Theo cô Thảo, đề thi môn Giáo dục công dân có cấu trúc tương tự đề thi năm 2019, gồm 40 câu hỏi (từ câu 81 đến 120 trong bài thi tổ hợp), nội dung thi nằm trong chương trình kiến thức lớp 12 (90%), 10% số câu hỏi trong đề thuộc phần kiến thức lớp 11.
Do diễn biến dịch bệnh, chương trình có sự giảm tải một số nội dung so với những năm trước. Chương trình giảm tải nằm trong một số chủ đề công dân với các quyền tự do cơ bản: Trách nhiệm của công dân; công dân với các quyền dân chủ (ý nghĩa quyền bầu cử và quyền ứng cử của công dân…). Những nội dung này không được đưa vào đề thi.
So với đề thi năm 2019, đề thi năm 2020 giảm về độ khó. Điều này được thể hiện ở số câu hỏi vận dụng cao giảm so với năm 2019, tăng số câu hỏi ở mức độ thông hiểu. Số lượng câu hỏi nhận biết và thông hiểu tương đương đề thi năm 2019.
Tuy nhiên, đáng lưu ý là câu hỏi vận dụng cao với mức độ khó giữ nguyên, thậm chí dữ liệu được đưa trong câu hỏi có khả năng gây nhiễu cho học sinh tương đối tốt. Đặc biệt, có câu thông tin đưa ra một vấn đề nhưng vấn đề được hỏi lại xoay quanh một vấn đề khác nên học sinh cần phải hết sức lưu ý trong việc kết nối và xử lý vấn đề lựa chọn đáp án đúng.
“Có thể nói, đề bám sát chương trình cơ bản, theo đúng cấu trúc đề từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Cấu trúc đề, rõ ràng và mạch lạc. Những câu vận dụng mang tính chất thực tiễn giúp học sinh nhận biết và lựa chọn được những đáp án chính xác.
Các câu tình huống khiến học sinh có cảm giác như mình đang trực tiếp giải quyết các tình huống thực tế mà các em sẽ gặp trong cuộc sống. Đây là những kiến thức căn bản, giúp học sinh có hành trang tốt khi bước vào cuộc sống” – cô Ngô Thị Thảo nhận định.
Phân tích đề tham khảo môn Giáo dục công dân, thầy Trần Văn An, Trường THPT Cần Đăng, An Giang cho biết, đề có cấu trúc theo độ khó như sau: 30% nhận biết, 30% thông hiểu, 40% vân dụng và vận dụng cao.
Nội dung kiến thức đề thi tập trung chủ yếu trong nội dung kiến thức học kỳ I lớp 12 (70%) và nội dung kiến thứclớp 11 (10%), Kiến thức học kỳ II lớp 12: 20%. Nội dung kiến thức học kỳ II lớp 12 trong đề thi hoàn toàn nằm trong chương trình điều chỉnh của Bộ GD&ĐT. Nhìn chung, đề tham khảo giới hạn kiến thức chủ yếu ở học kỳ I.
Với đề này, học sinh trung bình có thể đạt 5-6 điểm. Học sinh khá, giỏi đạt: 7-10 điểm. Để làm bài được điểm tốt, học sinh cần nắm vững kiến thức cũ lớp 11 và học kỳ I lớp 12, đồng thời biết vận dụng kiến thức để giải quyết nhiều tình huống thực tiễn.
Định hướng triển khai công tác ôn thi THPT quốc gia môn Giáo dục công dân, thầy Trần Văn An chia sẻ: Căn cứ vào chương trình điều chỉnh của Bộ GD&ĐT, có thể hoàn thành nội dung chương trình trong 6 tuần (kể cả thời gian kiểm tra 1 tiết, ôn tập và kiểm tra học kỳ). Việc dạy cần bám sát nội dung điều chỉnh và đề thi tham khảo của Bộ. Giáo viên xây dựng lại kế hoạch dạy học theo chương trình điều chỉnh của Bộ.
Về ôn tập, 80% điểm bài thi nằm trong chương trình lớp 11 và chương trình học kỳ I lớp 12 (Lớp 11: 10%, học kỳ một lớp 12: 70%), do vậy những nội dung kiến thức này có thể học sinh đã bị quên một phần, giáo viền cần dành thời gian ôn tập nhiều hơn. Ngoài ra học sinh cần dành nhiều thời gian luyên tập ở các bài tập khó vi số câu hỏi khó chiếm khoảng 40% trong đề thi.