Chọn sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6: Đẩy nhanh tiến độ nhưng bảo đảm chất lượng

GD&TĐ - Theo quy định, việc chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 năm học 2021 – 2022 phải xong trước 5 tháng so với thời điểm khai giảng năm học mới. Các cơ sở giáo dục đang đẩy nhanh tiến độ lựa chọn sách.

Sau chọn sách, các địa phương bắt tay ngay vào việc phát hành, tập huấn sử dụng sách, chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị… Ảnh: X. Uyên
Sau chọn sách, các địa phương bắt tay ngay vào việc phát hành, tập huấn sử dụng sách, chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị… Ảnh: X. Uyên

Nước rút hoàn thiện

Theo đại diện Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Lai Châu, tỉnh tiến hành lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 2, lớp 6 theo đúng lộ trình đề ra. Nhân lực được huy động tham gia Hội đồng chọn SGK bảo đảm về cơ cấu và tiêu chuẩn thành viên theo hướng dẫn Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT về Quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Quan điểm của Sở GD&ĐT Lai Châu, thành phần tham gia các Hội đồng theo môn phải có đủ giáo viên ở các huyện, thành phố và ưu tiên giáo viên cốt cán đã tham gia tập huấn, bồi dưỡng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Có hai tiêu chí để Lai Châu căn cứ chọn SGK lần này: Bộ sách phải phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương. Cấu trúc SGK được thiết kế theo hướng mở, tạo điều kiện để nhà trường xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục. Thể hiện rõ các mạch chủ đề/bài học; dễ phân biệt các phần bằng hệ thống ký hiệu, biểu tượng; trình bày hấp dẫn, cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình,  bảo đảm tính thẩm mĩ, phù hợp với đặc trưng môn học và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tại tỉnh Lai Châu.

Nội dung SGK chính xác, có tính kế thừa, cách thức thể hiện phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý của địa phương, cộng đồng dân cư. Ngôn ngữ SGK gần gũi, trong sáng, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, tạo độ mở để học sinh có thể vận dụng các từ ngữ phù hợp với văn hóa địa phương và theo Quyết định của Bộ GD&ĐT.

Bên cạnh đó, Bộ sách phải phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Nội dung SGK tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên bổ sung, điều chỉnh, thiết kế các hoạt động dạy học phù hợp với đối tượng học sinh, khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện dạy học khác tại cơ sở giáo dục; thuận lợi cho việc kiểm tra, đánh giá khả năng học tập của các đối tượng học sinh. Có trang thông tin điện tử (website) đồng bộ với SGK để hỗ trợ giáo viên, cha mẹ học sinh, học sinh thông qua các video bài dạy minh họa, audio, hình ảnh và các tài nguyên khác.

Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu Đinh Trung Tuấn cho biết: Giữa tháng 3, tỉnh Lai Châu đã hoàn thành việc giới thiệu SGK lớp 2, lớp 6 cho toàn bộ cán bộ quản lý, giáo viên cấp tiểu học và Trung học cơ sở.

Từ 13/3 - 15/4, cán bộ quản lý, giáo viên tiếp tục nghiên cứu SGK điện tử và tài nguyên hướng dẫn sử dụng, giảng dạy bộ môn trên các trang mạng của nhà xuất bản, đồng thời vận dụng các nội dung đã được tập huấn về thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để kiểm nghiệm xây dựng kế hoạch giáo dục môn học, kế hoạch bài dạy. 

Giáo viên tiểu học tỉnh Tiền Giang trao đổi tại khóa tập huấn SGK lớp 2 môn Tiếng Anh. Ảnh: X. Uyên
Giáo viên tiểu học tỉnh Tiền Giang trao đổi tại khóa tập huấn SGK lớp 2 môn Tiếng Anh. Ảnh: X. Uyên

Tập trung khâu “hậu chọn sách”

Các địa phương đã hoàn thành việc chọn SGK lớp 2, lớp 6 khẩn trương bắt tay ngay vào khâu “hậu chọn sách”.

