Để phụ huynh ủng hộ, đồng thuận chọn SGK mới: Cách làm hiệu quả ở Thanh Hóa

GD&TĐ - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định Danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 1, lớp 2 và lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, từ năm học 2021- 2022.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định ban hành danh mục SGK từ năm học 2021-2022. Ảnh minh họa.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định ban hành danh mục SGK từ năm học 2021-2022. Ảnh minh họa.

Giúp phụ huynh hiểu đúng chủ trương 

Sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định ban hành danh mục SGK,  ngành giáo dục tỉnh này sẽ điều động cán bộ cốt cán đi tiếp thu, tập huấn. Đồng thời, chỉ đạo các phòng GD&ĐT hương dẫn các nhà trường tuyên truyền cho phụ huynh học sinh về cách lựa chọn SGK cho con, em họ.

Cô Nguyễn Thị Hiền – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Vệ I (TP Thanh Hóa), cho biết: Để tuyên truyền cho phụ huynh học sinh biết được chủ trương của tỉnh về việc sử dụng SGK mới, nhà trường đã đưa các quyết định của UBND tỉnh lên nhóm zalo, facebook cho phụ huynh nắm bắt chủ trương về các đầu mục SGK. Sau đó, phụ huynh đăng ký SGK với giáo viên chủ nhiệm rồi nhà trường tổng hợp gửi lên phòng GD.

“Vấn đề tuyên truyền cho phụ huynh học sinh hiểu để chọn SGK, thì cơ bản là từ giáo viên chủ nhiệm. Mỗi lớp đều lập nhóm zalo, facebook giữa phụ huynh và giáo viên.  Do đó, giáo viên chỉ cần đăng tải thông tin lên nhóm, lấy ý kiến của từng phụ huynh rồi tổng hợp”, cô Hiền chia sẻ.

Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, thực tế cho thấy, việc phụ huynh lựa chọn SGK cho học sinh cũng đều căn cứ vào những đầu mục sách mà Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt.

Giáo viên khu vực TP Thanh Hóa tập huấn thay SGK lớp 1, năm 2020.
Giáo viên khu vực TP Thanh Hóa tập huấn thay SGK lớp 1, năm 2020.

Mặc dù đại diện hội cha mẹ học sinh cũng là thành viên trong hội đồng tuyển chọn SGK của nhà trường nhưng thực tế, phụ huynh đều thống nhất theo phương án khi hội đồng quyết định chọn bộ SGK nào.

Thầy giáo Nguyễn Văn Giang – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) cho biết, học sinh của nhà trường hầu hết là con em gia đình buôn bán và làm nông nghiệp. Đời sống đang khó khăn, nên phụ huynh bận làm kinh tế, ít quan tâm phối hợp với giáo viên trong việc giáo dục con em, mà thường gửi gắm hết cho nhà trường...Vì lẽ đó, việc lựa chọn SGK cho con, em mình đều được phụ huynh đồng ý theo cách lựa chọn của nhà trường.

"Thực tế cho thấy, chương trình SGK mới đã được thay đổi, nên nhiều bậc phụ huynh cũng không thể hiểu hết được nên chọn sách cho con, em họ như thế nào. Do đó, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền cho phụ huynh hiểu đúng chủ trương về Chương trình - Sách giáo khoa mới", thầy Giang cho hay. 

Phụ huynh trông cậy vào giáo viên

Chị Hoàng Thị Vân ở phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) có con gái chuẩn bị vào lớp 6, cho rằng: “Chương trình trong SGK mới thực sự là khó với bậc phụ huynh như chúng tôi. Nếu như chương trình SGK trước kia, thì tôi vẫn có thể đọc, hiểu và có thể dạy cho con được. Nhưng bây giờ, chương trình trong SGK đã thay đổi hoàn toàn, tôi có muốn dạy cho con cũng rất khó.

Bên cạnh đó, sách không được xuất bản trước năm học, nên nhiều phụ huynh dù có thời gian cũng không thể cùng con nghiên cứu làm quen kịp thời với sách.

Trong khi đó, số lượng đầu sách khá nhiều, nên chúng tôi cũng đồng ý với phương án của nhà trường và trông cậy vào thầy, cô giáo dạy cho con mình thôi”.

Cô giáo Dương Thu Hà – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (TP Thanh Hóa), cho hay: “Khi giáo viên chủ nhiệm chuyển danh mục đầu SGK cho phụ huynh lựa chọn, giáo viên cũng có trách nhiệm tuyên truyền cho họ.

Giáo viên tỉnh Thanh Hóa tập huấn thay SGK mới năm 2020.
Giáo viên tỉnh Thanh Hóa tập huấn thay SGK mới năm 2020.

Tuy nhiên, thực tế là không phải phụ huynh nào cũng lựa chọn được. Vì thế tỉnh yêu cầu các nhà trường tuyên truyền và khuyến nghị cho phụ huynh hiểu rõ chủ trương lựa chọn  SGK.

Do đó, nhà trường giao cho giáo viên chủ nhiệm khuyến nghị cho phụ huynh sau khi lặ chọn, thì nên tập trung đăng ký mua SGK cho các con tại nhà trường, để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái hoặc mua không đúng chủng loại. Bởi lẽ, nếu phụ huynh không nắm vững, thì rất dễ bị mua nhầm, vì SGK bây giờ theo chủng loại, chứ không theo bộ như trước kia”.

Cũng theo cô Hà, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền, giải thích cặn kẽ cho các bậc phụ huynh về việc đăng ký danh mục SGK cho con. Nếu phụ huynh nào có nguyện vọng đăng ký mua sách tại trường, thì giáo viên chủ nhiệm tổng hợp gửi lên trường, để nhà trường nộp lên phòng GD, tránh tình trạng nhầm lẫn, chồng chéo.

Ngày 27/5 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định số: 1766/QĐ-UBND, về việc Phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, từ năm học 2021- 2022.

Theo đó, tỉnh Thanh Hóa quyết định chọn chung các bộ sách, gồm: Cánh diều (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh); Chân trời sáng tạo và bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống (Nhà xuất bản GD Việt Nam).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.