Chương trình - sách giáo khoa mới: Không để học chay

GD&TĐ - Song song với công tác tuyển sinh đầu cấp, nhiều trường học vùng khó khăn chủ động rà soát, lên danh sách những học sinh đặc biệt để hỗ trợ SGK theo chương trình mới.

Phòng GD&ĐT Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) tặng SGK cho HS lớp Một năm học 2020 – 2021.
Phòng GD&ĐT Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) tặng SGK cho HS lớp Một năm học 2020 – 2021.

Chủ động nguồn kinh phí

Phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) dự kiến sẽ xin chủ trương của UBND huyện tiếp tục mua sắm, cấp phát SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6 cho HS của xã miền núi Nghĩa Sơn và Nghĩa Thọ. Trước đó, năm học 2020 - 2021, khi bắt đầu triển khai chương trình - SGK mới đối với lớp 1, ngành GD&ĐT địa phương đã tham mưu cho UBND huyện trích ngân sách để mua SGK cấp phát cho HS lớp 1 của 2 xã này.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thái – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi, ngành GD-ĐT các huyện miền núi đều có tờ trình gửi chính quyền địa phương, đề xuất phương án sử dụng ngân sách để mua sắm SGK cho HS lớp 1 mượn. Đây là nguồn kinh phí giúp trang bị SGK cho HS đầy đủ, chủ động và đồng bộ nhất; bảo đảm cho các em có đầy đủ SGK để làm quen trước khi chính thức bước vào năm học mới.

Năm học 2020 - 2021, Phòng GD&ĐT Sơn Tây (Quảng Ngãi) đã trình UBND huyện phương án dùng ngân sách tự chủ của Phòng để mua SGK cấp phát cho HS lớp 1. Tuy nhiên, năm học tới, khi có thêm HS khối lớp 2 và lớp 6 thực hiện chương trình - SGK mới, Phòng đã đề xuất sẽ sử dụng nguồn kinh phí của huyện trong mua sắm SGK - thiết bị để cấp phát cho cả 3 khối lớp.

Từ kinh nghiệm của một năm triển khai “phủ” SGK cho 100% HS theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ông Bùi Thế Giới – Trưởng phòng GD&ĐT Sơn Tây nhận xét: “So với kinh phí đầu tư cơ sở vật chất thì khoản trang bị SGK chỉ chiếm một phần nhỏ. Với đặc thù kinh tế - xã hội của Sơn Tây, chủ trương này sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy - học do 100% HS có đủ SGK để học tập”.

Ông Đặng Văn Thuận – Trưởng phòng GD&ĐT Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết: Các huyện miền núi của Quảng Nam đều có tờ trình gửi UBND tỉnh đề xuất sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh để mua SGK cho HS của cả khối lớp 1, lớp 2 và lớp 6.

Qua rà soát lại từ các trường tiểu học, số SGK lớp 1 của năm học 2020 - 2021 sử dụng lại không được bao nhiêu vì các em còn nhỏ, không có ý thức giữ gìn. Cộng vào đó là thời tiết khắc nghiệt cũng khó bảo quản được sách. Với khoảng 98% HS của huyện là con em đồng bào dân tộc, chúng tôi kiến nghị sẽ trang bị SGK cho 100% HS của 3 khối lớp triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Một điểm tập kết SGK và đồ dùng học tập của Dự án “Sách cũ của bạn, sách mới của tôi”.
Một điểm tập kết SGK và đồ dùng học tập của Dự án “Sách cũ của bạn, sách mới của tôi”.

Không để học sinh thiếu SGK

Là địa bàn tập trung nhiều HS là con em công nhân và lao động tự do, Phòng GD&ĐT Liên Chiểu (Đà Nẵng) đã xây dựng kế hoạch với mục tiêu không để HS thiếu SGK sau khai giảng năm học mới. Theo đó, trong quá trình triển khai công tác tuyển sinh đầu cấp đối với lớp 1 và lớp 6, các trường tiểu học, THCS sẽ thống kê danh sách những HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cùng với danh sách có sẵn của HS lớp 2, các trường sẽ gửi lên Phòng GD&ĐT để tổng hợp, xây dựng kế hoạch để huy động các nguồn hỗ trợ.

