Theo quyết định của UBND tỉnh, từ năm học 2021 - 2022, học sinh lớp 2, lớp 6 tại các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn sẽ sử dụng 2 bộ sách: Cánh diều (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) và Kết nối tri thức với cuộc sống (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).
Thông tin về thay đổi sách giáo khoa đã tác động nhiều đến tâm lý của các bậc phụ huynh. Đặc biệt, đối với trẻ lên lớp 2 phải học bộ sách khác với bộ sách mà nhà trường đã chọn để dạy lớp 1 thì nỗi băn khoăn này lại càng lớn.
Chị Nguyễn Thị Hiền (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), bày tỏ: “Con gái tôi năm sau lên lớp 2, không biết bộ sách mới sẽ được chọn có liền mạch với bộ sách hiện nay của con hay không”.
Để chuẩn bị tâm lý cho phụ huynh và học sinh tiếp cận với sách giáo khoa mới vào đầu năm học 2021-2022, ngành giáo dục đã bắt đầu triển khai nhiều hình thức tuyên truyền phổ biến.
Tại huyện Thạch Hà, có 25 trường Tiểu học và 13 trường THCS, 1 trường Liên cấp. Hiện nay, các trường tiểu học đang sử dụng bộ sách Cùng học và phát triển năng lực của NXB Giáo dục Việt Nam. Theo quyết định mới của UBND tỉnh bộ sách này không nằm trong danh mục lựa chọn vào năm học 2021-2022.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà, các trường học đang trong quá trình lựa chọn và đăng ký chọn sách giáo khoa. Sau khi chốt bộ sách, Phòng sẽ đề nghị các trường tổ chức tuyển sinh sớm so với mọi năm để họp phụ huynh, tuyên truyền, giải đáp các thắc mắc về bộ sách giáo khoa mới.
“Ngay khi có thông báo của UBND tỉnh, ngành giáo dục Thạch Hà đã có văn bản gửi đến tận các thôn xóm trong huyện để thông báo đến phụ huynh qua hệ thống loa phát thanh. Tại các điểm giao dịch UBND xã, niêm yết các danh mục sách được lựa chọn để phụ huynh tìm hiểu thêm thông tin”, bà Nga cho biết.
Tại trường tiểu học Thạch Đài (huyện Thạch Hà) có 410 học sinh, trong đó có 83 học sinh từ lớp 1 lên lớp 2 trong năm học 2021-2022. Trong cuộc họp trực tuyển tổng kết cuối năm học, giáo viên các lớp học đã trao đổi với phụ huynh về sự thay đổi này.
Cô giáo Trần Thị Dung Huế, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thạch Đài, cho biết: “Việc trao đổi thông tin tư vấn giữa giáo viên và phụ huynh học sinh rất cần thiết để giải đáp các thắc mắc của phụ huynh. Vì vậy sau khi được giáo viên chủ nhiệm các lớp phổ biến, phụ huynh rất đồng tình và tin tưởng vào sự lựa chọn của giáo viên”.
Còn tại trường tiểu học Đức Giang (huyện Vũ Quang), hiện đang sử dụng bộ sách Chân trời sáng tạo cho lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong năm học tới nhà trường đã có văn bản xin đổi sang bộ sách Cánh Diều- đây cũng là bộ sách được phần lớn các trường tại huyện Vũ Quang lựa chọn.
“Từ nay đến thời điểm chính thức triển khai chương trình GDPT mới, nhà trường tích cực tuyên truyền tới tất cả cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh. Dự kiến vào thời điểm cuối tháng 7 và đầu tháng 8, nhà trường chủ động phối hợp với trường mầm non trên địa bàn để tuyên truyền cho các phụ huynh có con vào lớp 1 biết đến chương trình GDPT mới để triển khai một cách hiệu quả”, cô giáo Đặng Thị Tường, Hiệu trưởng trường tiểu học Đức Giang cho biết.
Trước những lo ngại về thay đổi sách giáo khoa, ông Trần Hậu Tú, Trưởng Phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD&ĐT Hà Tĩnh) chia sẻ: Phụ huynh không nên lo lắng về điều này. Vì dù là bộ sách nào thì cũng được thiết kế, biên soạn theo khung chương trình chung với lượng kiến thức như nhau. Do đó, khi học sách này, sau đó có chuyển sang sách khác, giáo viên và học sinh hoàn toàn không gặp khó khăn.
Cũng theo ông Tú, quyết định lựa chọn sách của UBND tỉnh căn cứ từ quá trình nghiên cứu sách của giáo viên các nhà trường và sự tham mưu của 21 hội đồng lựa chọn sách do UBND tỉnh thành lập. Tinh thần của việc chọn SGK là công khai, minh bạch, khách quan và mang tính kế thừa, nhằm chọn ra bộ SGK phù hợp nhất để giảng dạy.
Thời gian tới, cùng với đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân, phụ huynh hiểu và đồng tình ủng hộ, ngành Giáo dục Hà Tĩnh sẽ tiếp tục rà soát cơ sở vật chất tại các trường học.
Đồng thời, bồi dưỡng, nâng cao năng lực trình độ cho giáo viên, nhất là giáo viên lớp 1; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học để giáo viên có thể tiếp cận một cách tốt nhất với chương trình GDPT mới.