Đề tham khảo môn Toán phù hợp với từng đối tượng học sinh

GD&TĐ - Để giúp học sinh tự tin chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt hiệu quả cao của bộ môn Toán các em cần đảm bảo kiến thức và có tâm lý vững vàng.

Ngày 22/03/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề tham khảo môn toán năm 2024. Qua tìm hiểu tôi nhận thấy các câu hỏi trong đề tham khảo quen thuộc như đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Số câu hỏi dễ và khó được phân đều cho các chủ đề.

Trong đó, có 38 câu chỉ ở mức độ nhận biết và thông hiểu, coi như là tái hiện kiến thức nên học sinh nào cũng làm được; có 4 câu ở mức độ vận dụng thấp, học sinh có chút tư duy và một vài phép toán là làm được; có 8 câu ở mức độ vận cao, đòi hỏi học sinh biết hình thành sâu chuỗi kiến thức, kèm theo lập luận, suy đoán và tính toán nhanh mới làm được.

Cụ thể, lớp 12 có 45 câu và lớp 11 có 5 câu. Ta đi tìm hiểu từng câu thuộc các chủ đề đó là: Chương ứng dụng đạo hàm để khảo sát và vẽ đồ thị có 11 câu (Gồm có: câu 1, câu 5, câu 6, câu 12, câu 17, câu 25, câu 32 câu 35, câu 40, câu 41 và câu 49) với câu 1, câu 5, câu 6, câu 12, câu 17, câu 25, câu 32 và câu 35 là đơn giản học sinh tự tin làm được, câu 40 là vận dụng thấp nên làm được, còn các câu 41 và câu 49 là vận dụng cao có tính toán kết hợp tư duy cao mới làm được.

Chương hàm số mũ, hàm số lôgarit, phương trình mũ và phương trình lôgarit có 8 câu (Gồm có: câu 3, câu 7, câu 11, câu 14, câu 15, câu 36, câu 39 và câu 46) với câu 3, câu 7, câu 11, câu 14, câu 15, câu 39 là dễ nên làm được, còn câu 46 là vận dụng cao có thực hiện một biến đổi để tính toán kết hợp suy luận mới làm được.

Chương nguyên hàm, tích phân và ứng dụng có 6 câu (Gồm có: câu 2, câu 18, câu 19, câu 24, câu 34 và câu 48) với câu 2, câu 18, câu 19, câu 24 và câu 34 là đơn giản nên làm được, còn câu 48 là vận dụng cao đòi hỏi tư duy kết hợp với tính toán mới làm được vì liên quan thể tích khối tròn xoay tính bằng tích phân.

Chương số phức có 6 câu (Gồm có: câu 9, câu 21, câu 28, câu 29, câu 42 và câu 47) với câu 9, câu 21, câu 28 và câu 29 là dễ nên làm được, còn câu 42 và câu 47 là vận dụng cao đòi hỏi tư duy suy, lập luận chặt chẽ kết hợp tính toán mới làm được.

Chương khối đa diện và thể tích của chúng có 3 câu (Gồm có: câu 13, câu 20 và câu 43) với câu 13, câu 20 là đơn giản nên làm được; còn câu 43 là vận dụng thấp cũng làm được.

Chương khối tròn xoay có 3 câu (Gồm có: câu 22, câu 26 và câu 45) với câu 22 và câu 26 là đơn giản học sinh vượt qua nhẹ nhàng; còn câu 45 là vận dụng cao đòi hỏi tư duy kết hợp với tính toán mới làm được vì nó là câu thực tế.

Chương phương pháp tọa độ trong không gian có 8 câu (Gồm có: câu 4, câu 8, câu 10, câu 16, câu 37, câu 38, câu 44 và câu 50) với câu 4, câu 8, câu 10, câu 16, câu 37, câu 37 và câu 38 là đơn giản vì không lắt léo nên làm được; còn câu 44 và câu 50 là vận dụng cao có tính toán và vẽ hình ra mới tìm được hướng giải.

Đối với chương trình lớp 11, phần tổ hợp có 1 câu ( câu 23), phần xác suất có 1 câu (câu 33), phần cấp số cộng có 1 câu (câu 7), phần khoảng cách và góc có 2 câu (câu 30 và câu 31); với những câu này đều dễ học sinh nhớ kiến thức là làm được, chỉ có câu xác suất có suy nghĩ một chút nhưng vẫn làm được.

