Cô giáo Quản Thị Huệ cho biết: So với năm 2018, đề tham khảo Địa lý năm nay có một số thay đổi về cấu trúc nội dung: tăng lượng kiến thức thuộc phạm vi lớp 12 (90% kiến thức lớp 12), giảm lượng kiến thức lớp 11 (4 câu thuộc phạm vi lớp 11 trong đó chỉ có 2 câu lý thuyết, so với năm 2018 có 8 câu lớp 11 trong đó có 6 câu lý thuyết).
Đề năm nay tập trung nhiều hơn vào kiến thức lớp 12. Đề không có phần nội dung thuộc riêng phần kiến thức lớp 10.
Đối với chương trình địa lí 12, đề bao quát hết các nội dung trong chương trình với số lượng câu hỏi từng phần tương ứng phù hợp với thời lượng các bài trong SGK.
Theo cô Huệ, đề tham khảo vừa sức, có sự phân hóa: Các câu hỏi về khai thác Atlat: thường ở mức độ dễ; Các câu hỏi thuộc phần tự nhiên - dân cư: tương đối dễ; Các câu hỏi về phần các ngành kinh tế và các vùng kinh tế: phần lớn đòi hỏi kiến thức tổng hợp và tư duy, có sự liên hệ nhiều đối tượng địa lí với nhau; đây cũng chính là các câu hỏi giúp phân hóa thí sinh.
Đề tham khảo cơ bản đảm bảo được sự phân hóa giữa học sinh thi tốt nghiệp và thi đại học.
Nhìn chung, học sinh ở mức khá hoặc trung bình khá có thể đạt điểm 7. Đối với mức điểm từ 8 đến 10 sẽ có sự phân hóa rõ nét hơn về lực học của thí sinh.
Với đề thi này, học sinh giỏi có thể đạt điểm trên 8 nhưng không dễ để đạt điểm tối đa do có một số ít câu đòi hỏi học sinh cập nhật kiến thức thực tế, những câu này cũng có các phương án trả lời gần giống nhau gây "nhiễu" và làm khó thí sinh.