việc Bộ GD&ĐT xây dựng, sớm công bố đề thi tham khảo có tính ổn định trong nhiều năm là tin vui, giúp các nhà trường, giáo viên, học sinh chủ động trong hoạt động ôn tập, dạy và học; từ đó nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp THPT.

Thay đổi thiết thực

Thầy Vũ Ngọc Hòa - Trường THPT Ngô Quyền (Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, còn không ít giáo viên, học sinh chưa tự tin trong ôn thi vì đây là năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018. Do đó, việc Bộ GD&ĐT ban hành đề tham khảo, có đáp án chi tiết vô cùng cần thiết.

Với đề tham khảo, các sở GD&ĐT sẽ chủ động chỉ đạo kiểm tra, đánh giá; nhà trường, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học, biên soạn bài, biên soạn đề bám sát ma trận nội dung cần kiểm tra đánh giá; học sinh có sự chuẩn bị sẽ yên tâm ôn tập hơn.

Đặc biệt, đề thi tham khảo ổn định trong nhiều năm là hợp lý, phù hợp với tình hình giáo dục hiện nay. Khi đó, học sinh có thể dựa vào đề tham khảo để định hướng ôn tập, chuẩn bị kiến thức, kỹ năng một cách hệ thống và hiệu quả hơn, không phải lo lắng về những thay đổi trong cấu trúc đề thi. Giáo viên dựa vào đề tham khảo để điều chỉnh, xây dựng nội dung giảng dạy, bám sát yêu cầu của đề thi, tránh lệch trọng tâm; từ đó nâng cao chất lượng dạy học, tập trung vào những kiến thức cốt lõi, cần thiết.

“Đề minh họa mang tính ổn định, có thể dùng nhiều năm còn tăng tính minh bạch, công bằng và giảm áp lực tâm lý cho thí sinh. Khi biết trước cấu trúc và xu hướng ra đề, học sinh có thể ôn tập với tinh thần thoải mái hơn, giảm thiểu lo lắng trong quá trình chuẩn bị cho kỳ thi.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng cần chú trọng tới việc đảm bảo tính đa dạng và sáng tạo trong đề thi, tránh tình trạng học sinh học tủ, học lệch. Giáo viên, học sinh cũng mong Bộ có hướng dẫn chi tiết đối với những câu hỏi mức độ vận dụng cao”. Chia sẻ điều này, thầy Vũ Ngọc Hòa cho biết, hiện nay, công tác ôn tập cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT được nhà trường triển khai và sẽ có điều chỉnh phù hợp hơn sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề tham khảo.

Theo thầy Trang Minh Thiên - Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cần Thơ), dù cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT đã công bố nhưng vẫn cần có đề thi tham khảo để giúp giáo viên và học sinh có cái nhìn rõ ràng hơn về cấu trúc đề thi, từ đó có thể xây dựng kế hoạch ôn tập hiệu quả hơn.

Đặc biệt đối với các môn mới như Công nghệ và Tin học, việc công bố đề thi tham khảo với kiến thức lớp 12 càng cần thiết. Đề tham khảo giúp giáo viên, học sinh hiểu rõ hơn về mức độ khó, dạng câu hỏi và cách thức ra đề, ôn tập một cách có hệ thống và hiệu quả hơn, có định hướng ôn tập ngay từ đầu.

Khi có đề thi tham khảo, học sinh sẽ tự tin, giảm bớt lo lắng, áp lực trong quá trình ôn tập, thi cử; đồng thời tự đánh giá năng lực, nhận biết được điểm mạnh - yếu để có kế hoạch cải thiện kịp thời và lựa chọn môn thi phù hợp.

Thầy Trang Minh Thiên cũng đánh giá cao việc đề thi tham khảo được xây dựng và ổn định trong nhiều năm đồng thời cho rằng điều này có nhiều lợi ích. Theo đó, giáo viên, học sinh có thể xây dựng kế hoạch ôn tập dài hạn, không phải lo lắng về sự thay đổi đột ngột trong cấu trúc đề thi.

Giáo viên tập trung giảng dạy, ôn tập theo một hướng nhất định, giúp nâng cao chất lượng dạy - học. Đề thi ổn định giúp đảm bảo tính công bằng cho tất cả học sinh, không phân biệt vùng miền hay điều kiện học tập khác nhau.