Theo đại diện Sở GD&ĐT Đồng Tháp, sau khi chọn sách lớp 1, lớp 2 và lớp 6, các đơn vị, trường học hình thành các đội ngũ kỹ thuật tiếp cận và nắm bắt các vấn đề liên quan đến các nội dung và việc triển khai, thực hiện. Qua đó tiếp thu và có các ý kiến đóng góp tiếp tục khi chương trình được thực hiện tại các đơn vị, trường học để kịp thời báo cáo và điều chỉnh cho phù hợp. Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT tổ chức các hoạt động khảo sát và có lộ trình đầu tư, hoàn chỉnh các trang, thiết bị phục vụ cho nhu cầu dạy và học đối với Chương Giáo dục phổ thông 2018…

Bà Nguyễn Thúy Hà, Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp cho biết: Đối với SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6 trên cơ sở quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, sở làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp có chức năng cung ứng đảm bảo đầy đủ cho các cơ sở giáo dục và học sinh. Sở GD&ĐT cùng các đơn vị trực thuộc Sở, Phòng GD&ĐT sẽ rà soát chuẩn bị sách, thiết bị phục vụ cho việc dạy và học trong năm học mới....

Tại tỉnh Vĩnh Long, sở GD&ĐT đang tập hợp số liệu từ các trường đăng ký SGK để đặt hàng với nhà xuất bản. Theo bà Trương Thanh Nhuận, Giám đốc Sở GD&ĐT, phụ huynh an tâm đăng ký tại trường hoặc cũng có thể mua tại nhà sách. Sở sẽ phối hợp, đề nghị đơn vị cung ứng SGK cam kết cung ứng sách kịp thời, đúng quy định, bảo đảm chất lượng.

Theo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, Hội đồng chọn SGK lớp 2 và lớp 6 đã không chọn hết các đầu sách mà chỉ chọn một hoặc một số đầu sách. Để các trường không bị “rối”, sở có hướng dẫn cụ thể. Nếu SGK đề xuất lựa chọn có trong danh mục SGK được UBND thành phố phê duyệt, cơ sở giáo dục phổ thông chọn đúng SGK đó để sử dụng, không được chọn SGK khác. Nếu SGK đề xuất lựa chọn không có trong danh mục SGK được UBND thành phố phê duyệt, đối với trường hợp danh mục SGK được UBND thành phố phê duyệt chỉ có 1 SGK, cơ sở giáo dục phổ thông chọn đúng bộ SGK đó để sử dụng.

Trường hợp danh mục SGK được UBND thành phố phê duyệt có từ 2 SGK trở lên, cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức chọn SGK trong danh mục này theo quy trình được quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư số 25/2020 của Bộ GD&ĐT Quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông và hướng dẫn của Sở GD&ĐT.

Trước ngày 30/4, các trường học ở Cần Thơ tổng hợp, thống kê kết quả chọn SGK, số lượng SGK của các trường trên địa bàn và báo cáo về UBND quận, huyện và sở GD&ĐT... Sở GD&ĐT đang tăng cường thực hiện kế hoạch bàn giao chất lượng giữa các cấp học; Rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học lớp 2, lớp 6; Rà soát, bổ sung đội ngũ giáo viên giảng dạy lớp 2, lớp 6 năm học 2021 - 2022 để chủ động lập kế hoạch dự kiến tổ chức bồi dưỡng, tập huấn sử dụng SGK…

Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường chủ động trong công tác tuyên truyền với phụ huynh, thông tin rõ, cụ thể và chi tiết về việc lựa chọn SGK và SGK được UBND thành phố phê duyệt. Đồng thời, thông tin thêm về việc chọn lại ở các đơn vị có những đầu sách không nằm trong danh mục SGK được UBND phê duyệt. - Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó trưởng Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