Theo đó, đề tham khảo môn Ngữ văn 2019 vẫn giữ nguyên cấu trúc và thang điểm đề thi môn Ngữ văn năm 2017 và 2018 với 2 phần: Phần Đọc hiểu (3,0 điểm); Phần làm văn (7,0 điểm).
Phần Đọc hiểu vẫn sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, gồm 04 câu hỏi với các mức độ: Nhận biết (Câu 1); Thông hiểu (Câu 2,3); Vận dụng, Vận dụng cao (Câu 4).
Phần Làm văn gồm 02 câu: Câu 1 Viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) và Câu 2 viết bài văn nghị luận văn học (5,0 điểm).
Phần viết đoạn văn nghị luận xã hội vẫn giữ nguyên yêu cầu về hình thức và nội dung - không hỏi toàn bộ vấn đề mà chỉ hỏi một khía cạnh của vấn đề.
Phần viết bài văn nghị luận văn học: vẫn là phần thể hiện rõ nhất sự phân hóa của đề thi.
Về điểm mới so với đề năm 2018:
Phần Đọc hiểu: Vẫn gồm 4 câu hỏi nhưng tập trung vào kiểm tra năng lực đọc và hiểu mục đích, ý nghĩa văn bản và bày tỏ quan điểm. Không xuất hiện các câu hỏi kiểm tra kiến thức như: thao tác lập luận, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, biện pháp tu từ… như những năm trước.
Các câu hỏi cũng gắn với thực tiễn và không yêu cầu học sinh có sự học thuộc các kiến thức trong sách giáo khoa, học sinh không còn cần phải quá tập trung vào việc học các kiến thức như trước.
Phần làm văn: Nội dung được quan tâm nhất trong đề thi nằm ở câu 2 phần Làm văn - Câu nghị luận văn học. Đây là phần được điểm cao nhất trong bài (5,0 điểm), cũng là phần thể hiện rõ nhất sự phân hóa bài làm của thí sinh.
Theo đề tham khảo được công bố, nội dung hỏi của câu nghị luận văn học nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12, không có sự liên hệ tới kiến thức lớp 11 như đề năm 2018, không có nội dung kiến thức lớp 10 như phương án công bố trước đó.
Đề thi yêu cầu phân tích nhân vật người Vợ nhặt qua hai chi tiết, từ đó làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật. Soi chiếu cả nhân vật qua chi tiết nhỏ là một yêu cầu hay và khó, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức và kỹ năng mới có thể đáp ứng được.