Tóm lại, tôi rất tâm đắc với đề thi tham khảo của Bộ vì phù hợp với từng đối tượng học sinh; học sinh trung bình và yếu làm được từ 5 điểm đến 6 điểm, học sinh khá làm được từ 6 điểm đến 7,6 điểm, học sinh giỏi làm được từ 7,6 điểm đến 8.4 điểm, còn lại dành cho học sinh xuất sắc và có điểm tuyệt đối nhưng không nhiều.

Với những nhận xét nói trên, để giúp học sinh tự tin trong khâu ôn tập và chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt hiệu quả cao của bộ môn Toán thì các em học sinh cần đảm bảo kiến thức và có tâm lý vững vàng.

Kiến thức và làm bài thi

Học sinh cần xem lại những kiến thức nội dung đã học, ghi nhớ những công thức toán học và khắc sâu phương pháp làm bài của mỗi dạng toán.

Học sinh nên nhớ trong đề thi luôn có hai phần. Phần cơ bản chỉ tái hiện kiến thức thì chiếm khoảng 6 điểm, còn phần nâng cao thì có tư duy sáng tạo chiếm khoảng 4 điểm và tập trung vào các chuyên đề: Hàm số; Số phức; Phương trình, bất phương trình mũ và lôgarit; Tích phân; Phương pháp tọa độ trong không gian; Cấp số cộng và cấp số nhân; Tổ hợp, nhị thức và xác suất; Hình học không gian.

Như vậy, những học sinh có học lực yếu, trung bình thì làm phần cơ bản. Những học sinh khá, giỏi và xuất sắc thì làm thêm phần nâng cao. Toàn bộ kiến thức trong đề chủ yếu rơi vào kiến thức Toán 12 và một chút của lớp 11.

Trong quá trình ôn thi, các em học sinh hãy phân bổ thời gian trong việc ôn tập một cách hợp lý nhất, tránh trọng tâm quá nhiều vào một phần dẫn đến quá lan man trong kiến thức hoặc không dành đủ thời gian cho việc ôn tập những phần kiến thức khác.

Khi làm bài học sinh cần chọn câu dễ làm trước, những câu khó thì đọc đề thật kỹ rồi vạch những hướng làm ra nháp sau đó chọn cách làm thích hợp. Thường những câu khó thì phải tư duy để chọn cách giải tối ưu. Không được choáng ngợp khi thấy những bạn xung quanh xin nhiều giấy nháp mà phải tin tưởng vào bản thân mình. Nếu làm xong thì đọc lại bài để kiểm tra sai sót lần cuối.

Về mặt tâm lý

Yếu tố tâm lý rất quan trọng đối với mỗi học sinh. Kinh nghiệm cho thấy nếu học sinh học tốt nhưng hay hồi hộp, lo lắng và căng thẳng thì kết quả không đạt như mong muốn.

Để có tâm lý vững vàng học sinh cần lưu ý: Khi đi thi cần chuẩn bị dụng cụ đầy đủ và đến phòng thi sớm trước 15 phút để tinh thần thoải mái. Khi nhận đề thi thì đọc đề thật kỹ nhiều lần để tìm ra hướng giải cho từng câu. Nếu hồi hộp và hoang mang thì hít từng hơi thật sâu rồi thở ra từ từ hay nắm hai tay thật chặt vào nhau trở lại trạng thái bình thường.

Các em học sinh hãy tự tin vào bản thân mình vì có tới gần 38 câu nằm thuộc phần kiến thức nhận biết và thông hiểu nên không phải lo lắng mà tạo cho mình một niềm tin trước khi bước vào kỳ thi.

Để học sinh khỏi vất vả và phụ huynh đỡ lo lắng. Mong muốn của tôi cùng với nhiều đồng nghiệp là các trường đại học nên dùng kết thi tốt nghiệp để xét tuyển mà không cần kỳ tuyển sinh riêng vì đề thi rất chất lượng và có tính phân loại cao từng đối tượng học sinh.

Hiện nay, ai cũng biết các em học sinh lớp 12 với buổi sáng thì học chính khoá, buổi chiều tham gia ôn thi tốt nghiệp, còn buổi tối lại đi ôn thi theo đề thi riêng của các trường đại học. Vì đề thi riêng một số trường đại học không giống như cấu trúc đề thi tốt nghiệp nên dẫn đến căng thẳng cho học sinh. Phụ huynh có con đang học lớp 12 cần thấu hiểu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Châu Âu đang âm thầm làm ăn với Nga

Châu Âu đang âm thầm làm ăn với Nga

GD&TĐ - Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, các nước châu Âu vẫn duy trì giao thương với Moscow, cung cấp cho Nga hàng chục tỷ USD để tái đầu tư cho quân đội.