Thấy Hoàng Đăng Thưởng cho biết, nội dung của đề thi tham khảo môn Toán gồm kiến thức lớp 10, 11 và 12, tập trung chủ yếu là lớp 12.
Cụ thể, có 45 câu hỏi trực tiếp thuộc lớp 12; 5 câu thuộc lớp 11. Tuy nhiên câu 49 cũng có thể là của lớp 10 nếu sử dụng kiến thức về bất đẳng thức, đại số lớp 10 để giải quyết; cũng có thể coi là hoàn toàn kiến thức lớp 12 nếu sử dụng kiến thức về giải tích để giải quyết.
Tất cả các nội dung được đề cập trong đề đều nằm trong nội dung chương trình THPT, không có nội dung giảm tải.
Số lượng câu hỏi ở mức độ biết và hiểu là 30 câu - nhiều hơn 5 câu so với đề năm 2018; số lượng câu hỏi mức độ vận dụng – vận dụng cao khoảng 20 câu - ít hơn 5 câu so với đề năm 2018.
Đánh giá chung về đề tham khảo, thầy Tạ Minh Đức nhận định các câu hỏi trong đề “mềm mại” hơn, “dễ chịu” hơn, không có câu nào đánh đố hay quá khó đối với học sinh giỏi Toán thực sự.
Có nhiều câu hỏi định tính yêu cầu học sinh nắm vững, sâu lí thuyết; các câu hỏi không cồng kềnh, phần định lượng khá nhẹ nhàng, không yêu cầu tính toán “cơ bắp”.
Tuy nhiên, một số câu hỏi (chẳng hạn câu 42, câu 45), khi đọc xong, có thể, một cách tự nhiên học sinh sẽ làm ngay theo kiểu tự luận “cơ bắp”, sẽ tốn nhiều thời gian, trong khi có cách tiếp cận khác nhẹ nhàng hơn, tinh tế hơn, tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
Thầy Tạ Minh Đức cho rằng, đây cũng có thể là ý đồ của đề để đánh giá, phân loại được những học sinh có năng lực giỏi toán thực sự.
Ngoài ra, một số câu hỏi (chẳng hạn câu 32, 39, 40, 43), dù không khó, nhưng nếu học sinh không có tính cẩn thận, không nắm chắc kiến thức thì vẫn có thể chọn đáp án là phương án nhiễu.
Cả hai thầy đều đánh giá, với đề thi như công bố, về phổ điểm, học sinh trung bình có đạt được khoảng 5 đến 6; học sinh trung bình khá đạt được từ 6 đến 7 điểm; học sinh khá đạt được từ 7 – 8 điểm; học sinh giỏi đạt được 8 – 9 điểm; học sinh xuất sắc đạt được trên 9 điểm. Thí sinh dễ đạt điểm tuyệt đối hơn so với đề thi năm 2018.