Về nét ổn định, ThS Nguyễn Thị Xuân Mai nhận định: Cấu trúc đề thi, thang điểm và nội dung cơ bản ổn định, không thay đổi so với đề thi THPT quốc gia 2018. Điều này giúp ổn định tâm lý giáo viên và học sinh.
Cụ thể, đề thi có hai phần:
Đọc hiểu (3.0 điểm) với 1 ngữ liệu ngoài chương trình sách giáo khoa và 4 câu hỏi theo các cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Cơ bản các câu đọc hiểu hay và phát huy được khả năng tư duy của học sinh.
Làm văn (7.0 điểm) với hai câu hỏi: Câu 1 (2.0 điểm) viết đoạn nghị luận xã hội về vấn đề được rút ra từ văn bản Đọc hiểu; câu 2 (5.0 điểm) viết bài nghị luận văn học bàn về chi tiết trong một tác phẩm văn xuôi. Về nội dung trong chương trình và không có độ khó như năm 2018.
Phân tích những nét khác biệt, ThS Nguyễn Thị Xuân Mai cho rằng: Câu 1 (Phần đọc hiểu) không đi vào nhận biết các vấn đề thuộc kiến thức lý thuyết tiếng Việt như: phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, thao tác lập luận, phương thức diễn đạt, thể thơ... mà nhận biết ngay một vấn đề có sẵn trong ngữ liệu đọc hiểu. Điều này giúp giảm bớt lượng kiến thức rất lớn về lý thuyết tiếng Việt.
Câu 4 (Phần đọc hiểu) khá hay và sáng tạo vì phát huy được tư duy phản biện của học sinh về vấn đề được đặt ra trong ngữ liệu, giúp học sinh có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về việc “từ bỏ lối sống an toàn” để có hành động đúng đắn và phù hợp.
Câu 1 (Phần Làm văn) viết đoạn nghị luận xã hội không đi vào trích dẫn một câu nói, ý kiến từ ngữ liệu đọc hiểu, mà bàn luận về thông điệp có ý nghĩa sâu sắc từ văn bản đọc hiểu bàn về “điều bản thân cần thay đổi để thành công trong cuộc sống”. Như vậy, câu hỏi này không làm khó học sinh về các khái niệm và từ ngữ khó hiểu.
Câu 2 (Phần Làm văn) viết bài nghị luận văn học. Đây là câu hỏi được chờ đợi nhiều nhất của giáo viên và học sinh để xem mức độ và tỉ lệ tích hợp với chương trình Ngữ văn lớp 10, Ngữ văn 11 như thế nào trong đề thi. Song đề tham khảo năm nay chỉ là dạng đề trung bình vừa sức học sinh, tập trung vào chương trình Ngữ văn 12, không có tích hợp hai chương trình Ngữ văn 10 và Ngữ văn 11. Nội dung đề đi vào các chi tiết trong tác phẩm văn học.
“Nhìn chung, đề tham khảo ổn định, vừa sức học sinh, tập trung vào mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp học sinh, không có tính chất đánh đố và gây khó khăn cho học sinh” - ThS Nguyễn Thị Xuân Mai nhận định.