Ông Nguyễn Thanh Lịch - Phó Trưởng phòng phụ trách GD&ĐT Liên Chiểu cho biết: “Năm học 2020 - 2021, khi mới chỉ bắt đầu thực hiện chương trình - SGK mới ở khối lớp Một, toàn quận có 87 HS khó khăn cần hỗ trợ SGK. Trong số này, Trường Tiểu học Hồng Quang có số HS được tặng SGK nhiều nhất với 20 em. Ngoài nguồn kinh phí được các nhà xuất bản hỗ trợ với 9 triệu đồng, Phòng GD&ĐT đã kêu gọi một số cá nhân ủng hộ với số tiền 5 triệu đồng. Từ các nguồn này, đã đảm bảo 100% HS có đủ đầu SGK lớp Một để sử dụng”.

Tuy nhiên, năm học 2021 - 2022 sắp tới, khi Chương trình giáo dục phổ thông mới thực hiện cuốn chiếu ở cả 3 khối lớp nên ông Lịch dự kiến số HS cần hỗ trợ SGK sẽ nhiều hơn. Phòng GD&ĐT đã kêu gọi sự chung tay hỗ trợ từ Hội Khuyến học và Hội Cựu giáo chức của quận.  Thêm vào đó là sự góp sức từ Hội cha mẹ học sinh các trường học nên chúng tôi hy vọng HS sẽ đủ SGK trước khi năm học mới bắt đầu.

Ngoài ra, nhiều tổ chức, cá nhân đã có những hình thức vận động, hỗ trợ SGK để HS không phải học chay. Như dự án “Sách cũ của bạn, sách mới của tôi” do nhóm thiện nguyện Đà Nẵng tình người triển khai trước thềm năm học mới 2020 – 2021.

Ngoài sử dụng mạng xã hội Facebook để kêu gọi hỗ trợ, dự án “Sách cũ của bạn, sách mới của tôi” còn đặt ở mỗi quận, huyện của thành phố một điểm tập kết SGK. Nhờ vậy, nhiều phụ huynh và mạnh thường quân đã biết đến chương trình và gửi sách cũ ủng hộ. Dự án đã tiếp nhận hàng chục nghìn đầu sách các loại ở nhiều cấp học và gần 2 tỷ đồng tiền mặt từ các nguồn ủng hộ. Các tình nguyện viên đã phân loại, làm mới, sắp xếp thành những bộ SGK hoàn chỉnh để trao đến những trường hợp có nhu cầu.

Chị Trương Thị Tuyền (trú xã Hòa Sơn, Hòa Vang, Đà Nẵng) một mình nuôi 2 con nhỏ, năm 2020, dịch bệnh liên miên nên cuộc sống của 3 mẹ con rất khó khăn. Nghe nhiều người mách, chị Tuyền đăng ký và nhận được một bộ SGK lớp Một theo đúng danh mục SGK của trường con chị đang học cùng với cặp sách, đồ dùng học tập mới. Nhận món quà tặng, cả 2 mẹ con rất cảm động bởi đã bớt được phần nào chi phí đầu năm học cho con. 

Sau khi đã chuyển SGK, cặp sách, đồ dùng học tập, một số trường hợp còn được hỗ trợ cả đồng phục cho những trường hợp có nhu cầu ở Đà Nẵng, nhóm thiện nguyện “Đà Nẵng tình người” tiếp tục hỗ trợ cho HS 4 xã Nam Trà My và HS một số xã miền núi của Quảng Ngãi. Hơn 20 thùng đồ dùng học tập, hàng trăm bộ SGK mới, hơn 1.000 cặp sách và 150 máy tính cầm tay cho HS THPT đã được chia sẻ với HS vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam) để đáp lại ân tình của những gùi rau củ yêu thương mà bà con gửi cho người dân Đà Nẵng trong mùa dịch. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.
Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.