“Trường THPT Nguyễn Việt Dũng đã tiến hành khảo sát, phân loại học sinh theo sự lựa chọn môn học. Giáo viên bộ môn nắm rõ việc lựa chọn của học sinh và có định hướng giảng dạy phù hợp, cũng như tham vấn, hỗ trợ những em còn khó khăn khi ôn tập, chọn môn thi”, thầy Trang Minh Thiên thông tin.

de-tham-khao-thi-tot-nghiep-thpt-4571.jpg
Giờ học tại Trường THPT Lam Kinh (Thanh Hóa). Ảnh: NTCC

Sẵn sàng kế hoạch

Tại Trường THPT Lục Nam (Lục Nam, Bắc Giang), công tác ôn tập cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT được triển khai đồng đều ở ba khối lớp. Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Phương Lan, từ đầu năm học, lãnh đạo nhà trường cho khảo sát nhu cầu, nguyện vọng ôn tập theo môn học các em lựa chọn.

Kế hoạch ôn tập được xây dựng từ sớm, phân phối số buổi ôn phù hợp với năng lực và khả năng tiếp nhận của học sinh. Nhà trường xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá nhằm nắm bắt chất lượng dạy học để có điều chỉnh hợp lý; đồng thời chỉ đạo giáo viên bộ môn xây dựng kế hoạch ôn thi, bài dạy có sự phân hóa với nhiều đối tượng trong một lớp. Thường xuyên kiểm tra, thăm dò nhu cầu, nguyện vọng của học sinh; có những thay đổi hợp lý với nguyện vọng của các em khi muốn đổi môn ôn thi tốt nghiệp.

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề tham khảo, cô Nguyễn Phương Lan cho biết, về cơ bản việc ôn tập vẫn diễn ra theo kế hoạch. Tuy nhiên, nhà trường sẽ chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn nghiên cứu cấu trúc đề tham khảo của Bộ GD&ĐT, từ đó có sự định hướng, điều chỉnh kế hoạch dạy học, bổ sung câu hỏi bám sát cấu trúc đề, nhất là một số dạng thức mới. Các tổ, nhóm chuyên môn cũng bắt tay xây dựng bộ đề tham khảo, bám sát theo cấu trúc đề của Bộ GD&ĐT, tạo ngân hàng đề cho học sinh.

“Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo với kiến thức lớp 12 là cần thiết, đáp ứng mong muốn của giáo viên, học sinh và phụ huynh”. Khẳng định điều này, thầy Trần Văn Hân - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp) thông tin, nhà trường đã bố trí lớp chính khóa đảm bảo thực hiện chương trình và chú trọng định hướng ôn tập 2 môn Ngữ văn, Toán; đồng thời bố trí các tiết trái buổi theo 2 môn tự chọn học sinh dự kiến đăng ký thi tốt nghiệp. Thầy cô tăng cường cho học sinh quen dần các dạng thức trong cấu trúc đề thi của Bộ GD&ĐT với mức độ phù hợp.

Khi có đề tham khảo, nhà trường sẽ yêu cầu giáo viên sớm nghiên cứu, phân tích và tiếp tục bổ sung vào kế hoạch ôn tập phù hợp với bộ môn. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên được tham gia bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nhất là các nội dung liên quan đến đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Bộ GD&ĐT đã công bố cấu trúc, định dạng đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 từ năm học 2023 - 2024, đây là dạng đề mới nên nhiều học sinh còn bỡ ngỡ, đang dần làm quen. Có thể khẳng định học sinh chưa thể tự tin ôn tập trước dạng đề mới. Bởi vậy, nguyện vọng của thầy cô và học sinh là Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo với kiến thức lớp 12. Đây là căn cứ để học sinh có kế hoạch và phương pháp ôn tập đạt kết quả cao nhất.

Đề tham khảo ổn định giúp giáo viên xây dựng được kế hoạch bài dạy và định hướng ôn tập ngay từ đầu năm. Học sinh yên tâm, có định hướng ôn tập rõ ràng, kế hoạch học tập chủ động, yên tâm đón nhận kỳ thi đổi mới. Các nhà trường thì có căn cứ xây dựng chiến lược nâng cao chất lượng dạy học và kiểm tra đánh giá ổn định theo từng năm học. - Cô Nguyễn Phương Lan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.